Di Linh: Căng sức chống hạn cho cây cà phê

04:02, 25/02/2016

Ghi nhận thực tế, tại một số địa phương (Tân Châu, Tân Nghĩa, Đinh Lạc, Gia Bắc, Sơn Điền, Tam Bố, Đinh Trang Hòa, Hòa Bắc, Hòa Trung...) của huyện Di Linh, những ngày qua, nhiều vườn cà phê đang gặp phải tình trạng rũ lá, rụng trái vì thiếu nước trầm trọng. 

Ghi nhận thực tế, tại một số địa phương (Tân Châu, Tân Nghĩa, Đinh Lạc, Gia Bắc, Sơn Điền, Tam Bố, Đinh Trang Hòa, Hòa Bắc, Hòa Trung...) của huyện Di Linh, những ngày qua, nhiều vườn cà phê đang gặp phải tình trạng rũ lá, rụng trái vì thiếu nước trầm trọng. 
 
Người dân tận dụng mọi nguồn nước chống hạn cho cây cà phê
Người dân tận dụng mọi nguồn nước chống hạn cho cây cà phê

Tận dụng mọi nguồn nước chống hạn
 
“Ngay từ mùng 2 Tết Nguyên đán, tôi đã phải túc trực tại đây, nạo vét đoạn suối chảy ngang qua vườn, tích trữ nước tưới cho cây cà phê. Song, cứ tưới được 2 tiếng đồng hồ, tôi lại phải tạm ngừng, đợi có đợt nước khác, mới tưới tiếp”, anh K’Nuys có 4 sào cà phê ở Khu kinh tế II (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) cho hay. Diện tích vườn cà phê nhà anh K’Nuys chỉ 4 sào, nhưng để hoàn tất 1 đợt tưới, anh phải mất từ 2 đến 3 ngày tưới nước. 
 
6 sào cà phê của gia đình ông K’Tân ở Dor Mèo (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) cũng đang chịu tình trạng khô hạn tương tự. Địa hình vườn cao, lại thêm xa nguồn nước, ông phải nối hơn 500m ống xuống tận đập nước của suối Riam, mới đưa được nước đến tưới cho 6 sào cà phê khỏi chết khô. Ông phải tưới trong vòng 3 ngày, tiêu tốn khoảng 300.000 đồng tiền xăng dầu, mới tạm “cứu” được tình trạng “khát nước” cho 6 sào cà phê. “Nếu không tưới nước kịp thời, cà phê sẽ không thể trổ bông và chắc chắn vụ mùa này sẽ thất thu”, ông K’Tân chia sẻ. 
 
Từ đầu mùa khô, bà Ka Phim (thôn Bộ Bê, xã Gia Bắc, huyện Di Linh) đã bỏ ra 6 triệu đồng, mua một chiếc máy bơm nước cỡ nhỏ, phục vụ cho việc chống hạn. Thế nhưng, bà Ka Phim cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 2ha cà phê. Một số cây không chịu được nắng hạn đã bắt đầu héo úa”. 
 
Những trường hợp như của hộ bà Ka Phim, ông K’Tân và anh K’Nuys vẫn còn may. Bởi tuy có khó khăn, nhưng lại không phải thuê người tưới. “Chủ động được công tưới thì 1ha cà phê chỉ tốn gần 1 triệu đồng tiền xăng dầu. Còn như thuê người tưới, ở những khu vực gần nguồn nước, 1 tiếng đồng hồ có giá 100.000 đồng, chỗ xa nguồn nước thì 160.000 - 170.00 đồng tiền công. Tính ra mỗi đợt tưới cà phê, người trồng phải mất khoảng 3 triệu đồng”, anh K’Nuys trao đổi. Ngoài ra, ở Di Linh, không ít những vườn cà phê có địa hình núi cao, xa nguồn nước, trong khi chi phí khoan 1 cái giếng lên đến 50 triệu đồng, thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện, đành trông cả vào nước mưa. 
 
Người dân xã Đinh Trang Hòa (Di Linh) tưới nước chống hạn cho cây cà phê
Người dân xã Đinh Trang Hòa (Di Linh) tưới nước chống hạn cho cây cà phê

43% diện tích cà phê không có nước tưới
 
Số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết: Trên địa bàn huyện Di Linh hiện có 41.500ha cà phê, nhưng các công trình thủy lợi của huyện (47 công trình), cộng cả nguồn cấp nước tự nhiên (sông, suối, khe...) và các công trình thủy lợi nhỏ do dân tự đào (ao, hồ, giếng...) nữa, thì cũng chỉ mới chủ động chống hạn cho 57% diện tích cây cà phê (23.500ha). Như vậy, còn tới 43% diện tích cà phê (18.000ha) vẫn còn tình trạng không có nước tưới trong mùa khô. Tuy nhiên, trên thực tế, số diện tích cà phê không có nước tưới còn cao hơn nhiều, nhất là gặp năm có nắng hạn kéo dài, nhiều công trình thủy lợi đều bị cạn kiệt, diện tích cà phê thiếu nước tưới gia tăng. Chưa kể, cao điểm chống hạn đợt 2, đợt 3 cho cây cà phê, chắc chắn nguồn nước không thể đáp ứng được. 
 
Trong khi giá cả cà phê niên vụ trước đã không lấy gì làm khả quan, thì ở niên vụ này, người nông dân lại tiếp tục đối diện một vụ mùa cà phê khó khăn ngay từ những ngày Tết. “Ông trời cứ cái đà không mưa thế này, những tháng tiếp theo không biết lấy đâu ra nước tưới cho cây cà phê”, ông K’Bik, một nông dân trồng cà phê ở xã Đinh Lạc (huyện Di Linh), lo lắng.
 
Đến tháng 3/2016, hạn sẽ xảy ra ở hầu hết các huyện
 
Mặc dù cuối mùa mưa năm 2015, các hồ chứa lớn đều trữ đủ nước, riêng hồ chứa nhỏ, mực nước hồ đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, lượng nước trữ trong hồ giảm so với cùng kỳ từ 20 - 30%. Mực nước trên các hệ thống hồ, đập thủy điện lớn trong tỉnh giảm dần và đều ở dưới mực nước dâng bình thường từ 3,23 đến 12,2 mét. Lượng nước trên các hồ thủy điện trên lưu vực Đồng Nai đều thiếu hụt so với cùng kỳ. 
 
Theo nhận định của Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng, đến hết tháng 4/2016, mực nước trên các sông ở Lâm Đồng có khả năng dao động theo xu thế giảm dần. Mực nước đạt mức nhỏ nhất vào khoảng tuần giữa và tuần cuối tháng 3/2016. Trên hệ thống các hồ, đập thủy điện lớn trong tỉnh, mực nước diễn biến theo xu thế giảm dần. Một số hồ có thể giảm dần tới mực nước chết.
 
Hiện tại, Sở NN & PTNT đã đưa ra dự báo các địa phương có khả năng xảy ra hạn hán như: Tại Cát Tiên, diện tích dự báo hạn hán khoảng 2.400ha; huyện Đạ Tẻh hơn 1.000ha; huyện Đạ Huoai khoảng 14.000ha (chủ yếu trên diện tích cà phê, chè và cây ăn quả); Bảo Lộc, khoảng 7.500ha chè, cà phê; Di Linh có khoảng 37.500ha cây công nghiệp, cây ăn quả; Bảo Lâm sẽ có khoảng 14.200ha chè, cà phê; Lâm Hà khoảng 35.000ha cà phê; Đam Rông gần 6.000ha… Hầu hết các huyện sẽ bị bạn vào thời điểm tháng 3/2016.
 
Sở NN & PTNN đã đưa ra nhiều giải pháp chống hạn trước mắt. Cụ thể như: Đối với các công trình thủy lợi, các huyện, thành cần tăng cường phối hợp với các đơn vị quản lý khai thác các công trình để xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi, từ đó có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước. Đối với các trạm bơm điện dọc sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Cát Tiên cần phối hợp với các công ty thủy điện để xả nước phát điện theo định kỳ, đảm bảo mực nước cho các trạm bơm. Huy động nguồn lực nhân dân để khai thông luồng lạch, nạo vét kênh mương nội đồng. Riêng bà con cần canh tác chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những cây trồng ít nước, đảm bảo hiệu quả sử đụng đất, sử dụng các máy bơm của hộ gia đình bơm nước từ khe suối, ao hồ vào sản xuất. Có thể sử dụng thêm máy bơm dã chiến, bơm thuyền để bơm dung tích chết của hồ, đào thêm giếng nhỏ để lấy nước tưới cho cây trồng… 
Ngọc Ngà


TRỊNH CHU