Những ai không nên uống cà phê?...

09:02, 23/02/2016

Cà phê là thức uống yêu thích của nhiều người trên thế giới. Ước tính toàn cầu tiêu thụ gần 2,25 tỷ tách cà phê mỗi ngày.... 

Cà phê là thức uống yêu thích của nhiều người trên thế giới. Ước tính toàn cầu tiêu thụ gần 2,25 tỷ tách cà phê mỗi ngày.... 
 
Trong cà phê chứa chất caffeine, ngoài ra, cà phê còn được xem là thức uống có giá trị dinh dưỡng vì chỉ cà phê đen không thôi đã chứa 12% lipid (chất béo), 12% protid (chất đạm), 4% chất khoáng, nhiều nhất là kali và magiê… 
 
Uống nhiều cà phê có thể gây ra những tác hại tiêu cực (Ảnh minh họa)
Uống nhiều cà phê có thể gây ra những tác hại tiêu cực (Ảnh minh họa)

Trong dược khoa, caffeine là 1 loại thuốc có tác dụng kích thích tuần hoàn và hô hấp, lợi tiểu nhẹ, có thể dùng để trợ tim hoặc giúp dễ thở. Caffeine cũng thường được phối hợp dùng trong nhiều loại thuốc trị cảm sốt như Excedrin, Midol, Anacin để làm giảm đau, giảm mệt mỏi…
 
Bởi vậy mà cà phê tốt cho sức khỏe như sự tỉnh táo về tinh thần. Uống cà phê và các đồ uống có chứa caffeine giúp tăng sự tỉnh táo và hoạt động tư duy hiệu quả hơn. Ngoài ra sự có mặt của caffeine trong cà phê là chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, làm cho tỉnh táo, kích thích khả năng làm việc, đặc biệt làm việc bằng trí óc, tăng cường hoạt động cơ.
 
Vì vậy, sau khi uống một ly cà phê vào buổi sáng, ta sẽ cảm thấy phấn chấn bắt tay vào công việc. Cũng như để đối phó với cơn buồn ngủ khi làm việc đêm, một ly cà phê đen đậm được xem là biện pháp hiệu quả.
 
Các loại nước giải khát khác như nước giải khát có ga (coca-cola, nước tăng lực) đều có chứa caffeine. Caffeine còn được dùng làm thuốc cụ thể nhiều thuốc trị cảm, đau nhức nhằm tăng cường tác dụng giảm đau của paracetamol, aspirin hoặc làm giảm tác dụng phụ gây buồn ngủ của thuốc trị dị ứng...
 
Tuy nhiên cà phê không hoàn toàn tốt như ta tưởng. Thật vậy, chất caffeine có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động của hệ thống tim mạch. Vì vậy, có một số người khi uống cà phê sẽ bị tim đập nhanh, nhức đầu, run tay, cảm thấy bất an.
 
Tác hại caffeine trong cà phê có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động của hệ thống tim mạch. Những người bị rối loạn tim mạch hoặc không dung nạp caffeine thì không nên uống cà phê.
 
Caffeine có tác dụng lợi tiểu, vì vậy cần tránh uống cà phê vào ban đêm để không bị mất ngủ. Caffeine có tác dụng kích thích làm tăng tiết acid dịch vị, vì vậy, tránh uống cà phê vào lúc đói. Người đã yếu dạ dày nếu uống cà phê lúc đói sẽ có hại cho niêm mạc dạ dày.
 
Một số người chỉ uống cà phê vào buổi sáng mà không dùng điểm tâm, rất có hại cho sức khỏe, cần bỏ thói quen này. Caffeine có thể gây tương tác với một số dược phẩm, chẳng hạn làm mất tác dụng an thần của thuốc an thần gây ngủ. Vì vậy, nên tránh uống cà phê với thuốc.
 
Mặc dù cà phê mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng nếu tiêu thụ quá mức có thể để lại những tác hại tiêu cực. Chẳng hạn như cà phê có chứa caffeine có thể gây ra chứng mất ngủ, căng thẳng và bồn chồn. Uống nhiều cà phê sẽ thúc đẩy việc tăng sản xuất các hormone căng thẳng như cortisol, epinephrine và norepinephrine. Những hóa chất này làm tăng nhịp tim, huyết áp và căng thẳng.
 
Tiêu thụ caffeine có thể làm tăng huyết áp ở những người đã bị cao huyết áp. Nhiều axit được tìm thấy trong hạt cà phê có thể gây kích ứng dạ dày và niêm mạc ruột non. Uống cà phê khi dạ dày trống rỗng có thể kích thích dạ dày tăng tiết axit.
 
Uống cà phê cũng có thể gây kích ứng niêm mạc ruột non, gây tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích. Trào ngược axit và ợ nóng có thể được gây ra bởi cà phê bởi nó làm giãn cơ vòng thực quản dưới (các cơ vòng này sẽ đóng kín lại sau khi chúng ta ăn để ngăn không cho thức ăn và axit trong dạ dày trào ngược lên trên thực quản).
 
Uống cà phê không lọc có thể làm tăng cholesterol trong máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim. Có một số lo ngại rằng uống nhiều hơn 5 cốc cà phê mỗi ngày có thể không an toàn cho người bị bệnh tim. Đối với những người không có bệnh tim, uống vài tách mỗi ngày dường như không làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
 
Cà phê có thể an toàn cho phụ nữ mang thai nếu uống 2 cốc cà phê mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, uống nhiều hơn có thể tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, bé sinh ra nhẹ cân. Uống 1 hoặc 2 ly cà phê mỗi ngày an toàn đối với các bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh nhưng caffeine với số lượng lớn có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, gây khó ngủ và khó chịu. Cà phê không an toàn cho trẻ em. Các tác dụng phụ liên quan với caffeine thường nặng hơn ở trẻ em hơn người lớn.
 
Uống cà phê có chứa caffeine có thể làm tăng lượng canxi được đưa ra ngoài qua nước tiểu nói cách khác sự có mặt của cà phê sẽ ngăn cản sự hấp thu can xi ở ruột. Điều này có thể làm suy yếu xương. Nếu bị loãng xương, hạn chế tiêu thụ caffeine ít hơn 300mg mỗi ngày (khoảng 2-3 tách cà phê).
 
Nói chung, cà phê là một thức uống phổ thông, ưa dùng. Do đó, không nhất thiết phải kiêng cữ hẳn. Tuy nhiên không nên uống quá 2 ly cà phê mỗi ngày. Có thể uống lúc sáng sớm hoặc uống trước khi tập thể dục.
 
Không nên uống liền trước khi vào phòng thi hoặc đi phỏng vấn. Không nên uống liền sau khi ăn để không ảnh hưởng xấu đến sự tiêu hoá. Không uống sau 2 giờ chiều để tránh làm rối loạn giấc ngủ. Những người dễ bị căng thẳng, phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, người cao huyết áp, đái tháo đường nên chọn dùng loại cà phê đã rút bỏ caffeine. ... 
 
(Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)