Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ gọi mộc mạc là Tết. Tết Nguyên đán tính theo Âm lịch (theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng) nên muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch.
Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ gọi mộc mạc là Tết. Tết Nguyên đán tính theo Âm lịch (theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng) nên muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch.
Tết Nguyên đán có biết bao phong tục, tập quán tốt đẹp xứng đáng là những thuần phong, mĩ tục mà từ già đến trẻ đều biết và quan tâm như: trước Tết có lễ cúng Ông Táo; trong mấy ngày Tết có cúng Tất niên, xuất hành và hái lộc, chúc tết, thăm viếng, mừng tuổi, hóa vàng, khai bút, khai hạ… Đó là những hoạt động văn hóa - tâm linh với ý nghĩa, mục đích cầu mong và hy vọng năm mới sức khỏe dồi dào, phát tài phát lộc, làm ăn thịnh vượng, công tác tiến bộ, mọi ước muốn đều thành công…
|
Nhộn nhịp chợ tết. Ảnh: THANH TOÀN |
Trước hết, nói đến Tết thì người Việt Nam dù sống ở đâu cũng đều có chung phong tục sắm Tết. Bởi vì, theo truyền thống, người Việt thường quan niệm ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật đầy đủ, chu đáo và mới; là dịp hiếm có trong năm để cho các gia đình đoàn tụ đông đủ, tạo nên một sự đầm ấm, hạnh phúc như mùa xuân. Vì vậy, dù nghèo đến đâu, ngày Tết người Việt Nam vẫn có một mâm cỗ đầy đặt lên bàn thờ tổ tiên để ông bà về vui Tết với con cháu. Phong tục ngày tết vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh của người Việt Nam. Suốt 3 ngày Tết, trên bàn thờ với mâm cỗ đầy, nghi ngút hương trầm, người Việt Nam đang sống muốn bày tỏ đạo lý tốt đẹp, sự thành kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ dù đã mất nhưng trong những ngày tết vẫn về sum họp cùng với cháu con ăn Tết, đón Xuân. Do đó, trước Tết hàng tuần, các gia đình đã rộn ràng lo toan sắm sửa Tết như quét dọn, trang trí nhà cửa; mua sắm đủ thứ, nào là lương thực, thực phẩm, hoa quả, nào là áo quần mới cho con, cho cháu. Việc sắm Tết thường bắt đầu từ những ngày cuối tháng Chạp đến chiều 30 tháng Chạp là kết thúc và mọi gia đình, mọi người bắt đầu vui Tết, đón xuân.
Cúng ông Táo là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình lại làm mâm cỗ cúng tiễn Ông Táo về trời. Đây là ngày Ông Táo về Thiên đình thông báo sự việc trong gia đình năm qua với Ngọc Hoàng. Việc thờ cúng Ông Táo nhằm thể hiện sự mong muốn Táo Quân giúp giữ bếp lửa gia đình để luôn hạnh phúc và ấm áp. Trước khi tiến hành lễ cúng, nhà nhà dọn dẹp, chuẩn bị đồ cúng lễ.
Cúng Tất niên vào trưa hay chiều ngày 30 tháng Chạp năm đủ, hoặc ngày 29 tháng Chạp năm thiếu. Cúng Tất niên là dịp để con cháu tri ân tổ tiên đã phù hộ cho mình trong năm qua, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Bữa cơm tất niên ngày 30 Tết là khoảnh khắc thiêng liêng của mọi gia đình để lại ấn tượng, cảm xúc khó quên trong mỗi con người Việt Nam. Vì đây là ngày gia đình sum họp đông đủ mọi người để cùng nhau ăn bữa cơm cuối cùng trong năm cũ. Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ sum vầy, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới, mời Ông Công, Ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc. Sau bữa cơm Tất niên, mọi người trong gia đình sửa soạn cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới. Thời bao cấp mặc dù khó khăn, nhưng gia đình nào cũng cố gắng lo cho bữa cơm tất niên được tươm tất đầy đủ. Không khí chiều 30 Tết nhộn nhịp, đầm ấm yêu thương. Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng các gia đình vẫn duy trì cúng cơm tất niên như một nghi thức truyền thống tốt đẹp. Bữa cơm tất niên tuy không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết, nhưng từ lâu đã trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam. Không khí của mâm cơm tất niên càng vui vẻ đầm ấm thì những ngày đầu xuân càng vui tươi, hạnh phúc.
Ba ngày Tết được cho là 3 ngày quan trọng nhất, bắt đầu từ ngày mồng Một đến ngày mồng Ba tháng Giêng. Trong 3 ngày tết có nhiều phong tục, tập quán nhưng trong đó có những phong tục đã trở thành truyền thống văn hóa - tâm linh tốt đẹp, đó là:
Đón Giao thừa là thời điểm kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới được bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng Một tháng Giêng). Đây là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết Nguyên đán, đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Theo phong tục, thời khắc này người ta thường làm hai mâm cỗ để cúng gia tiên (tại bàn thờ trong nhà) và cúng thiên địa (ở khoảng sân trước nhà). Một số cộng đồng còn có một phần cỗ để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang không nơi nương tựa. Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
“Ngày mồng Một Tết”, được coi là ngày quan trọng nhất, thường có những điều kiêng kỵ. Theo tục lệ, xông đất trong ngày mồng một Tết rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến cả năm; do đó những người tốt số, hợp tuổi thường được mời đi xông đất. Vào sáng sớm này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình và đến chúc tết cha mẹ, ông bà bên nội theo tục “Mồng Một Tết cha”.
“Ngày mồng Hai Tết” là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta đi chúc tết cha mẹ, ông bà bên ngoại theo tục “Mồng Hai Tết mẹ”. Những người đàn ông chuẩn bị lập gia đình phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai để chúc Tết.
“Ngày mồng Ba Tết” là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục “Mồng Ba Tết thầy.
Chúc Tết trong những ngày Tết là một phong tục tốt đẹp. Ngoài 3 lễ chính đã nêu, người ta còn dành thời gian đi thăm hỏi nhau và chúc nhau những điều tốt lành. Vào đầu năm mới, mọi người đều dễ dàng bỏ qua cho nhau những hiểu lầm, mâu thuẫn, xích mích để cùng nhau hướng tới những điều tốt đẹp. Hiện nay, do cuộc sống có nhiều thay đổi nên các lễ cúng trong 3 ngày Tết cũng thay đổi, nhưng ý nghĩa của 3 ngày Tết cơ bản vẫn được duy trì.
Bên cạnh những nét đẹp của phong tục truyền thống của Tết cổ truyền, ngày Tết còn diễn ra các lễ hội. Lễ hội trong những ngày Tết cũng là những sinh hoạt văn hóa - tâm linh tốt đẹp của người Việt. Tùy theo bản sắc văn hóa của mình, mỗi địa phương đều tổ chức lễ hội ngày tết với những phần “lễ” và phần “hội” chứa đựng những nét văn hóa khác nhau rất náo nhiệt, phong phú. Sau một năm làm việc vất vả, mọi người lại được hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng nơi làng quê như du xuân, đấu vật, rối nước, múa rồng, múa lân,… Đây cũng chính là dịp để mọi người xích lại gần nhau, cùng nhau ôn lại những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa tích cực của phong tục ngày Tết cổ truyền dân tộc, chúng ta cũng đang phải đối diện với những việc làm biến tướng gây phản cảm trong xã hội. Có thể đơn cử một số hiện tượng như: Việc mua sắm ngày Tết với những món ăn quá cầu kỳ tốn kém, không hợp khẩu vị và phong tục người Việt gây lãng phí; lễ cúng Ông Táo, không ít người thả cá chép xuống ao, hồ theo tập tục rồi ném luôn những chiếc túi ni lông đựng cá xuống ao hồ làm ô nhiễm môi trường nước; lợi dụng chúc tết để hối lộ cấp trên; hái lộc ngày Xuân nhiều người kém ý thức đã bẻ cả những cành cây to, phá hoại cảnh quan môi trường; đặc biệt do mê tín dị đoan dẫn đến việc đốt vàng mã tràn lan, vừa gây lãng phí tiền của, vừa góp phần gây ô nhiễm môi trường sống; lợi dụng hội xuân để công khai đánh bạc… Những việc làm đó hoàn toàn trái với những phong tục truyền thống tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền.
Trải qua biết bao chặng đường lịch sử, biết bao thế hệ, nhưng cho đến nay, những nét đẹp truyền thống của ngày Tết vẫn được lưu giữ và phát huy. Dù đang làm gì, sống ở đâu, thì trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Tết vẫn là một ngày hội lớn nhất trong năm. Đây là dịp để trở về với cội nguồn, là thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi để đến thăm nhau, gửi cho nhau những tình cảm và lời chúc tốt đẹp nhất. Trong những năm gần đây, vào dịp Tết, ngày càng có nhiều đồng bào ta ở nước ngoài trở về quê hương để được hưởng không khí Tết của quê nhà. Còn những người không có điều kiện về được quê ăn Tết thì họ vẫn tổ chức cái Tết rất đậm đà dân tộc. Đặc biệt, Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức gặp mặt Kiều bào ta để chúc Tết, cùng nhau vui Tết một cách đầm ấm và cùng hướng đất nước, về cội nguồn dân tộc. Đó chính là những nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn, vun đắp và phát huy.
Cùng với quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, kinh tế của đất nước đang ngày càng phát triển, những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung và Tết cổ truyền nói riêng đang bị ảnh hưởng, bị mai một bởi yếu tố ngoại lai, bởi mặt trái của kinh tế thị trường. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các phong tục tốt đẹp của Tết Nguyên đán trong cuộc sống đương đại, chính là góp phần giữ gìn ý nghĩa thiêng liêng, nét đẹp văn hóa của dân tộc trong trái tim mỗi con người Việt Nam, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng và sống xứng đáng hơn với quá khứ, có trách nhiệm hơn với hiện tại và cả tương lai của đất nước. Đó chính là thông điệp của ngày Tết Nguyên đán hiện nay.
KHÁNH LINH