Chung tay triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán

08:03, 23/03/2016

Trong bối cảnh hạn hán đang ngày khốc liệt hơn, kỷ niệm Ngày Nước thế giới (23/3) năm nay, ở Việt Nam, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức mít tinh tại thành phố Thanh Hóa 2 ngày 21 và 22/3 với chủ đề "Nước và việc làm". Chủ đề nhằm khẳng định mối quan hệ 2 chiều giữa nước và các chương trình việc làm hữu ích, hướng đến đảm bảo an ninh nguồn nước, con người và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Trong bối cảnh hạn hán đang ngày khốc liệt hơn, kỷ niệm Ngày Nước thế giới (23/3) năm nay, ở Việt Nam, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức mít tinh tại thành phố Thanh Hóa 2 ngày 21 và 22/3 với chủ đề “Nước và việc làm”. Chủ đề nhằm khẳng định mối quan hệ 2 chiều giữa nước và các chương trình việc làm hữu ích, hướng đến đảm bảo an ninh nguồn nước, con người và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 
 
Lượng nước phục vụ tưới tiêu chiếm đến 70% nên phương pháp canh tác tiết kiệm nước quyết định rất lớn để bảo vệ tài nguyên nước
Lượng nước phục vụ tưới tiêu chiếm đến 70% nên phương pháp canh tác tiết kiệm nước quyết định rất lớn để bảo vệ tài nguyên nước
Một trong những tác động trực tiếp đối với tài nguyên nước là việc chặt phá rừng đã và đang trở thành những nguyên nhân chính gây ra xói mòn, làm mất khả năng giữ nước của rừng gây hệ quả hạn hán diễn ra nặng nề. Hơn lúc nào hết, công việc bảo vệ, quản lý và phát triển rừng càng trở nên vô cùng quan trọng. Mặt khác, hiện nay Việt Nam nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng đang trong quá trình phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa, do đó nhu cầu về nước càng cao. Trước tốc độ phát triển này, đòi hỏi việc khai thác và sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hợp lý thì mối quan hệ hữu cơ “nước và việc làm” thực sự là thông điệp giàu ý nghĩa, góp phần lớn trong phát triển nền kinh tế xanh và bền vững.
 
Về tình hình hạn hán ở Lâm Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Minh, cho biết tính đến nửa cuối tháng 3, mực nước trên các sông, suối thấp hơn từ 0,06 - 0,61 mét so với mức trung bình trong nhiều năm qua và thấp hơn so với năm 2015 từ 0,12 - 0,30 mét. Dự báo mực nước còn tiếp tục giảm đến hết tháng 4/2016 và đạt mức thấp nhất vào khoảng cuối tháng 3 này. Tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 300.000ha đất canh tác nông nghiệp, tương đương 355.000ha đất gieo trồng. Trong đó, chủ lực là cà phê với 152.000ha; chè 23.500ha; rau 52.200ha; hoa 7.000ha. 
 
Ông Minh cũng cho biết thêm, đã xác định diện tích có thể xẩy ra hạn hán vào thời điểm cuối tháng 3 với tổng diện tích trên toàn tỉnh khoảng 31.600ha (chiếm 10,5% tổng diện tích canh tác). Trong đó, 3 huyện phía nam nguy cơ hạn hán khoảng 2.650ha bao gồm: 900ha lúa của Cát Tiên và 1.100ha lúa và 300ha cây công nghiệp của Đạ Tẻh; 350ha cây ăn quả và cây công nghiệp tại Đạ Huoai. Đối với các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông và thành phố Bảo Lộc (vùng trồng cây công nghiệp) nguy cơ hạn hán khoảng 26.200ha, trong đó, Di Linh có diện tích chiếm lớn nhất với 11.000ha. Ở các huyện Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt (vùng trồng rau, hoa, cà phê) nguy cơ hạn hạn khoảng 2.750ha, trong đó Đà Lạt chiếm lớn nhất với 1.250ha. Vào thời điểm này, đã xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ tại một số địa phương như Đam Rông, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Di Linh… với diện tích 1.000ha. Cùng đó, diễn biến thời tiết nắng hạn đang diễn ra nên cần đặc biệt quan tâm đến nguy cơ cháy rừng rất cao trên toàn tỉnh, hiện đang ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Về tình hình thiếu nước sinh hoạt, đã xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện tại đã thống kê có 1.086 số hộ thiếu nước sinh hoạt. Dự báo thời gian tới có khoảng 4.000 hộ dân trong tỉnh Lâm Đồng sẽ thiếu nước sinh hoạt, nguyên nhân chính là các hệ thống nước tự chảy không còn nguồn cung cấp. 
 
Khai thác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hợp lý góp phần lớn vào phát triển nền kinh tế xanh và bền vững. Trong ảnh: Niềm vui trẻ em giữa làn nước mát. Ảnh: MINH ĐẠO
Khai thác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hợp lý góp phần lớn vào phát triển nền kinh tế xanh và bền vững. Trong ảnh: Niềm vui trẻ em giữa làn nước mát. Ảnh: MINH ĐẠO
Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ thị các ban, ngành liên quan và các địa phương tích cực phối hợp nhiều biện pháp, giải pháp cùng chống hạn hán trên địa bàn toàn tỉnh. Cần chung tay triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài; những giải pháp cụ thể, hữu hiệu theo từng khu vực có hệ thống thủy lợi và không có hệ thống thủy lợi. Những giải pháp kịp thời và hiệu quả về các công trình nước sinh hoạt… Mọi cấp, mọi ngành và toàn dân cùng chung sức đồng lòng ứng phó với tình hình hạn hán đang diễn biến ngày một gay gắt trên địa bàn Lâm Đồng mới là hành động hưởng ứng thiết thực nhất đối với Ngày Nước thế giới.
 
MINH ĐẠO