Đà Lạt: Hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

09:03, 16/03/2016

Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò không nhỏ, làm "đòn bẩy" quan trọng trong việc giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách ở Đà Lạt phát triển sản xuất, tổ chức sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, phát huy hiệu quả và ý nghĩa của nguồn vốn. 

Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò không nhỏ, làm “đòn bẩy” quan trọng trong việc giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách ở Đà Lạt phát triển sản xuất, tổ chức sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, phát huy hiệu quả và ý nghĩa của nguồn vốn. 
 
Tư vấn hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp tại Ngày hội nghề nghiệp việc làm
Tư vấn hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp tại Ngày hội nghề nghiệp việc làm
Hiệu quả từ Tổ tiết kiệm và vay vốn
 
Từ hơn 3 năm nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở liên tổ Trần Quang Diệu - Trần Nhân Tông (phường 10 - Đà Lạt) như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH TP. Đà Lạt. Là người phụ trách Tổ TK&VV, tuy đã ở tuổi 70, nhưng ông Phạm Văn Hợi vẫn thường xuyên đi lại trong khu dân cư mình sinh sống, nắm bắt hoàn cảnh đời sống từng gia đình, xác định đúng người, đúng đối tượng hoàn cảnh để tư vấn cho vay. Nằm ngay trong thành phố, nhưng trên địa hình đồi dốc, hũm sâu, diện tích canh tác ít và nhỏ hẹp, nên đời sống của các hộ dân 2 tổ dân phố còn nhiều khó khăn. Ông Hợi đặc biệt quan tâm đến từng đối tượng được thụ hưởng như các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có con đang đi học; hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm, hộ khó khăn về nhà ở, về vốn sản xuất; bộ đội xuất ngũ. Nắm hoàn cảnh kinh tế từng hộ, ông Hợi chủ động đưa nguồn vốn đến cho họ, tận tình hỗ trợ tư vấn mức vay, thời hạn vay và lãi suất ưu đãi, hướng dẫn làm thủ tục và giải ngân nhanh chóng. Hiện tại, Tổ TK&VV của ông có 41 hộ đang được vay vốn để nuôi con ăn học, làm nhà trồng nấm, cải tạo vườn cây, đầu tư nuôi gà thả vườn... với tổng dư nợ 1,14 tỷ đồng, lãi suất dưới 0,65%/tháng. 
 
Tổ TK&VV ở 2 tổ Trần Quang Diệu - Trần Nhân Tông chỉ là một trong số 202 Tổ TK&VV trong mạng lưới tín dụng mà Ngân hàng CSXH TP. Đà Lạt đã hình thành ở tất cả các thôn, buôn, tổ dân phố; nhận ủy thác vay vốn qua 4 tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân; với dư nợ nhận ủy thác là 144,9 tỷ đồng. Các Tổ TK&VV phối hợp chặt chẽ với Ban nhân dân tại các khu cụm dân cư bình xét nhanh chóng, công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng, để bà con dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện cho những hộ nghèo, cận nghèo tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Hoạt động cho vay vốn ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ở Đà Lạt trong những năm qua đã có nhiều tác động tích cực vào các chính sách, chương trình, dự án lớn của TW, của tỉnh và của thành phố như chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình phổ cập giáo dục... Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn ưu đãi không chỉ đến tay đúng đối tượng thụ hưởng; mà đồng thời các tổ chức Hội cũng vận động thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi qua Tổ TK&VV (Hội Phụ nữ huy động được gần 4,8 tỷ đồng, Hội Nông dân huy động được gần 2,4 tỷ đồng...), qua đó đã góp phần vào việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội.
 
Đồng hành cùng người nghèo, vì an sinh xã hội
 
Không cam chịu đói nghèo nên nhu cầu được hỗ trợ vốn vay ưu đãi của nhân dân ngày càng cao, việc huy động nguồn vốn là một công tác luôn được Chi nhánh Ngân hàng CSXH Đà Lạt quan tâm. Năm qua, Chi nhánh đã huy động được 20,043 tỷ đồng; trong đó, từ các tổ chức, cá nhân được 11,494 tỷ đồng, qua Tổ TK&VV 8,549 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác ngân sách địa phương 13,932 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn của Ngân hàng là 148,316 tỷ đồng cân đối từ các nguồn TW, nhận ủy thác từ ngân sách địa phương, huy động trong nhân dân. Triển khai thực hiện chương trình tín dụng chính sách gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng, thành phố chỉ đạo các xã, phường thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có thu nhập thấp để làm căn cứ cho việc triển khai tín dụng chính sách. Từ đầu năm, ngay sau khi có quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng của Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh, thành phố đã chỉ đạo UBND phường, xã, thông báo đến tổ dân phố, thôn, chỉ đạo các Hội cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay nhanh chóng, công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng. Kết hợp với chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Trong đó tăng mức cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh bình quân từ 17,2 triệu đồng/hộ lên 21 triệu đồng/hộ.
 
Trên cơ sở tổng nguồn vốn, Ngân hàng CSXH Đà Lạt đã chuyển tải hơn 145,639 tỷ đồng cho 8.036 hộ vay với lãi suất ưu đãi từ 0,05% - 0,65%/tháng; trong đó, 709 hộ nghèo, 2.124 hộ cận nghèo, 116 hộ mới thoát nghèo. Nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo việc làm, tăng thêm việc làm cho 658 hộ gia đình, giúp cho 1.880 học sinh ,sinh viên có điều kiện trang trải chi phí học tập, giúp 1.429 hộ gia đình có công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 37 lao động đi xuất khẩu, 28 hộ nghèo cải thiện nhà ở... Ngân hàng đã thực hiện khoanh nợ 370 triệu đồng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và các hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn gặp thất bát. Chi nhánh đã xử lý gia hạn nợ 839 triệu đồng cho 74 hộ gặp rủi ro; xoá nợ 14,73 triệu đồng cho 1 trường hợp không có khả năng chi trả.
 
Vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội, làm giảm số hộ nghèo, số hộ cận nghèo. Hiện nay thành phố còn 119 hộ nghèo (0,29%), giảm 0,12% so với đầu 2015, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn 3 hộ (0,4%); số hộ cận nghèo 245 hộ (0,61%). Cùng với nhiều chính sách khác, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, vì an sinh xã hội ở Đà Lạt.
 
QUỲNH UYỂN