Đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp - công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch, sự suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức mà nhân loại phải đối mặt.
Đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp - công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch, sự suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức mà nhân loại phải đối mặt.
|
Từ khi có nước sạch, sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm giặt của gia đình chị K’Thu huyện Lâm Hà đỡ vất vả và vệ sinh hơn |
Trái Đất được bao phủ bởi 70% diện tích nước nhưng chỉ có 2,5% là nước ngọt, trong khi 97,5% là đại dương. Trong đó, 0,3% nước ngọt của thế giới nằm trong các sông, hồ; 30% là nước ngầm, phần còn lại nằm trên các sông băng, núi băng. Lượng nước trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp hơn 70%, công nghiệp gần 22% và phục vụ sinh hoạt 8%. Theo ước tính, trung bình một người ở các nước phát triển sử dụng 500 - 800 lít/ngày, các nước đang phát triển là 60 - 150 lít/người/ngày.
Hiện nay, phần lớn con người đang tận dụng nguồn nước ngầm sẵn có mà không ý thức được rằng nguồn tài nguyên này đang bị khai thác quá tải và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trong khi lượng nước ngầm dự trữ có thể dùng được không nhiều thì con người lại gây lãng phí tới 30%, kéo theo nguy cơ khan hiếm nguồn nước lại càng lớn. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy, trong 37 tầng ngậm nước lớn nhất trái đất, 8 nguồn nước bị đánh giá là hoạt động quá công suất và hầu hết không hề có lượng nước tự nhiên bù đắp. Ngoài ra, 5 tầng ngậm nước khác cũng đang bị khai thác quá tải nghiêm trọng.
Theo Liên hiệp quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên thế giới không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỷ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh không phù hợp. Hiện tại, hơn 80 quốc gia, đại diện cho 40% dân số thế giới, đang trải qua tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, nhất là khu vực Tây Nam Á và những vùng đất khô hạn và bán khô hạn châu Phi. Các chuyên gia về nước trên thế giới cảnh báo, hiện cứ 3 người trên trái đất thì có một người sống trong tình trạng thiếu nước. Thiếu nước đã là câu chuyện của toàn cầu. Chính vì vậy, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về cách thức quản lý, sử dụng nguồn nước đang ngày càng khan hiếm khi mà dân số thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 2 - 3 tỷ người vào năm 2050.
Trong khi nhu cầu về nước ngày càng tăng, lượng nước ngầm đang bị khai thác vượt xa khả năng phục hồi, lại thêm khoảng 2 tỷ tấn rác thải vào nguồn nước mỗi ngày, thì con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước và tình trạng thiếu nước sạch sẽ gia tăng.
Kết quả một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Toàn cầu cho biết, cứ ba ngành công nghiệp toàn cầu lại có hai ngành cho rằng thiếu nước là “điều tồi tệ” hoặc “thảm họa” đối với công việc kinh doanh của họ. Để tránh một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong tương lai, có lẽ cách khả dĩ nhất là loài người phải đánh giá lại cách thức sử dụng, phân bổ nguồn nước và đưa ra những quyết định có ý nghĩa chiến lược về nước theo hướng chuyển từ mở rộng nguồn cung sang hạn chế nhu cầu.
Việt Nam là một trong số những nước đang hứng chịu hậu quả nặng nề của sự biến đổi khí hậu; mức độ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang trong tình trạng báo động. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, những hệ lụy về thiếu nước sạch đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, cụ thể: Khoảng hơn 20% dân cư chưa được tiếp cận nguồn nước sạch (khoảng 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoang, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý); trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước; lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m
3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m
3/người/năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA); 30% người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch; mỗi ngày cả nước khai thác hàng triệu m³ nước ngầm cung cấp cho hơn 300 nhà máy nước khai thác thành nước sinh hoạt, nhưng là nguồn nước ngầm đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm do bị xâm nhập mặn, ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng; hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa...
Tình trạng ô nhiễm và khan hiếm môi trường nước ngoài những nguyên nhân khách quan do yếu tố tự nhiên gây ra và nhu cầu sản xuất, đời sống ngày càng cao, thì nguyên nhân chủ yếu là do: Sự hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng; việc các chất thải từ sản xuất, sinh hoạt, khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước; quyền hạn pháp lí của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh; các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức, dẫn đến buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng vẫn mang tính hình thức; công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập, mang tính thủ tục; công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường còn hạn chế; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn thấp; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn…
Để giải quyết triệt để các vấn đề này, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt thực sự đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm; có sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách quản lý để khai thác tốt nguồn nước sẵn có, không hủy hoại môi trường; bảo quản các nguồn dự trữ nước và các vùng đầm lầy, cân bằng giữa bảo vệ và sử dụng nguồn nước; thay đổi nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ nguồn nước, giảm tình trạng ô nhiễm nước, tăng phí sử dụng nước đối với các đối tượng. Tập trung nghiên cứu, cải tiến hệ thống cung cấp nước, trong đó biện pháp hữu hiệu là bảo vệ nguồn nước tự nhiên, chú trọng phát triển hệ thống tưới tiêu nước an toàn, tiết kiệm, tăng cường sử dụng nước mưa cho nông nghiệp; coi trọng hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội về sử dụng và bảo vệ nguồn nước sạch; áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn về việc sử dụng và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, buộc tất cả mọi doanh nghiệp phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu…, nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn với con người.
Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên và nhiều nơi khác đang hứng chịu đợt khô hạn hiếm có trong lịch sử, gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Và đây là lúc chúng ta cần hiểu rõ những nguy cơ liên quan đến nguồn nước và áp dụng mọi giải pháp để bảo vệ nguồn nước - tài sản chi phối mọi sự sống của con người. Xét cho cùng, nước sạch và không khí trong lành là những điều thiết yếu để có được một cuộc sống khỏe mạnh; để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Đó cũng chính là thông điệp hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2016, với chủ đề “Nước và Việc làm”.
KHÁNH LINH