Đã nhiều năm nay, nhiều hộ đồng bào DTTS sinh sống tại một số thôn trên địa bàn thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Trước thực trạng này, anh K'Brộp đã đầu tư kinh phí khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Nhờ vậy, đến nay, nhiều hộ dân trong vùng đều được sử dụng nguồn nước sạch từ giếng khoan của anh để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Đã nhiều năm nay, nhiều hộ đồng bào DTTS sinh sống tại một số thôn trên địa bàn thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Trước thực trạng này, anh K’Brộp đã đầu tư kinh phí khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Nhờ vậy, đến nay, nhiều hộ dân trong vùng đều được sử dụng nguồn nước sạch từ giếng khoan của anh để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
|
Mỗi khi tắm giặt, bà con đều sử dụng nguồn nước Thủy lợi Ka La |
Câu chuyện người dân ở xã Bảo Thuận thiếu nước sinh hoạt không phải là mới, mặc dù trên địa bàn xã cũng đã có công trình nước sinh hoạt tự chảy nhưng người dân vẫn thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, điều đó cũng gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và sản xuất của người dân địa phương.
Bức xúc trước thực trạng gia đình và bà con thiếu nước sinh hoạt, từ nhiều năm qua, anh K’Brộp đã đào 4 cái giếng nhưng đều không có nước, vì khu vực này nằm trên địa hình cao, đá, đào xuống ở độ sâu từ 16 - 18 mét gặp phải đá bàn. Với quyết tâm có nước để giải quyết được những khó khăn trong sinh hoạt và giúp gia đình đỡ phải vất vả, nên năm 2014, anh K’Brộp chuyển sang đầu tư làm giếng khoan. Khi giếng khoan của anh có nước, nhiều bà con trong vùng rất phấn khởi, đến chúc mừng và xin được sử dụng chung.
Anh K’Brộp cho biết: “Giếng khoan này có độ sâu 85 mét, tổng kinh phí đầu tư gần 80 triệu đồng. Mục đích ban đầu là sử dụng riêng cho gia đình, nhưng nhiều bà con thiếu nước đến xin dùng chung, nên mình đầu tư thêm 3 nhánh đường ống dẫn nước về tới các hộ dân, còn các đường ống nhánh rẽ vào nhà và đồng hồ nước thì 52 hộ dân tự bỏ tiền mua”.
Hệ thống giếng khoan của anh được xây dựng các hạng mục như: Giếng khoan, tháp nước, 2 bồn chứa (4.000 lít), trạm bơm điện, máy bơm và đường ống… Do chú trọng đến công tác quản lý, bảo dưỡng, nên từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hệ thống giếng khoan của gia đình anh K’Brộp hoạt động khá ổn định và cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho gia đình và các hộ dân trong vùng. “Trước đây, bà con chúng tôi sử dụng nước sinh hoạt tự chảy nhưng do công trình này kém hiệu quả, nên nhiều năm qua, bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt. Hàng ngày, từ lúc sáng sớm bà con phải đi lấy nước rồi mới đi làm và đến chiều tối phải xuống kênh mương tắm, giặt, đồng thời gùi nước luôn. Vì là giếng làng, nên nguồn nước cũng không đảm bảo vệ sinh. Từ khi có giếng khoan của K’Brộp, bà con chúng tôi đã đỡ vất vả hơn và không còn cảnh cắt cử người nhà đi gùi nước ở đồng ruộng hoặc đi xin nước như trước kia” - già làng K’Hok nói.
Không chỉ 52 hộ dân đã lắp đồng hồ nước được sử dụng nước từ giếng khoan của anh, các hộ ở xa hơn thường dùng xe máy, máy cày đi chở nước. Họ hỗ trợ tiền điện cho anh, 30 lít trả 2.000 đồng và 10.000 đồng/1 thùng phi.
Từ khi có giếng khoan của K’Brộp đã tạo điều kiện đáng kể, giúp giải quyết được những đòi hỏi bức thiết về nước sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương, nhất là vào thời kỳ cao điểm của mùa khô. Tuy nhiên, hiện tại chi phí tiền điện khá cao, nên nhiều tháng anh phải bỏ tiền túi của gia đình để bù vào việc chi trả tiền điện cho Nhà nước. Vào những tháng cao điểm, hàng ngày anh bơm nước từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều và buổi tối từ 20 giờ đến 1 giờ sáng, với bình quân chi phí tiền điện 3,5 triệu đồng/tháng (mùa khô), mùa mưa 2,2 triệu đồng/tháng.
Ông K’Brền, Trưởng thôn Ka La Tơng Gu, xã Bảo Thuận, cho biết: “Đã hơn 3 năm, bà con chúng tôi luôn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Từ khi có giếng khoan của anh K’Brộp, bà con thuận lợi hơn trong việc lấy nước sinh hoạt hàng ngày nhưng chỉ dùng cho việc nấu ăn và uống là chính, còn tắm, giặt phải sử dụng nước kênh mương. Để giúp bà con thuận lợi hơn trong việc sử dụng nước sinh hoạt, thời gian tới, rất mong Nhà nước hỗ trợ thêm bồn chứa nước 500 lít, máy phát điện (phòng lúc cúp điện hoặc giờ cao điểm điện yếu không bơm được) và hỗ trợ giảm giá điện cho bà con (vì hiện tại vẫn tính theo giá điện kinh doanh)”.
NDONG BRỪM