Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, cùng ngày với Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (QLNTD) đối với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội, nền kinh tế đất nước...
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, cùng ngày với Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (QLNTD) đối với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội, nền kinh tế đất nước. Chủ đề của các hoạt động bảo vệ QLNTD Việt Nam năm 2016 là “Quyền được an toàn của người tiêu dùng”. Và cùng với Việt Nam, Tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng (CI) phát động chủ đề nhân Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới là “Loại bỏ kháng sinh khỏi các món ăn”.
|
Kiểm tra chất lượng và tiêu chuẩn xăng dầu tại Đà Lạt |
Trong xã hội tiêu dùng hiện đại, người tiêu dùng ngày càng bị bủa vây bởi những mối nguy, nhất là từ thực phẩm và các nhu yếu phẩm sử dụng hàng ngày. Đặc biệt, trong nông nghiệp, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi đã khiến một thế hệ vi khuẩn mới kháng kháng sinh, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm. Do đó, giải quyết vấn đề kháng kháng sinh là một ưu tiên cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một kế hoạch hành động toàn cầu về kháng kháng khuẩn, bao gồm cả kháng kháng sinh, được thông qua tại Hội đồng Y tế Thế giới năm 2015. Các kế hoạch hành động toàn cầu nhằm đảm bảo cho việc phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm với các loại thuốc an toàn và hiệu quả được tiếp tục thực hiện.
Người tiêu dùng có thắc mắc, khiếu nại gọi về số điện thoại cố định 0633822297, hay trực tiếp tới trụ sở Hội Bảo vệ QLNTD Lâm Đồng đặt tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, số 49/2 Phạm Hồng Thái, phường 10, Đà Lạt, Lâm Đồng. Hoặc người tiêu dùng có thể khiếu nại tại Chi cục Đo lường Chất lượng tỉnh Lâm Đồng, địa chỉ 24 Trần Phú, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. |
Với riêng Việt Nam, không chỉ thực phẩm mà người tiêu dùng phải chịu nhiều mối nguy từ rất nhiều sinh hoạt trong đời sống, từ giao thông, xây dựng, ăn uống, thậm chí tới cả vải vóc may mặc, đồ chơi trẻ em với những sản phẩm gây nguy hại tới sức khỏe. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua kiểm tra từ cuối năm 2015 tới nay, đã có 330 mẫu rau, quả nhiễm chất cấm; 106 mẫu thịt và sản phẩm chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép. Trên 800 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật và gần 400 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi tại 46 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước đã phát hiện 12 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm Salbutamol... Hàng loạt các vụ phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng dởm gây nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng đã được phát hiện trên mọi lĩnh vực. Đây chính là bức xúc của người tiêu dùng cần được giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng và sức khỏe người tiêu dùng.
Hội Bảo vệ QLNTD Lâm Đồng, trong suốt năm 2015, đã cố gắng thực hiện nhiều hoạt động, trong đó, chú trọng hoạt động tuyên truyền với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đo lường Chất lượng tỉnh, thành viên của Hội cũng cho biết: “Với tư cách thành viên của Hội, chúng tôi đã thực hiện mọi nhiệm vụ được giao, tư vấn cho người tiêu dùng, giải quyết thắc mắc trong phạm vi quyền hạn của Chi cục và giới thiệu đến các cơ quan chức năng phù hợp nếu bên ngoài thẩm quyền của Chi cục. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy hoạt động của Hội Bảo vệ QLNTD còn chưa xông xáo, tích cực, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng rộng rãi hơn”. Trong thực tế, qua khảo sát 50 tiểu thương và người tiêu dùng tại chợ Phan Chu Trinh, thành phố Đà Lạt, hầu hết mọi người chưa ý thức rõ được quyền lợi cũng như nghĩa vụ của người tiêu dùng cũng như tiểu thương. Đây là vấn đề cần giải quyết để đảm bảo người tiêu dùng được bảo vệ một cách chính đáng và bền vững.
DIỆP QUỲNH