Bảo Lâm: Đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:04, 18/04/2016

Trong 5 năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện, sự vận dụng linh hoạt các nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh, trung ương trong thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia nên tình hình kinh tế, xã hội vùng DTTS ở Bảo Lâm đã có nhiều khởi sắc. 

Huyện Bảo Lâm có hơn 116 nghìn nhân khẩu, trong đó gần 30% là bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Trong 5 năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện, sự vận dụng linh hoạt các nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh, trung ương trong thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia nên tình hình kinh tế, xã hội vùng DTTS ở Bảo Lâm đã có nhiều khởi sắc. 
 
Một góc xã B’Lá, xã với hơn 65% dân số là bà con DTTS
Một góc xã B’Lá, xã với hơn 65% dân số là bà con DTTS

Giai đoạn 2011 - 2015, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn chương trình 134, 135, 30a… được lồng ghép với các chương trình đầu tư của địa phương, Bảo Lâm đã đầu tư xây dựng 16 công trình nước sạch tập trung, nâng cấp làm mới 217km đường liên thôn, 25km đường dây điện trung thế và hạ thế, 4 công trình hồ chứa nước… tạo chuyển biến khá cơ bản về kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS. Đến nay, ô tô đã vào tận các buôn vùng sâu để lưu thông hàng hóa. 90% hộ DTTS đã dùng điện lưới quốc gia và 80% hộ đã được đảm bảo về nước sạch. Có lẽ từ những đổi thay lớn đó mà ông Hoàng Văn Gau (dân tộc Mông) thôn 10c, xã Lộc Thành, phấn khởi nói: “Giờ không khổ như ngày xưa nữa rồi”. 
 
Ông Đậu Văn Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm còn cho bết: “Công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và chương trình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi… được vận dụng, lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS. Từ đó, bà con đã biết ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, những tập quán canh tác lạc hậu, du canh, du cư dần được xóa bỏ”. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện khẳng định thêm “Đến nay, trong vùng đồng bào DTTS đã hình thành cơ cấu nông, lâm nghiệp, phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, năng suất các loại cây trồng được nâng lên đáng kể”. Cụ thể, trong 5 năm qua, khoảng 1.500ha cà phê đạt năng suất từ 1,5 - 1,8 tấn/ha, hơn 600ha chè cành cho năng suất gần 9 tấn/ha/năm. Bên cạnh đó, huyện đã giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với hơn 49 ngàn ha cho hơn 2.400 hộ. Trong đó, hơn 2.000 hộ nhận khoán là bà con DTTS, thu nhập khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/ người/ năm. Từ đó, nâng cao thu nhập cho bà con DTTS sống gần rừng, giảm dần những tác hại xấu vào rừng.
 
Ông Thào Hùng Khải - một trong những người Mông đầu tiên tìm đến với mảnh đất Nam Tây Nguyên, xúc động nói: “Giờ nhìn bà con mình ai cũng chăm lo sản xuất, có cuộc sống ấm no, con cháu được đến trường, mình thật mừng lắm”. Các chính sách dân tộc được thực hiện hiệu quả đã làm giảm rõ rệt số hộ nghèo vùng DTTS theo từng năm. Theo số liệu khảo sát từ Phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện Bảo Lâm về số lượng hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới thì toàn huyện hiện có 1.906 hộ nghèo, chiếm 6,57%, trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS là 1.190 hộ, chiếm 14,47%.
 
Ông Trương Hoài Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, khẳng định: “Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nhưng huyện đã lồng ghép linh hoạt những dự án của trung ương, vốn ngân sách của tỉnh và các nguồn vốn khác của địa phương để đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Từ đó, đời sống của bà con DTTS nói riêng và bộ mặt nông thôn nói chung đã có nhiều khởi sắc. Không chỉ có sự giảm xuống về tỷ lệ hộ nghèo mà mặt bằng dân trí, mức sống xã hội, đời sống văn hóa tinh thần của bà con đều được nâng lên. Hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố, tình hình an ninh chính trị được giữ vững. Lòng tin của bà con với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương ngày càng được tăng cường và củng cố để cùng nhau thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng và phát triển quê hương”. 
 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn mà huyện đang gặp phải trong công tác dân tộc. Cụ thể như việc một số xã chưa thực sự làm tốt công tác dân tộc nên vẫn còn tồn tại một bộ phận nhỏ bà con người DTTS phá rừng làm rẫy, tranh chấp đất đai… Công tác tuyên truyền chưa tốt nên chưa khích lệ được tính tự lực, tự cường vươn lên trong lao động sản xuất của một bộ phận bà con. Chậm đổi mới trong sản xuất nên hiệu quả chưa cao. Công tác đào tạo, giải quyết việc làm chưa đáp ứng yêu cầu; mạng lưới dịch vụ, thương mại chưa đến được với các thôn, buôn vùng sâu vùng xa. Các ngành nghề truyền thống chậm được khôi phục, phát triển nên chất lượng giảm nghèo chưa vững chắc. Tỷ lệ tái nghèo và chênh lệch khoảng cách giàu nghèo trong huyện còn cao, Trước tình hình đó, trong việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2016 - 2020, Bảo Lâm ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… vào tận vùng sâu vùng xa của huyện. Khai thác có hiệu quả thế mạnh của từng vùng, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Gắn sản xuất trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, ngành nghề dịch vụ. Tận dụng linh hoạt và có hiệu quả các nguồn vốn của trung ương cũng như của tỉnh giúp bà con giảm nghèo bền vững tiến tới phát triển đời sống kinh tế, xã hội với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào DTTS hàng năm từ 3% trở lên.
 
Phan Nhân - Ngọc Ngà