Cát Tiên chủ động chống hạn

09:04, 11/04/2016

Từ số liệu của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện lượng mưa chỉ đạt 2.299mm, thấp hơn 1.400mm so cùng kỳ và thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Theo đó, mực nước tại các hồ chứa, đập dâng, sông, suối... trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. 

Từ số liệu của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện lượng mưa chỉ đạt 2.299mm, thấp hơn 1.400mm so cùng kỳ và thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Theo đó, mực nước tại các hồ chứa, đập dâng, sông, suối... trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. 
 
Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2016, Cát Tiên đã có 259ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó, 36ha lúa và gần 12ha bắp bị mất trắng. Nắng nóng còn làm cho 2.332 hộ dân ở huyện Cát Tiên bị thiếu nước sinh hoạt. Ông Hoàng Sỹ Bích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nhận định: “Dự báo của chúng tôi là tình trạng khô hạn có thể kéo dài đến tận đầu tháng 5. Khi ấy, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi nắng hạn của Cát Tiên không chỉ dừng lại ở con số gần 260ha mà còn có thể lên đến cả ngàn hécta”. 
 
Cát Tiên hiện có 4 trạm bơm lớn được đầu tư để lấy nước từ sông Đồng Nai vào nội đồng phục vụ sản xuất, gồm Phước Cát I, Phù Mỹ, Đức Phổ và Quảng Ngãi. Thế nhưng, các trạm bơm này đều đã trên 15 năm sử dụng, nên máy móc bị xuống cấp, hư hỏng, cần được sửa chữa, thay mới. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: “Từ tháng 12/2015, Cát Tiên đã xuất hiện khô hạn. Trước tình trạng khô hạn đến sớm, chúng tôi đã chủ động làm việc với các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai về kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân vùng hạ du. Qua làm việc, các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Đồng Nai đã thống nhất xả nước theo hình thức tập trung, lượng nước xả liên tục trong 10 giờ/ngày và 3 ngày/tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng nước xả nhỏ, thời gian xả chưa đều, nên mỗi lần xả chưa đủ cho 4 trạm bơm hoạt động”.
 
Bên cạnh sự chủ động làm việc với các đơn vị liên quan để điều tiết nước cho hạ du sông Đồng Nai, UBND huyện Cát Tiên còn phân khai kịp thời nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 16 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 374 triệu đồng. Trong quý I/2016, toàn huyện đã có 20 ao được đào mới, phục vụ việc tưới tiêu. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí hơn 940 triệu đồng, Cát Tiên đã nâng cấp, sửa chữa được 150 m kênh đầu mối ở hồ Ninh Trung cũng như tích cực vận động người dân tập trung nạo vét, gia cố hệ thống kênh mương nội đồng; đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tiết nước từ các công trình hồ chứa, đập bổi, trạm bơm phục vụ sản xuất và chống hạn trên địa bàn.
 
Theo ông Ngô Xuân Hiển - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, Cát Tiên đang tính toán và bước đầu đã triển khai chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, hoặc sản xuất bấp bênh, thường xuyên bị thiệt hại do nắng hạn để chuyển qua trồng cây hoa màu khác. Ở những diện tích trồng lúa, tới đây Cát Tiên sẽ xây dựng lịch thời vụ hợp lý, tổ chức cho bà con xuống giống sớm hơn; cơ cấu lại các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, ít sử dụng nước để đảm bảo nâng cao hiệu quả sản xuất và phòng chống hạn. 
 
Trong chuyến công tác mới đây tại huyện Cát Tiên,  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt, giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Cát Tiên nhanh chóng triển khai việc sửa chữa trạm bơm Phước Cát I để kịp thời chống hạn, đảm bảo sản xuất cho bà con; đồng thời tính toán để phân kỳ đầu tư, sửa chữa hoặc thay mới 3 trạm bơm còn lại. “Phải đặt mình trong thế của những người đang phải chịu hạn hán để khắc phục nhanh”, Chủ tịch Đoàn Văn Việt chỉ đạo.
 
TRỊNH CHU