Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng

09:04, 08/04/2016

Trong 3 ngày (từ 8 - 10/4), Sở Công thương phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" năm 2016 tại huyện Lâm Hà. Đây là hoạt động tiếp nối của nhiều phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" đã diễn ra tại các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua. 

Trong 3 ngày (từ 8 - 10/4), Sở Công thương phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” năm 2016 tại huyện Lâm Hà. Đây là hoạt động tiếp nối của nhiều phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đã diễn ra tại các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua. 
 
Hội chợ diễn ra trong 3 ngày (8 - 9 - 10/4) tại Trung tâm Văn hóa huyện Lâm Hà, ngã ba Sơn Hà, huyện Lâm Hà. Hàng ngày, từ 19h30’ đều có chương trình ca nhạc phục vụ nhân dân. Tại phiên chợ còn có các trò chơi phục vụ thiếu nhi cũng như các hoạt động phục vụ người lớn như  tham gia đố vui có thưởng, giờ vàng khuyến mại, bốc thăm trúng thưởng… Người tiêu dùng tham gia phiên chợ hoàn toàn miễn phí.

Phiên chợ chuyên về hàng Việt quy tụ 40 gian hàng của doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất những hàng hóa phù hợp phân khúc tiêu dùng nông thôn, đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp. Những mặt hàng chủ yếu bao gồm các ngành hàng gia dụng, thực phẩm công nghệ, may mặc, dược phẩm, thời trang, sản phẩm khác… Không chỉ có DN bên ngoài, những DN của Lâm Đồng và Lâm Hà cũng được mời tham gia phiên chợ hàng Việt để nâng cao tính kết nối trong cộng đồng DN. 

Ông Đỗ Văn Thiết, Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lâm Hà khẳng định: Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” là một hoạt động rất thiết thực đối với nhân dân địa phương. Nhiệt tình tổ chức những hoạt động của phiên chợ hàng Việt, Lâm Hà xác định những mục tiêu chính hướng tới lợi ích chung của DN và nhân dân. Đó là việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện tốt, có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Hỗ trợ các nhà sản xuất hàng Việt hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng nông thôn, hỗ trợ người bán lẻ ở huyện nâng cao khả năng kinh doanh, kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại huyện và DN sản xuất để có cơ hội làm ăn lâu dài. Nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân trên địa bàn huyện, phân biệt hàng thật - hàng giả, hướng dẫn sử dụng và bảo quản sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân mua sắm với giá cả hợp lý. 
 
Đặc biệt, với số dân cư xấp xỉ 150 ngàn, trong đó có khoảng 22,4% là bà con dân tộc ít người, thị trường hàng Việt tại Lâm Hà còn khá hạn chế. Người tiêu dùng chưa có điều kiện được tiếp cận hàng hóa Việt chất lượng ổn định do kênh phân phối còn phụ thuộc hoàn toàn vào tư nhân và các doanh nghiệp Việt cũng chưa chú trọng nhiều tới phân khúc nông thôn. Đây là một dịp tốt để nhân dân mua sắm, tiếp cận hàng Việt. Tuy nhiên, ông Thiết cũng khẳng định, Lâm Hà sẽ giám sát chất lượng hàng hóa trong phiên chợ Việt rất chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tránh để tình trạng trà trộn hàng kém chất lượng vào một phiên chợ đầy ý nghĩa. 
 
Trung tâm BSA xác định, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao và một số sản phẩm hàng hóa của địa phương về nông thôn do chính các nhà sản xuất đưa về bán. Chọn kỹ từng DN tham gia, đảm bảo chất lượng, chiến lược thị trường bao gồm mức phát triển thị trường nông thôn, chú trọng hoạt động quảng bá, tạo sự quan tâm đến hàng Việt. Không chỉ đơn giản là bán hàng, phiên chợ hỗ trợ các nhà sản xuất hàng Việt hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng nông thôn và chỗ đứng của hàng hóa mình cũng như hỗ trợ người bán lẻ ở địa phương nâng cao khả năng kinh doanh. Kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương và DN sản xuất để có mối làm ăn lâu dài.
 
Mỗi phiên chợ đều tạo điểm nhấn cho các giai đoạn mà phiên chợ đã thực hiện trải qua các tỉnh thành trong cả nước và là cột mốc cho việc phát triển chương trình trong thời gian tới.
 
DIỆP QUỲNH