Hơn 1.500ha cây trồng bị héo rũ do thiếu nước; hàng chục con suối, khe lạch cùng với gần 450 ao, hồ nhỏ đã cạn trơ đáy và hàng chục tấn cá của người dân bị chết do nắng nóng và thiếu nước… Đặc biệt, khoảng 1.500 hộ dân không còn nguồn nước sinh hoạt.
Hơn 1.500ha cây trồng bị héo rũ do thiếu nước; hàng chục con suối, khe lạch cùng với gần 450 ao, hồ nhỏ đã cạn trơ đáy và hàng chục tấn cá của người dân bị chết do nắng nóng và thiếu nước… Đặc biệt, khoảng 1.500 hộ dân không còn nguồn nước sinh hoạt. Đó là những con số thống kê “báo động” mà người dân xã Đại Lào, TP Bảo Lộc đang phải “gồng mình” chống chọi với cơn “đại hạn” lần đầu tiên xảy ra trên vùng đất này.
|
Nắng hạn khiến hầu hết ao, hồ bị khô nứt đáy |
Trong vòng 1 tháng qua, mức độ thiệt hại do hạn hán tại xã Đại Lào được chính quyền địa phương cập nhật liên tục hàng ngày. Ấy vậy mà đến hiện tại, mức độ thiệt hại do hạn hán gây ra đối với người dân xã Đại Lào là không thể đếm xuể. Chúng tôi có mặt tại thôn 7 (xã Đại Lào) khi mặt trời đang đứng bóng, cũng là lúc toàn bộ cây trồng, vật nuôi và cả con người nơi đây đang lâm vào tình trạng “ngắc ngoải” do khát nước. Ông Võ Xuân Sáu - Trưởng thôn 7, xã Đại Lào, than thở: “Thôn chúng tôi có 246 hộ dân, đến nay, 80% trong số đó đã không thể tìm ra nguồn nước để sinh hoạt. Ao, hồ, khe, suối cũng đã trơ đáy hoàn toàn nên cả tuần người dân chúng tôi không tắm là chuyện bình thường. Còn chuyện cây trồng thì chắc khỏi phải bàn đến. Vì hiện tại, hàng trăm ha cà phê, chè của bà con đã hơn 1 tháng không được một giọt nước, cây còn sống không nổi nói gì đến chuyện năng suất. Cá của người dân nuôi dưới ao do nắng nóng và thiếu nước cũng đã bị chết hơn 25 tấn và hiện còn khoảng 35 tấn đang trong tình trạng “ngắc ngoải” chờ chết do nước trong ao đang cạn kiệt từng ngày”.
Nói đến việc phòng chống hạn cho cây trồng, ông Lê Xuân Trăng, ngụ thôn 9, xã Đại Lào, tâm sự như trút gánh nặng với chúng tôi: “Tôi dám cá với anh là đi hết xã này giờ mà tìm được ao, hồ nào còn nước để tưới cà phê, chè thì tôi phục sát đất. Đã hơn 1 tháng nay không có nước tưới, 1,5ha cà phê của gia đình tôi bị rệp vàng, rệp trắng bám đầy cây, “mơ” gì đến chuyện thu hoạch. Với tình hình này, trời có mưa thì cây trồng cũng chỉ đủ sức để hồi phục lại sự sống, còn chuyện mất mùa đối với bà con xã Đại Lào chúng tôi thì đã rõ như ban ngày rồi.Nước này, sắp tới chỉ có cách đi tìm việc làm thuê kiếm sống và lấy tiền trả nợ thôi”.
Không có nước “giải hạn” cho cây trồng, vật nuôi đã đành, mà hầu hết người dân của xã Đại Lào cũng đang phải chống chọi với cơn “khát” nước sinh hoạt chưa từng có trong lịch sử. Hiện toàn xã Đại Lào có 91 giếng khoan sâu hàng chục mét và hàng ngàn giếng đào hầu hết đã cạn trơ đáy. Tính đến thời điểm này, toàn xã Đại Lào, đang có tới hơn 1.500/2.930 hộ dân bị thiếu nguồn nước sinh hoạt trầm trọng phải đi xin hàng xóm để sử dụng. Phần lớn các hộ bị thiếu nước tập trung chủ yếu tại các thôn 2, 3, 4, 6, 7, 8 và thôn 11của xã. Trước tình trạng này, TP Bảo Lộc và Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy số 3 tại Bảo Lộc đã huy động hàng chục lượt xe bồn chở nước tiếp ứng giúp bà con chống hạn. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ giúp người dân Đại Lào chống lại cơn “khát” tức thời.
Ông Phạm Công Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào, trăn trở: “Để đối phó với nắng hạn, chính quyền và người dân xã Đại Lào chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp như nạo vét ao, hồ, giếng để tìm nguồn nước. Nhưng đến hiện tại, thiệt hại do nắng hạn gây ra đã nằm ngoài tầm kiểm soát của cả chính quyền và người dân. Có thể nói, nắng hạn đang đẩy người dân xã Đại Lào chúng tôi vào cảnh “khốn cùng”. Cơn đại hạn đang khiến người dân nơi đây phải quằn quại căng mình để đối phó và chỉ có mưa mới giúp người dân giải được cơn “khát”. Qua thống kê, đến hiện tại, nắng hạn đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng về cả cây trồng và vật nuôi của bà con. Mặc dù dự án Hồ thủy lợi B’Laosire đã được phê duyệt thiết kế, với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng, tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Trong khi đó, vấn đề nguồn nước phục vụ sản xuất của người dân trong mùa nắng hạn là hết sức cần thiết. Vì vậy, chúng tôi thiết tha đề nghị các ngành chức năng sớm xem xét để bố trí vốn xây hồ thủy lợi cung cấp nước cho người dân trong thời gian tới. Riêng, thiệt hại về cây trồng, cá bị chết do nắng hạn, chúng tôi đã thống kê để gửi các ngành chức năng xem xét và có phương án hỗ trợ cho bà con”.
KHÁNH PHÚC