Nông dân có nhiều sáng tạo hữu ích

09:04, 20/04/2016

Dù trình độ học vấn thấp (lớp 4/10) nhưng anh Đặng Văn Bảy, thường trú tại thôn 14, xã Hòa Ninh (huyện Di Linh) đã sáng chế hàng loạt máy móc phục vụ nông nghiệp. Thoạt đầu mới nghe tưởng là chuyện không thật, nhưng khi tiếp cận, chúng tôi mới cảm nhận được ở anh một điều mà những nông dân khác khó có thể...

Dù trình độ học vấn thấp (lớp 4/10) nhưng anh Đặng Văn Bảy, thường trú tại thôn 14, xã Hòa Ninh (huyện Di Linh) đã sáng chế hàng loạt máy móc phục vụ nông nghiệp. Thoạt đầu mới nghe tưởng là chuyện không thật, nhưng khi tiếp cận, chúng tôi mới cảm nhận được ở anh một điều mà những nông dân khác khó có thể. Từ sáng kiến cải tiến một vài chi tiết máy đến việc sáng tạo ra các loại máy khác có đẳng cấp hơn, anh đã hình thành một thương hiệu cơ khí cho riêng mình. Đó là Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng. 
 
Anh Đặng Văn Bảy (giữa) kiểm tra sản xuất các chi tiết máy sấy NK700
Anh Đặng Văn Bảy (giữa) kiểm tra sản xuất các chi tiết máy sấy NK700
Trong thời gian đầu mới đến xã Hòa Ninh lập nghiệp, anh Đặng Văn Bảy canh tác vài hecta cà phê. Anh đã mua sắm máy xay xát (còn gọi là máy chà) vỏ cà phê bán trên thị trường. Theo lời anh kể, mặc dù chẳng hiểu biết gì về cơ khí cả, nhưng trong quá trình sử dụng máy xay xát, anh phát hiện một vài nhược điểm của cối chà vỏ cà phê; từ đó, miệt mài chịu khó tìm tòi để tìm cách cải tiến một số chi tiết, thay đổi mẫu mã và thiết kế để sáng tạo ra loại cối chà vỏ theo ý tưởng riêng. 
 
Sau nhiều lần thử nghiệm, anh Đặng Văn Bảy đã cải tiến và sản xuất thành công cối chà vỏ cà phê. Từ đó, vào năm 2000, anh mạnh dạn thành lập cơ sở sản xuất cơ khí và đặt tên là Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng. Năm 2001, Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng bắt đầu sản xuất ra sản phẩm đầu tiên, là cối chà vỏ cà phê tươi. Cũng trong thời gian này, Cơ sở còn sản xuất cối chà vỏ cà phê khô. Vừa sản xuất vừa tiếp tục điều chỉnh, khắc phục những chi tiết chưa hợp lý, Cơ sở đã nhanh chóng hoàn thiện và sản xuất đại trà các loại cối chà cà phê vỏ tươi và cà phê vỏ khô. Anh Bảy cho chúng tôi biết: “Sản phẩm cối chà vỏ cà phê Toàn Thắng có ưu thế là công suất cao, tiết kiệm được nguyên liệu chạy máy nổ. Đối với cối chà vỏ khô, chất lượng cà phê nhân được đảm bảo, không bị dập bể, thổi sạch vỏ. Còn cối chà vỏ tươi, nhân cà phê bị dập không đáng kể”. 
 
Vừa sản xuất vừa tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và đến năm 2004, anh Đặng Văn Bảy đã sản xuất được cối chà để tách riêng vỏ và nhân cà phê tươi. Với loại cối chà này, sau khi tách được vỏ, chỉ lấy nhân cà phê đem phơi, nông dân tiết kiệm tối đa sân phơi và rút ngắn thời gian phơi. Đến năm 2013, anh Đặng Văn Bảy tiếp tục cải tiến và chế tạo ra loại cối chà vỏ cà phê khô CKM2 có công suất lên đến 1.000 - 1.200kg cà phê nhân/giờ. Cối có bộ sàng lọc nhân sạch, không vỡ, đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất bán ra thị trường. Sau đó, anh cải tiến cối CKM2 thành cối CKM3, nâng công suất từ 1.000 - 1.200kg/giờ lên 1.200 - 1.500kg/giờ. 
 
Anh Đặng Văn Bảy tâm sự: “Với trình độ học vấn thấp (lớp 4/10), những năm đầu gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém chi phí để cải tiến và chế tạo, nhưng tôi vẫn kiên trì, quyết không bỏ cuộc mà tiếp tục cố gắng cải tiến các loại máy mà mình đã bỏ công sức ra nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân trong sản xuất, chế biến và bảo quản cà phê. Năm 2014, tôi bắt đầu chế tạo ra máy sấy nông sản NK700, sử dụng công nghệ nhiệt sinh khối. Đây là loại máy sấy nông sản đầu tiên được sản xuất ở Lâm Đồng. Máy sấy này có ưu điểm là không khói, không gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng chất lượng nông sản, ít hao tốn chất đốt và có thể lắp đặt tại khu dân cư”. Sử dụng máy NK700 để sấy cà phê, thời gian sấy từ 16 đến 18 tiếng đồng hồ/lần sấy, với công suất 700kg cà phê nhân/lần sấy và chỉ cần dùng 8 - 9 bao trấu hoặc vỏ cà phê làm chất đốt. Trong năm 2016, anh dự kiến sẽ cải tiến máy sấy nông sản NK700 thành máy sấy nông sản NK1000 (công suất 1.000kg cà phê nhân/lần sấy)... 
 
Qua trao đổi, chúng tôi ghi nhận là sản phẩm mang thương hiệu của Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng bán ra được thị trường chấp nhận.Hàng năm, Cơ sở xuất bán 2.000 - 2.500 sản phẩm cối chà vỏ cà phê và 50 máy (bộ máy) sấy nông sản NK700. Thị trường không chỉ ở Lâm Đồng mà hiện nay, sản phẩm cơ khí Toàn Thắng đã bán ra các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai (thông qua các đại lý phân phối). Hiện nay, Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động, với mức thu nhập trên 5.000.000 đồng/người/tháng. 
 
Với sự nỗ lực và không ngừng sáng tạo, nông dân Đặng Văn Bảy đã trở thành “ông chủ” của một cơ sở sản xuất cơ khí. Năm 2013, sản phẩm cối xay xát vỏ cà phê CKM2 của anh được Chủ tịch UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Lâm Đồng năm 2013” và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen “Đạt giải xuất sắc trong cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2013”. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Lâm Đồng lần thứ VII (2014 - 2015), sản phẩm máy sấy nông sản NK700 được tặng giải nhì. Và mới đây, anh Đặng Văn Bảy được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng năm 2015.
 
BÙI TRƯỞNG