Hơn 80% cư dân đô thị đang phải hít thở không khí ô nhiễm

09:05, 13/05/2016

Ngày 12/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo mới, cảnh báo hơn 80% dân số thành thị trên toàn cầu đang hít thở bầu không khí kém trong lành và điều này đang làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cũng như các bệnh khác đe dọa tới tính mạng. 

Ngày 12/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo mới, cảnh báo hơn 80% dân số thành thị trên toàn cầu đang hít thở bầu không khí kém trong lành và điều này đang làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cũng như các bệnh khác đe dọa tới tính mạng. 
 
New Delhi được đánh giá là một trong những thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. (Nguồn: Getty Images)
New Delhi được đánh giá là một trong những thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. (Nguồn: Getty Images)

Dựa trên số liệu thu thập được về tình trạng không khí ngoài trời của 795 thành phố tại 67 quốc gia trong giai đoạn 2008-2013, báo cáo đã khắc họa được một bức tranh toàn cảnh về sự suy giảm chất lượng không khí tại các thành phố trên thế giới, đồng thời cho thấy cư dân thành thị tại các quốc gia nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề nói trên.
 
Đáng chú ý, 98% các thành phố thuộc các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có mức độ không khí không đáp ứng được các tiêu chuẩn do WHO đề ra. 
 
Trong khi đó, tại các quốc gia thịnh vượng hơn, con số này chỉ là 56%.
 
Báo cáo trên cũng dẫn ra những số liệu cho thấy việc gia tăng nguy cơ về các yếu tố đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, trong đó có nguy cơ dẫn tới đột quỵ và bệnh hen suyễn. 
 
Đặc biệt, có trên 3 triệu ca chết yểu mỗi năm vì các chất gây ô nhiễm bầu không khí ngoài trời. 
 
Đúng như lời cảnh báo của Trưởng ban phụ trách vấn đề y tế công cộng và môi trường của WHO, bà Maria Neira, thực trạng ô nhiễm không khí vẫn đang tiếp tục “gióng lên hồi chuông cảnh báo” đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của nhân loại. 
 
Thông qua theo dõi sự gia tăng nồng độ các chất độc hại trong không khí như sunfat và carbon đen, WHO còn nhận thấy rằng chất lượng không khí nhìn chung đang dần được cải thiện tại các khu vực giàu có hơn, như ở châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi một thực tế trái chiều lại hiện hữu tại các khu vực đang phát triển, đặc biệt là ở Trung Đông và Đông Nam Á. 
 
Theo các số liệu hiện có, mặc dù chưa thể đưa ra một bảng đánh giá tổng quan về các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, nhưng WHO cũng nêu ví dụ điển hình về các thủ đô ô nhiễm có mật độ dân cư trên 14 triệu người, theo đó New Delhi của Ấn Độ là thủ đô ô nhiễm nhất, tiếp đến là Cairo (Ai Cập) và Dhaka (Bangladesh). 
 
Điều phối viên về mảng môi trường và y tế công cộng của WHO, Carlos Dora đã chỉ ra một số yếu tố cốt lõi định hình chất lượng không khí tại một thành phố và điều đầu tiên là vấn đề giao thông vận tải. 
 
Ông Dora nhấn mạnh các thành phố cải thiện được chất lượng không khí chủ yếu là nhờ thực hiện hiệu quả việc giảm thiểu các phương tiện giao thông bằng cách khuyến khích người dân đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng. 
 
Trong khi đó, việc sử dụng không hợp lý năng lượng, cùng thực tế lạm dụng các máy móc thiết bị chạy bằng dầu diesel thay vì sử dụng các nguồn năng lượng khác sạch hơn lại là hai yếu tố đáng kể khác gây ô nhiễm không khí. 
 
Thêm một nguyên nhân quan trọng tác động tới chất lượng không khí, đặc biệt tại các nước đang phát triển, đó là việc quản lý rác thải và khí thải được tạo ra từ việc đốt rác - yếu tố gây ô nhiễm hàng đầu./.
 
(Theo Vietnam+)