Ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông có nhiều hộ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân khoảng 350 triệu đồng mỗi năm. Để có được kết quả to lớn như vậy, các hộ đã không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước mà nỗ lực vượt qua khó khăn để làm giàu chính đáng với những mô hình kinh tế phù hợp.
Ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông có nhiều hộ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân khoảng 350 triệu đồng mỗi năm. Để có được kết quả to lớn như vậy, các hộ đã không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước mà nỗ lực vượt qua khó khăn để làm giàu chính đáng với những mô hình kinh tế phù hợp.
Căn nhà mái thái có diện tích 130m
2 mới được xây dựng với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng là thành quả to lớn mà gia đình ông K’Hai, người dân tộc Mạ, ở thôn Liêng Đơng, xã Phi Liêng có được. Để có được niềm vui đó là cả sự nỗ lực cố gắng liên tục trong thời gian dài mà gia đình ông đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất.
Năm 1994, gia đình ông K’Hai từ xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà đến định cư tại thôn Liêng Đơng, xã Phi Liêng. Lúc đầu, trên mảnh đất mới, gia đình ông chẳng có gì ngoài 5 sào đất sản xuất do Nhà nước cấp. Với diện tích đất này, vợ chồng ông K’Hai đã đầu tư trồng cà phê và xen canh cây bắp để lấy ngắn nuôi dài. Cùng với đó, vợ chồng ông K’Hai lại đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống và dành dụm thêm vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Gia đình ông đã mua thêm đất để trồng cà phê; đồng thời đầu tư các loại máy cần thiết để phục vụ sản xuất như: máy tưới nưới, máy xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh, máy xay xát cà phê, máy kéo để vận chuyển nông sản…
Với sự nỗ lực không ngừng, từ năm 2004 đến nay, gia đình ông K’Hai đã có mô hình kinh tế với gần 5ha cà phê kinh doanh. Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cà phê, nên năng suất cà phê của gia đình đạt khoảng 12 tấn cà phê nhân/năm, đem lại nguồn thu nhập trên 350 triệu đồng mỗi năm.
Cùng với tấm gương làm kinh tế giỏi như gia đình ông K’Hai thì hiện nay, gia đình ông K’Ntai, người dân tộc Mạ, ở thôn Bóp La, xã Phi Liêng đang có thu nhập bình quân gần 400 triệu đồng mỗi năm từ mô hình kinh tế với 5ha cà phê kinh doanh, 3 sào lúa nước, nuôi 5 con trâu và nhận khoán quản lý bảo vệ 20ha rừng. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình ông K’Ntai đã không ngừng cải thiện, có điều kiện cho các con ăn học đầy đủ; đồng thời, xây dựng được căn nhà mái thái có diện tích 120m
2 với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Song, để có được những kết quả đó, gia đình ông K’Ntai đã không ngừng vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng.
Năm 1994, gia đình ông K’Ntai bắt đầu từ xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà vào định cư tại thôn Bóp La, xã Phi Liêng. Vì không có vốn liếng trong tay, chỉ với 5 sào đất sản xuất ban đầu do Nhà nước cấp, gia đình ông K’Ntai đã cố gắng làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống và dành dụm để đầu tư phát triển kinh tế. Ban đầu, gia đình ông đã trồng 5 sào cà phê, đồng thời trồng xen canh cây bắp, khoai mỳ trong vườn cà phê để lấy ngắn nuôi dài. Với sự cần cù chịu khó, chịu khổ, sáng tạo, nhưng không chịu đói nghèo, gia đình ông K’Ntai đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc cây cà phê là cây trồng chủ lực của địa phương. Sau đó, gia đình ông dành dụm trên 200 triệu đồng đầu tư nuôi 5 con trâu để lấy sức kéo và lấy phân bón chăm sóc cây trồng. Không chỉ có vậy, gia đình ông K’Ntai còn mạnh dạn nhận 20ha rừng để quản lý, bảo vệ nhằm tăng thu nhập. Cũng nhờ vậy, cái đói, cái nghèo đã dần qua đi để nhường chỗ cho sự no đủ. K’Ntai nói: “Ngày xưa, gia đình mình nghèo lắm, gạo ăn, bắp ăn cũng không có. Bây giờ, mình chịu khó làm ăn, cuốc đất để trồng cà phê, nên cuộc sống tốt hơn”.
Cùng với sự nỗ lực làm giàu chính đáng của gia đình ông K’Ntai và gia đình ông K’Hai thì ở xã Phi Liêng cũng đã có hàng chục hộ dân tộc thiểu số có sự cố gắng tương tự. Với những mô hình kinh tế, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cà phê thì hàng chục hộ dân tộc thiểu số ở địa phương này đã có thu nhập khoảng 350 triệu đồng mỗi năm, đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Cũng chính vì lẽ đó, những tấm gương điển hình người dân tộc thiểu số nỗ lực làm giàu chính đáng đã được cấp ủy, chính quyền xã Phi Liêng ghi nhận và coi đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ông Trần Thanh Lễ - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, cho biết: “Đảng ủy, Ủy ban đưa ra Nghị quyết lấy mô hình điểm người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, xã lấy những mô hình đó làm mô hình nhân rộng cho những người xung quanh. Ủy ban xã giao cho các đoàn thể, Ban nông nghiệp, khuyến nông xuống cơ sở hướng dẫn cho bà con tới nhìn thấy mô hình làm kinh tế giỏi để học tập và làm theo”.
Khác hẳn với một bộ phận người dân tộc thiểu số còn có tính trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, có hàng chục hộ dân tộc thiểu số ở xã Phi Liêng đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng. Họ là những tấm gương điển hình trong lao động sản xuất và rất đáng được trân trọng.
Đam Trọng