Sống tạm bợ trong vùng quy hoạch treo

09:05, 11/05/2016

Cuối tháng 10/2015, Báo Lâm Đồng đã có bài viết phản ánh về dự án hồ thủy lợi Đạ Sỵ (thôn 1, xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên) quy hoạch treo hơn 10 năm, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân trong vùng...

Cuối tháng 10/2015, Báo Lâm Đồng đã có bài viết phản ánh về dự án hồ thủy lợi Đạ Sỵ (thôn 1, xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên) quy hoạch treo hơn 10 năm, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân trong vùng. Trở lại vùng quy hoạch này thời gian gần đây, chúng tôi tiếp tục ghi nhận những bức xúc của người dân khi họ buộc phải sống tạm bợ trong những căn nhà không dám xây sửa từ năm này qua năm khác, ruộng vườn không dám đầu tư chăm sóc. Mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là hoặc triển khai nhanh dự án, hoặc xóa bỏ quy hoạch để người dân lo liệu lại cuộc sống. 
 
Nhà cửa của người dân trong vùng quy hoạch treo bị hư hỏng, xuống cấp
Nhà cửa của người dân trong vùng quy hoạch treo bị hư hỏng, xuống cấp
Hầu hết các hộ dân sống tại thôn 1 (xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên) đều là dân đi kinh tế mới từ những năm 1980. Từ khi có quy hoạch dự án hồ thủy lợi Đạ Sỵ vào năm 2005 thì toàn bộ thôn 1 bị “treo” cho đến nay. Mọi hoạt động từ sản xuất đến đời sống sinh hoạt đều phải “án binh bất động”. Bà Nguyễn Thị Thơm (người dân thôn 1, xã Tiên Hoàng), cho biết: “Có dự án một cái là mọi hoạt động của người dân ở đây coi như phải giậm chân tại chỗ. Đường sá đi lại không được tu sửa, kênh mương tưới tiêu không được đầu tư, nhà cửa không dám xây cất, vườn tược cứ thế ngày càng hoang hóa vì không dám cải tạo. Vườn đất bây giờ chỉ dám trồng cây ngắn ngày để sống qua ngày chứ chẳng mấy ai dám trồng cây dài ngày”.
 
Cùng tâm lý như bà Thơm, bà Nguyễn Thị Lương chia sẻ: “Nhà hư hỏng, đổ sập đến đâu thì cũng chỉ dám chống dựng tạm bợ đến đó, chẳng ai trong thôn dám xây dựng nhà cửa, mà cũng chẳng có tiền để xây cất. Sống như vầy quá tạm bợ và tương lai không biết đến khi nào mới ổn định được cuộc sống”. 
 
Một thực tế dễ nhận thấy khi đến vùng quy hoạch treo này là nhà của tất cả các hộ dân đều tạm bợ, xập xệ. Đặc biệt, có rất nhiều căn nhà bị bỏ hoang, đổ nát. Theo nhiều hộ dân, những căn nhà tường gạch đổ nát cũng là hệ quả của việc quy hoạch treo. Khi có chủ trương xây dựng hồ thủy lợi Đạ Sỵ, hàng chục hộ dân ngoài vùng dự án đã kéo đến để thuê đất, xây dựng nhà với mong muốn được đền bù khi dự án được triển khai.
 
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm mỏi mòn chờ đợi, nhà cửa đều đã sập nhưng dự án vẫn chưa được triển khai. Theo ông Đào Nguyên Sỹ, nguyên trưởng thôn 1, đã qua rất nhiều lần họp hành và hứa hẹn, nhưng đến nay dự án vẫn chưa có bất cứ chuyển động gì. Trong khi đó, dự án đã kéo đời sống của cư dân trong vùng tụt hậu hơn so với những vùng khác do không dám đầu tư sản xuất, không dám cải tạo cây trồng, không được xây dựng đường sá, nhà cửa… Trong khi đó, tổng mức đầu tư của dự án đã đội lên rất nhiều theo thời gian. Với mức đầu tư như hiện tại (dự kiến phải hơn 500 triệu đồng) thì nên đầu tư những công trình thủy lợi nhỏ theo từng khu vực để vừa hiệu quả, vừa không phải thu hồi đất quá lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân.
 
Theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ cuối năm 2005, hồ Đạ Sỵ có tổng diện tích đền bù là 270ha và có khoảng 160 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến đầu năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Đạ Sỵ. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 246 tỷ đồng và thời gian thực hiện được đặt ra là 4 năm kể từ ngày khởi công.
 
Đến tháng 3/2015, tại buổi làm việc với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết đã đưa dự án hồ chứa nước Đạ Sỵ vào kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Rồi đây, người dân sống trong vùng dự án chỉ biết mỏi mòn chờ đợi dưới những mái nhà ngày càng xuống cấp nghiêm trọng hơn.
 
ĐÔNG ANH