Rơ Ông Madian là một bé gái người dân tộc Kơ Ho đang sống tại tổ dân phố B'nor C, thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), mùa hè năm nay, sau căn nhà gỗ nhỏ bé của gia đình em sẽ có vườn rau xanh tốt. Đó là tình cảm, là tấm lòng của những trái tim người Kơ Ho thiện nguyện.
Rơ Ông Madian là một bé gái người dân tộc Kơ Ho đang sống tại tổ dân phố B’nor C, thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), mùa hè năm nay, sau căn nhà gỗ nhỏ bé của gia đình em sẽ có vườn rau xanh tốt. Đó là tình cảm, là tấm lòng của những trái tim người Kơ Ho thiện nguyện.
|
Madian và anh K’ Vâng đang hoàn thiện việc gieo những hạt giống cuối cùng cho khu vườn nhỏ xinh |
Những nỗi đau liên tiếp
Madian nay đã lên 10. Cô bé gầy gò, nhỏ xinh ấy đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Lạc Dương. Ngày gia đình đón nhận tin vui bé Madian vừa cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc họ phải chịu nỗi đau mất mát người thân. Ba em, anh Cil Pol qua đời vì không thể chống cự nổi với căn bệnh ung thư gan quái ác. Madian sống trong tình yêu thương của mẹ và ông bà ngoại. Khi lên bốn, mẹ em đi bước nữa và có thêm hai người con. Một em nay đã lên năm còn một em vừa hai tuổi. Nhưng số phận vẫn vô cùng nghiệt ngã với gia đình Madian khi hai đứa trẻ được sinh ra đều mắc chứng bệnh viêm màng não bẩm sinh. Các em không đi, cũng chẳng nói được, chỉ nằm một chỗ đưa ánh mắt vô hồn về phía trước và cười ngô nghê không ý thức. Và rồi người chồng thứ hai cũng không gắn bó với mẹ con Madian lâu dài.
Ở tổ dân phố B’nor C này, ai cũng xót xa cho cảnh gia đình Madian. Ông bà Madian vừa phải đưa hai đứa cháu nhỏ đi chữa bệnh viêm màng não, vừa chạy chữa cho mẹ em căn bệnh ung thư buồng trứng quái ác, tài sản gia đình cũng lần lượt ra đi theo những lần đi chữa bệnh. Nhưng rồi các bệnh viện lớn ở Sài Gòn đều đã phải lắc đầu với căn bệnh của ba mẹ con. Mẹ của Madian đã mãi mãi ra đi vào một chiều tháng 5/2014, khi không còn đủ sức chống chọi với bệnh tật.
Gánh nặng mưu sinh và việc chăm lo ba đứa cháu nhỏ đè nặng lên đôi vai vợ chồng ông Cil Cơdong Ha Ước và bà Rơ Ông K’Phang - là ông bà ngoại Madian. Hai mái đầu bạc ngoài 60 vẫn sống cảnh chạy ăn từng bữa để có gạo nuôi các cháu. Vườn rẫy đã dành hết để chữa bệnh cho con cháu nên giờ đây đôi vợ chồng già chỉ sống bằng nghề làm thuê và sự đùm bọc của bà con hàng xóm. Chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ của ông bà Madian khi đã hơn 11 giờ trưa. Ông Ha Ước, hôm nay ở nhà để trông cháu. Trên tấm lưng gầy của người đàn ông đã đi gần hết cuộc đời này đứa cháu nằm vô hồn, còn trên tay thì bế đứa cháu còn lại. Bà K’Phang cũng vừa đi làm rẫy cho người ta về, mồ hôi nhễ nhại. Madian vừa tan trường về. Ở cái tuổi của em có lẽ niềm vui nhất sau giờ tan trường về là có quà vặt để ăn hoặc được sà ngay vào mâm cơm ấm cúng, ngon lành. Nhưng Madian thì không được như thế, em ngồi đó, lặng im nhìn ông và bà, mỗi người chăm sóc mỗi đứa em tật nguyền. Còn căn bếp vẫn lạnh tanh vì chưa biết nấu gì trưa nay…
Giúp nhau thoát nghèo
Cũng như những bà con khác ở B’nor C, anh K’Vâng - Hướng dẫn viên du lịch tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà hiểu rất rõ hoàn cảnh của gia đình Madian. Anh đã kết nối để những trái tim thiện nguyện đến với gia đình Madian. Và vườn rau nhỏ xinh tại nhà cô bé này cũng là một trong những sản phẩm của việc kết nối ấy. Anh K’Vâng, nói: “Vườn rau nhỏ trong khuôn viên nhà Madian là tấm lòng của 6 thành viên nhóm du lịch cộng đồng (thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà) ở Klong Klanh. Họ muốn giúp gia đình Madian theo cách của họ đang thực hiện để phát triển kinh tế gia đình”.
6 thành viên nhóm du lịch cộng đồng này hiện đang thực hiện mô hình du lịch sinh thái trong đó có lồng ghép việc giới thiệu tới du khách những sản vật địa phương. Thực đơn các món ăn dùng để phục vụ khách du lịch là sản phẩm của chính gia đình các anh. Như vậy, khâu sản xuất và tiêu thụ đều khép kín. Cách làm này đã nhận được phản ứng rất tốt từ khách du lịch. Thậm chí “nhiều khách khi đi du lịch xong có đặt thức ăn mang về thành phố vì gà và heo của các thành viên trong nhóm đều đảm bảo tiêu chuẩn “sạch””, anh K’Vâng cho biết thêm. Và ý tưởng gây dựng vườn rau ở gia đình Madian nhanh chóng được các thành viên trong nhóm đồng tình. Bởi đó sẽ là điểm cung cấp rau để phục vụ du khách.
Ha Ret, thành viên của nhóm, nói: “Bà con Kơ Ho mình cứ tự hào diện tích cà phê ngày một tăng lên. Nhưng tiền thu được từ cà phê phải trang trải mua mọi thứ … nên chẳng có tiền dư dả. Chưa kể việc cà phê mất giá, hay bà con ký gửi cà phê giá rẻ nên tiền thu được cũng chẳng là bao. Bà con mình vẫn cứ nghèo là vì vậy”. Còn anh Sacly, tâm sự: “Giúp đỡ người nghèo bằng tiền, gạo… cũng quý thật đấy. Nhưng tiền, gạo rồi cũng được vài bữa sẽ hết. Bởi thế, muốn giúp đỡ tốt nhất nên tạo cho họ việc gì đó để làm, có nguồn thu để cải thiện cuộc sống”. Những chàng trai này đã tự tay cuốc đất, rào vườn, chia luống và gieo hạt xuống khu vườn nhỏ của gia đình Madian. Họ còn giúp đỡ cho đến khi khu vườn cho thu hoạch nhiều loại rau xanh tốt. Khu vườn, trước mắt sẽ đảm bảo được bữa cơm hàng ngày cho gia đình Madian, tiếp đó là phục vụ những nhóm khách du lịch (mùa nào thức nấy).
Đặc biệt với hoàn cảnh của gia đình Madian, ông bà ngoại em không thể đi làm thuê cùng lúc. Bởi vậy nếu có thêm vườn rau, một người có thể đi làm thuê, một người ở nhà trông cháu và làm vườn. Madian cũng có thể góp sức vào công việc hàng ngày của gia đình. Ha Sia - một thành viên khác của nhóm còn tiết lộ: “Trước mắt là vườn rau, rồi sau này chúng em còn cố gắng để gia đình Madian chăn nuôi thêm gà, heo… để tăng thu nhập cải thiện cuộc sống”.
Những người trẻ này đều khẳng định “Không thể cứ nhận những mì gói, gạo, dầu ăn… từ những nhà hảo tâm, những tổ chức từ thiện mãi, bà con người Kơ Ho phải giúp nhau thoát nghèo, cùng nhau phấn đấu vươn lên. Mùa hè năm nay, chúng tôi đã có thêm lửa trong cuộc chiến với đói nghèo và lạc hậu”.
N. NGÀ