Các chuyên viên miễn dịch học đã phát hiện ra cơ chế kích hoạt tác nhân gây bệnh "sốt Việt Nam" chính là siêu vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Các chuyên viên miễn dịch học đã phát hiện ra cơ chế kích hoạt tác nhân gây bệnh “sốt Việt Nam” chính là siêu vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
|
Ảnh minh họa. |
Tỷ lệ tử vong cao lên đến 50%
B. pseudomallei là loại siêu vi khuẩn gây bệnh phổ biến ở miền Bắc Australia và Đông Nam Á. Nó gây ra một căn bệnh có tên Melioidosis, đặc trưng bởi tình trạng viêm phổi, nhiễm khuẩn máu, nhiễm trùng tản mạn và khu trú như áp xe cơ, viêm hạch, viêm xương…
Người bệnh Melioidosis có tỷ lệ tử vong rất cao, do vi khuẩn B. pseudomallei kháng hầu hết các loại kháng sinh thông thường, từ penicillin, ampicillin, cephalosporin thế hệ 1 và 2 cho đến gentamicin, tobramycin, streptomycin, polymyxin. Khoảng 20-50% bệnh nhân ở Austraila sẽ tử vong, khi vi khuẩn xâm nhập não bộ.
Ở khu vực Đông Nam Á, 50% dân số được dự đoán nằm trong diện tác động của Melioidosis. Tỷ lệ tử vong ở một số nước như Campuchia có thể lên đến 50%. Khu vực nóng nhất của căn bệnh này là phía đông bắc Thái Lan, nơi cứ 100.000 dân sẽ có 50 người mắc bệnh.
Diễn biến và triệu chứng
Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ của Melioidosis. Các trường hợp bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận từ những năm đất nước còn là thuộc địa của Pháp. Nhiều cựu chiến binh của chiến tranh Việt Nam đã bị nhiễm vi khuẩn này trong thời gian tham chiến những năm 1970, nhưng những triệu chứng đầu tiên của melioidosis chỉ cảm thấy khi lính Mỹ đã trở về nhà được 10-20 năm.
Về diễn biến và triệu chứng, Melioidosis có thể xảy ra trong hai hình thức - cấp tính, với 40% số ca tử vong, và mãn tính, mà các bác sĩ người Mỹ gọi là "bom Việt Nam hẹn giờ".
Chuyên gia James St John từ Đại học Tổng hợp Griffith ở Brisbane (Australia) và các đồng nghiệp của ông đã xác minh được phương thức mà thứ vi khuẩn này xâm nhập vào tất cả các mô cơ thể, kể cả não bộ và tủy sống.
Qua thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học đã khám phá ra cơ chế lây nhiễm cực kỳ khác thường của Burkholderia pseudomallei là thứ vi khuẩn này có thể luồn nhanh vào cơ thể người và động vật bằng cách sử dụng các dây thần kinh khứu giác trong khoang mũi của đối tượng như là một dạng "xa lộ", theo đó vi khuẩn di chuyển hướng lên não. Đến đây, nhiễm khuẩn không dừng lại, và vi khuẩn chuyển động xa hơn, qua tủy sống lan đi khắp cơ thể.
Chuyên gia James St John cho biết, thời gian ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận chỉ trong 1 ngày. Trái lại, trường hợp dài nhất tới 62 năm. Nhưng thông thường, đó là khoảng từ 1-21 ngày, với con số trung bình là 9. “Vi khuẩn có thể nhiễm ở mức rất thấp. Cơ thể thậm chí không biết rằng chúng đang ở đó. Bạn có thể mang bệnh mà không hề hay biết”.
Chưa có vắc-xin chống lại siêu vi khuẩn
Bây giờ, với các hiểu biết mới về cách siêu vi khuẩn B. pseudomallei gây hại cho cơ thể, các nhà khoa học tin rằng một loại vắc-xin hứa hẹn trong tương lai có thể được điều chế để chống lại cơ chế gây bệnh của nó.
Trong bối cảnh các loại kháng sinh mất tác dụng với siêu vi khuẩn gram âm này, một phương pháp điều trị mới có thể ra đời. Các nhà khoa học nói họ đang tìm cách để kích thích các tế bào hỗ trợ có thể loại bỏ được vi khuẩn.
Cho tới nay, B. pseudomallei đang giết chết gần 90.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Trong năm 2016, khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương được dự đoán sẽ có 138.000 ca mắc Melioidosis. Một nửa trong số bệnh nhân sẽ tử vong.
(Theo phapluatplus.vn)