Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương về số lượng người nhiễm viêm gan B, chỉ sau Trung Quốc.
Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương về số lượng người nhiễm viêm gan B, chỉ sau Trung Quốc.
Đó là nhận định được ghi lại tại hội thảo về phòng chống bệnh viêm gan virus diễn ra tại Hà Nội ngày 29/8. Phát biểu trong buổi này, TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) bày tỏ quan ngại về tình hình gia tăng bệnh nhân nhiễm viêm gan tại nước ta.
|
Chích ngừa dự phòng là một cách phòng bệnh viêm gan B hiệu quả nhất |
Những con số đáng báo động
Theo TS. Trần Đại Quang, đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay, hiện nay nước ta có khoảng 9 triệu người mắc viêm gan B (chiếm khoảng 6% - 20% dân số) và một triệu người bị viêm gan C (chiếm 0,2% - 4% dân số), thuộc nhóm cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương, cao gấp 40 lần số người nhiễm HIV. Bên cạnh đó còn ghi nhận các trường hợp viêm gan A, D, E. Đặc biệt trong nhóm người tiêm chích ma túy có đến 54% mắc viêm gan siêu vi C.
Cũng theo ước tính từ Bộ Y tế, đến năm 2020 sẽ có 8 triệu người Việt nhiễm virus viêm gan B mạn tính.
Được biết viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây biến chứng gan như xơ gan, ung thư gan, có thể dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân nhiễm mạn tính, nguy cơ sớm sẽ bị ung thư gan, xơ gan ở tuổi rất trẻ ngoài 40 thậm chí dưới 30.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm gan do virus là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu. Bộ Y tế khuyến cáo, viêm gan virus đứng thứ ba trong số nguyên nhân gây tử vong ở nước ta, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là viêm gan siêu vi B.
Nguyên nhân gây ra thực trạng
Viêm gan B cấp tính để chỉ giai đoạn một người mới bị nhiễm viêm gan B hoặc nhiễm trong giai đoạn gần đây. Người bệnh thường có những biểu hiện sau:
•
Sốt nhẹ trong giai đoạn đầu của bệnh và hay sốt thất thường vào buổi chiều.
•
Người bệnh có cảm rác mệt mỏi, chán ăn, không muốn hoạt động. Đa số bệnh nhân viêm gan B có triệu chứng mệt mỏi là duy nhất.
•
Rối loạn tiêu hóa, ăn uống khó tiêu, người bị nặng thì bị đi ngoài ra phân lỏng.
•
Đau tức vùng gan
•
Bệnh nhân đi tiểu có màu vàng, vàng mắt, vàng da.
|
Đường lây truyền viêm gan virus B và C chủ yếu qua máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con. Ở nước ta, nguồn lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con chiếm tới từ 80% - 90%. Tuy nhiên, việc trích ngừa dự phòng bằng văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh chưa đạt hiệu quả cao. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ được tiêm ngừa mũi 24 giờ đầu sau sinh vào năm 2015 tại nước ta mới chỉ gần 70%, thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của WHO là 85%. 22 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm dưới 30%, có những tỉnh chỉ đạt 11-12%. Nguyên nhân một phần là do lo ngại những năm gần đây xảy ra một số trường hợp tai biến liên quan đến tiêm chủng khiến nhiều phụ huynh hoang mang không cho con em đi tiêm. Các bệnh viện cũng ngại triển khai tiêm ngừa vì lo sợ rủi ro.
Bên cạnh đó công tác dự phòng và điều trị bệnh này ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhất là ở tuyến y tế huyện, xã thiếu cơ sở vật chất, thiết bị điều trị và thuốc men. Đơn vị đủ năng lực điều trị viêm gan tập trung chủ yếu ở các bệnh viện tuyến cuối tại các tỉnh thành lớn. Riêng viêm gan C chưa có văcxin ngừa, việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc nhưng bệnh nhân viêm gan C khó có cơ hội tiếp cận các loại thuốc kháng virus mới do giá thành cao, chưa được Bảo hiểm y tế chi trả hoặc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Theo WHO, Việt Nam là một trong những nước có giá thành điều trị viêm gan cao nhất thế giới. Hiện chi phí một đợt điều trị viêm gan C tại nước ta là 2.200 USD, tức khoảng 45 triệu đồng. Mặt khác, việc không tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị của người bệnh cũng có thể làm giảm hiệu quả điều trị.
Các biện pháp để giảm bớt con số
Trong chiến lược phòng chống viêm gan của Việt Nam, công cụ quan trọng đầu tiên là dự phòng bằng văcxin viêm gan B sớm và đúng quy định. Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi nhiễm virus viêm gan B xuống dưới 1% vào năm 2017, phải có 90% trẻ được tiêm mũi sơ sinh và trên 95% trẻ được tiêm 3 mũi văcxin ngừa bệnh.
Công cụ quan trọng thứ hai để phòng chống viêm gan là điều trị viêm gan B và C. Người dân cần nâng cao ý thức tìm hiểu kiến thức về bệnh và chủ động trong công việc tầm soát, điều trị và phòng ngừa lây lan. Rất nhiều người bệnh chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ nhiễm virus này nên không tiến hành các xét nghiệm sớm, vô tình lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh.
Cơ quan y tế cần có những động thái tích cực trong công tác phòng chống bệnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng cần có những chính sách thiết thực, tạo điều kiện cho người dân trong quá trình điều trị.
Trong bối cảnh gánh nặng bệnh gan do virus ngày càng nặng nề, các quốc gia cần chung tay trong việc phòng chống bệnh với mục tiêu không còn lây truyền viêm gan virus trên thế giới, tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc và điều trị an toàn, hiệu quả.
(Theo kienthuc.net.vn)