Chuyển giao kỹ thuật trồng cà phê đến các hộ DTTS Đam Rông

08:08, 08/08/2016

Trong khuôn khổ của Chương trình UN-REDD, một trong những giải pháp góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả là nâng sinh kế cho người dân ở vùng rừng và gần rừng nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng...

Trong khuôn khổ của Chương trình UN-REDD, một trong những giải pháp góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả là nâng sinh kế cho người dân ở vùng rừng và gần rừng nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Vì vậy, việc chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê cho các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Đam Rông vừa được triển khai thực hiện có ý nghĩa thiết thực. 
 
Bà con nắm kỹ thuật trồng cà phê bằng thực tế tại các vườn hộ
Bà con nắm kỹ thuật trồng cà phê bằng thực tế tại các vườn hộ
Tham dự lớp tập huấn tại huyện Đam Rông diễn ra trong mấy ngày và gồm 76 người, trong đó có 21 nữ và 41 người là đồng bào DTTS đến từ 2 xã Đạ R’Sal và Rô Men. Đây là hai xã làm SiRAP cấp chủ rừng thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk. Đơn vị chính tổ chức lớp tập huấn là Ban quản lý Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng và đơn vị trực tiếp tập huấn là Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông. Nội dung tập huấn được cụ thể hóa kỹ lưỡng từng khâu, từng mục cụ thể và lồng ghép các hình ảnh minh họa như là giáo cụ trực quan nên người tiếp nhận dễ nắm bắt kiến thức. 
 
Trước hết, đó là kỹ thuật trồng mới, bao gồm chọn đất trồng với yêu cầu về độ cao và địa hình. Ví dụ, cây cà phê vối thích hợp ở độ cao từ 800 m trở xuống, còn cà phê chè thích hợp ở độ cao từ 800 m trở lên. Mặt khác, cây cà phê trồng trên đất bằng phẳng thuận lợi trong việc chăm sóc, thu hoạch; nếu trồng trên đất có độ dốc phải tuân thủ các biện pháp chống xói mòn như làm bồn, trồng cây theo đường đồng mức. Tiếp đến là yêu cầu lý hóa tính của đất và điều kiện nước tưới (ví dụ, đất tơi xốp, thoát nước tốt, mực nước ngầm sâu trên 100 cm; độ pH thích hợp từ 4,5 - 5,5;…). Về khâu chuẩn bị đất trồng, bao gồm: làm đất (cày sâu 30 cm, bừa đất 1- 2 lần…); thiết kế lô, thửa (mật độ cây: cà phê vối là 1.100 cây/ha (khoảng cách 3 x 3m); nếu đất có độ dốc cao là 1.330 cây/ha (khoảng cách 3 x 2,5 m); cà phê chè là 3.330 cây/ha (khoảng cách 2 x 1,5 m); nếu đất có độ dốc cao là 5.000 cây/ha (khoảng cách 2 x 1m). Cán bộ kỹ thuật cũng cung cấp cho bà con về kích thước hố (60 x 60 x 60 cm đối với cà phê vối và 40 x 40 x 40 cm đối với cà phê chè); cách bón lót cụ thể như thế nào, từ thời gian, các loại phân đến kỹ thuật trộn và bỏ phân…
 
Ngoài ra, quá trình trồng cây cà phê bà con còn được khuyến cáo về trồng cây chắn gió, cây che bóng, cây trồng xen với tác dụng của từng chủng loại cây, cách thức trồng cụ thể. Việc trồng cây cà phê để đạt năng suất và chất lượng cao còn tính đến nhiều yếu tố khác mà bà con được chuyển giao, đó là: thời vụ trồng; giống và tiêu chuẩn cây giống; tiêu chuẩn cây giống thực sinh; tiêu chuẩn cây giống ghép; tiêu chuẩn cây bầu lớn và đào hố như thế nào, cắt bầu ra sao… 
 
Về tái canh cây cà phê, trước hết cần xét về điều kiện đất canh tác, sau đó mới đến khâu làm đất; luân canh cải tạo đất; đào hố cũng đòi hỏi các kỹ thuật rất khác so với trồng mới. Quá trình chăm sóc cây cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản, các kỹ thuật viên đã chia ra theo từng năm với những phần việc cụ thể cho bà con nắm vững. Bao gồm các bước cụ thể về: trồng xen cây đậu đỗ; trồng dặm; làm cỏ; bón phân; tạo bồn; tủ gốc, tưới nước; tỉa cành tạo tán… Đó còn là cách phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây cà phê như các bệnh rệp vảy xanh, bệnh lở cổ rễ, rệp sáp hại rễ, bệnh vàng lá, thối rễ, bệnh do tuyến trùng và nấm ký sinh gây bệnh… Đối với kỹ thuật thâm canh bền vững cà phê kinh doanh đòi hỏi nhiều yếu tố cao hơn như kỹ thuật tưới nước (chu kỳ, thời điểm; lượng nước; phương pháp tưới…). Đó còn là kỹ thuật bón phân để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, bao gồm: các loại phân; nguyên tắc bón phân, phương pháp. Và đó còn là tỉa cành, tạo tán; các phương pháp tạo hình cà phê; phòng trừ sâu, bệnh hại…
 
Để thực sự giúp người dân là đồng bào DTTS tăng thu nhập thực sự từ sản xuất cà phê, nhà tổ chức còn tập huấn kỹ càng về các quy trình thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê. Ví dụ, thời điểm thu hoạch; phương pháp hái quả, đóng bao và vận chuyển; phương pháp chế biến cà phê khô; các phương pháp sấy cà phê, chế biến ướt, làm sạch và phân loại; các kỹ thuật loại bỏ vỏ; lên men tự nhiên; làm khô cà phê thóc…Và cách thức bảo quản cà phê như kỹ thuật bảo quản cà phê đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng trong quá trình bảo quản; biện pháp nâng cao chất lượng cà phê thương phẩm.
 
Sau đợt tập huấn, hầu hết bà con đều phấn khởi vì được cung cấp rất kỹ lưỡng về cách thức làm kinh tế từ sản xuất cà phê. Chị Rơ Lưk Srang ở xã Rô Men nói: Thật thích, lâu nay bà con cũng tìm hiểu nhiều về cách trồng và thu hoạch cà phê nhưng lần này thì rất kỹ. Mình nghĩ, nếu ai cũng chịu khó làm như kỹ thuật này thì cà phê sẽ cho thu hoạch cao hơn, nhưng cái khó nhất là vốn vẫn không đủ. Còn anh K’Keoh ở thôn 3, xã Rô Men lại bày tỏ: Bà con mình cũng trồng cây cà phê lâu rồi, nhưng cách làm như cán bộ tập huấn thì ít người áp dụng nên đạt thấp. Mình sẽ hướng dẫn cho người trong nhà cùng làm theo các phương pháp khoa học này. Anh K’Keoh cũng hứa, sẽ chú trọng vào sản xuất nhiều hơn là vào rừng tìm kiếm lâm sản phụ.
 
MINH ĐẠO