Dân di cư tự do ở Đam Rông: Bài toán chưa có lời giải

09:08, 05/08/2016

Đam Rông - huyện miền núi nằm ở hướng Bắc và Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng và là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất do luồng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào. Trong những năm qua, chính quyền địa phương và các ban, ngành đã có nhiều biện pháp để ổn định tình hình, nhưng vấn đề này vẫn chưa có một giải pháp nào triệt để.

Đam Rông - huyện miền núi nằm ở hướng Bắc và Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng và là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất do luồng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào. Trong những năm qua, chính quyền địa phương và các ban, ngành đã có nhiều biện pháp để ổn định tình hình, nhưng vấn đề này vẫn chưa có một giải pháp nào triệt để.
 
Nhà cửa kiên cố đã mọc lên giữa rừng phòng hộ. An sinh hay đẩy đuổi là câu hỏi chưa có câu trả lời!
Nhà cửa kiên cố đã mọc lên giữa rừng phòng hộ. An sinh hay đẩy đuổi là câu hỏi chưa có câu trả lời!
Bài toán khó giải
 
Kể từ khi thành lập huyện (2005) tình hình di cư tự do vào Đam Rông ngày một tăng. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 1.277 hộ, 6.397 nhân khẩu di cư vào địa phương này, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Nùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Dân di cư tự do sống thành từng nhóm rải rác trong rừng sâu, tập trung nhiều nhất trong các tiểu khu trên địa bàn xã Liêng S’rônh. Theo tài liệu của UBND huyện Đam Rông, tính đến thời điểm tháng 4/2016, đã có tới 434 hộ, 2.317 nhân khẩu người Mông tại xã Liêng S’rônh. Trong đó chỉ có 77 hộ dân có hộ khẩu được cấp tại địa phương. Một nhóm di cư khác (có điều kiện về kinh tế) mua đất dựng nhà làm rẫy, sống xen kẽ với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn các xã thuộc huyện Đam Rông. 
 
Ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông: Khó khăn giải quyết vấn đề 
 
Khi Chính phủ kiên quyết chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp thì huyện đang rất khó khăn trong giải quyết vấn đề dân di cư tự do trên địa bàn. Để giải quyết được vấn đề dân di cư tự do thì rất cần có sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện hơn nữa của cấp trên. Bên cạnh đó, cũng rất cần có sự phối hợp của các địa phương có dân đã di cư tự do đến huyện trong việc cùng giải quyết tình trạng dân di cư tự do. Đối với chính quyền, tổ chức đoàn thể ở các địa phương trên địa bàn huyện đã có khu ổn định dân di cư tự do cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân thực hiện định canh, định cư, không trở về làng cũ. Khi những biện pháp này được triển khai đồng bộ thì vấn đề dân di cư tự do sẽ không còn là áp lực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh - trật tự ở địa phương; đồng thời, góp phần giữ lại màu xanh cho những cánh rừng. 
 
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cần nhiều giải pháp đồng bộ 
 
Thực tiễn cho thấy, nơi có dân đến càng nỗ lực sắp xếp dân di cư tự do có cuộc sống ổn định thì xu hướng dân di cư tự do đến ngày càng tăng. Để hạn chế tình trạng di cư tự do đến huyện Đam Rông cần phải phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, quản lý, bảo vệ rừng, an ninh chính trị. Rà soát, đánh giá lại hiệu quả các chính sách dân tộc, trên cơ sở đó bổ sung, sửa đổi chính sách cho phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương theo hướng ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho những địa phương có dân đi. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có phương án cụ thể để giải quyết vấn đề này, trong đó sẽ ưu tiên việc sắp xếp, ổn định dân di cư tự do theo hướng xen ghép hoặc ổn định tại chỗ, Nhà nước hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng.                                   HOÀNG YÊN (ghi)

Trong hành trình di dân vượt hàng ngàn km từ Tây Bắc vào Tây Nguyên, khó khăn đầu tiên khi bà con phải đối mặt khi vào tới nơi là tình trạng “đói ăn”. Và vì thế họ lại bắt đầu “săn bắt hái lượm, phá rừng làm rẫy”. Và tiếp sau đó là hình thức canh tác “phá, đốt, trọc, trỉa” ngay trong rừng. Nhìn chung đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do đến Đam Rông rất khó khăn, hầu hết không có đất sản xuất, nhà ở, thiếu vốn liếng, dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép và săn bắn thú rừng để kiếm sống. 

 
Từ năm 2014 đến tháng 5/2016, thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, UBND huyện Đam Rông đã có Báo cáo số 91/BC-UBND gửi Ban chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện Quyết định này. Trong đó nêu rõ những mặt khó khăn, hạn chế: Về quỹ đất khai hoang để bố trí sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất không còn hoặc nơi có quỹ đất thì không thuận lợi cho canh tác sản xuất do địa hình có độ dốc cao, giao thông không thuận tiện. Nguồn vốn phân bổ của đề án còn ít so với nhu cầu và kế hoạch thực hiện. Tính đến nay mới chỉ đạt 8% so với kế hoạch vốn được phê duyệt 1 tỷ 233 triệu đồng/15 tỷ 260 triệu đồng. Còn riêng kinh phí xây dựng công trình nước tập trung và giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến nay vẫn chưa phân bổ nguồn kinh phí.
 
Với trách nhiệm hết sức nặng nề phải định canh định cư số di dân di cư tự do “bám rễ” sâu và số nhân khẩu không ngừng tăng lên từ hai luồng mới là: di dân từ phía Bắc vẫn lén lút di cư vào những khoảnh rừng và một thế hệ trẻ được sinh ra trên đất mới. Chính quyền huyện Đam Rông đến nay chỉ giải quyết gần 0,5 ha/hộ tại điểm định canh định cư Đơng Glê thuộc xã Phi Liêng, việc bố trí sắp xếp dân di cư tự do còn ở trong rừng tại điểm định canh định cư Đạ M’Pô xã Liêng S’rônh là một việc vẫn còn nằm trên giấy tờ. Cũng theo ông Tâm, nguyên nhân của sự khó khăn trong công tác định canh định cư cho số đồng bào di dân từ các tỉnh phía Bắc tràn vào Đam Rông vẫn là nguồn vốn đầu tư cho các dự án còn quá ít, chưa đảm bảo và phân bổ chậm so với phân kỳ thực hiện, kéo dài qua nhiều năm, dẫn đến tính hiệu quả của các dự án định canh định cư không đảm bảo. Mặt khác, trong công tác quản lý dân di cư hết sức phức tạp, do hầu hết các hộ đồng bào sống trong rừng sâu, giao thông đi lại khó khăn, hơn nữa các hộ dân di cư tự do có thái độ bất hợp tác, phản kháng quyết liệt, gây trở ngại cho công tác tuyên truyền, vận động và việc bố trí sắp xếp ổn định di dân tự do.
 
Thực hiện Chỉ thị 39/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng di cư tự do, trong đó có nội dung “thông báo cho các tỉnh có dân đi để phối hợp giải quyết”. Chính quyền huyện Đam Rông đã trực tiếp thông báo tình hình cho các tỉnh phía Bắc và chính quyền sở tại các tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp vào khảo sát tình hình để đưa di dân về nơi cũ. Nhưng, số di dân tự do theo cán bộ của mình trở về quê hương chỉ là con số không tròn trĩnh. Theo một cán bộ tại Phòng Dân tộc huyện Đam Rông, thực chất việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội cho các di dân di cư tự do là hết sức khó khăn, ngay bản thân của di dân với một quãng đường di cư kéo dài, mọi giấy tờ tùy thân của họ đã mất hết, cái còn lại của họ chính xác chỉ là cái tên từ thuở cha sinh mẹ đẻ. Họ trở thành những con người “từ trên trời rơi xuống” cánh rừng Đam Rông. Huyện chỉ còn cách quản lý bằng việc lập ra các tổ tự quản, rồi để bà con bầu ra chức danh tổ trưởng.
 
6 tháng đầu năm 2016, trên 92 ha rừng bị tàn phá tại huyện Đam Rông
6 tháng đầu năm 2016, trên 92 ha rừng bị tàn phá tại huyện Đam Rông
“Trăm dâu”… đổ đầu rừng phòng hộ
 
Phải khẳng định một điều chắc chắn rằng di dân đồng nghĩa với phá rừng. Sau khi thống kê lại diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị phát phá, lấn chiếm trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk đưa ra một thông số báo cáo hết sức kinh hoàng: trên 175 ha rừng đã bị tàn phá, riêng 6 tháng đầu năm 2016  trên 92 ha rừng bị “đốn sạch”. 
 
Ông Mai Chí Trung, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk lo ngại: “Nếu không sớm ổn định và thực hiện việc định canh định cư cho di dân tự do thì rừng sẽ tiếp tục bị mất. Vì một lẽ di dân đã lọt thỏm và sinh sống trong rừng sâu, cuộc sống của họ gắn với núi rừng, rừng chính là miếng cơm manh áo của họ. Ban quản lý chúng tôi đã huy động hết mọi nguồn lực hiện có để chống lại vấn nạn này, nhưng áp lực đè nặng lên vai là rất lớn. Thực chất nếu có thể định canh định cư cho di dân thì khi đó chúng tôi có cơ sở để giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến từng đối tượng cụ thể, bắt buộc họ phải có trách nhiệm với rừng xanh. Trong khi đó di dân tự do không có một giấy tờ gì để chúng tôi có thể làm thủ tục, không có căn cứ pháp lý để làm việc”.
 
Đơn cử, chỉ 11 hộ dân người Mông thuộc diện di dân di cư tự do tại Tiểu khu 177, Tiểu khu 178 sống ở khu vực khe Lĩa Lòng, muốn quản lý hay vận động số dân này, Ban quản lý rừng Sêrêpốk phải đi vòng sang huyện Đắk G’Long (Đắk Nông) mới tiếp cận được. Trước đây đã có một cán bộ trong đoàn công tác hy sinh trên đường vào làm việc với các hộ dân này, rồi chuyện các hộ dân này bắt cán bộ, đòi tiền chuộc.
 
Câu hỏi đặt ra cho cơ quan chức năng rằng, tại sao không giải quyết ngay khi người dân vừa mới di cư vào mà phải để tới lúc những ngôi nhà kiên cố, những cộng đồng dân cư mọc lên giữa rừng sâu và cơ quan chức năng “bó tay” không giải quyết được. Lãnh đạo huyện Đam Rông và Ban quản lý rừng Sêrêpốk đều lý giải rằng: Những khu vực dân di cư tự do vào sống tập trung đông đúc như tại tiểu khu 178. 179, 181, Tây Sơn là bà con di cư từ đầu những năm 2.000, trước khi có quyết định thành lập huyện Đam Rông. Địa bàn xa, phức tạp, lực lượng mỏng (hiện tại một nhân viên trực tiếp thực hiện quản lý, bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng Sêrêpốk phải đảm nhận 1.200 ha, trong khi luật quy định 700 ha/người) cùng với việc dân di cư tự do tràn qua Đam Rông thông qua huyện Lắk (thuộc tỉnh Đắk Lắk) và huyện Đắk G’long (thuộc tỉnh Đắk Nông) nên rất khó quản lý. Không còn di chuyển thủ công như trước, giờ có xe cộ, điện thoại… nên việc bà con di cư lôi kéo anh em họ hàng vào ngày càng tinh vi và phức tạp.
 
Di dân tự do ở Đam Rông là bài toán chưa có lời giải. Các phép toán trước đó chỉ mang tính chất tạm thời, chưa giải quyết triệt để vấn đề. Để rồi trong các cuộc họp, chính quyền huyện Đam Rông “ngậm ngùi” đề xuất, kiến nghị theo kiểu: Kính đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nguyên tham mưu Chính phủ chỉ đạo các địa phương nơi có dân di cư vào huyện Đam Rông (gồm các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La) quản lý chặt vấn đề nhân khẩu, cân nhắc hợp lý việc xây dựng các công trình thủy điện cũng như phát triển đời sống kinh tế của bà con, không để tình trạng dân rời khỏi địa phương di cư tự do đến địa phương khác…
 
Đ.TÚ - N.NGÀ