Gia tăng tình trạng tảo hôn ở Đơn Dương

09:08, 03/08/2016

Tình trạng tảo hôn ở Đơn Dương hiện đang ở mức cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân... Các ngành chức năng của huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng này.

Tình trạng tảo hôn ở Đơn Dương hiện đang ở mức cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân... Các ngành chức năng của huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng này.
 
Vui chơi
Vui chơi
Xã Ka Đơn vài năm trở lại đây trở thành “điểm nóng” về nạn tảo hôn của huyện Đơn Dương. Trung bình mỗi năm xã có khoảng 8 - 10 cặp tảo hôn; riêng từ đầu năm đến nay, xã đã có 10 trường hợp. Hình ảnh những cô dâu chú rể mới 15, 16 tuổi không còn lạ đối với người dân. Nhiều em còn nhỏ chưa hiểu về tình yêu, giới tính nhưng đến với nhau tự nguyện, như trường hợp của em Bơ Du Tuấn T. (sinh 1999) và Nai U. (sinh 1999) ở thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn. Hai em cho biết: “Tụi em thấy thích thì lấy nhau, cha mẹ cũng không ngăn cản gì. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng tụi em không hối hận. Đã yêu nhau thì về sống chung không cần tổ chức đám cưới cũng được”. 
 
Có trường hợp các em yêu nhau rồi có thai, nhưng các em lại ai về nhà nấy, như trường hợp của Ha P. (sinh 1998) và Mi R. (2001) đều ở thôn Suối Thông A2 (xã Đạ Ròn). Mi R. nói: “Em đang đi học thì gặp và yêu P., giờ em phải nghỉ học vì trót mang thai. Em rất thích đi học, nhưng đành phải bỏ lỡ việc học để sinh con rồi đợi về nhà chồng”.
 
Xã Tu Tra, Ka Đơn là hai địa phương có số trường hợp tảo hôn tăng cao theo từng năm. Theo thống kê, có khoảng 25 trường hợp thanh thiếu niên đang trong độ tuổi đến trường cưới vợ, lấy chồng sớm. 
 
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ) huyện Đơn Dương, nguyên nhân dẫn đến tảo hôn tại các địa phương phần nhiều là vì sự thiếu hiểu biết pháp luật và sự thiếu quan tâm của gia đình các em. Với độ tuổi quá nhỏ để có thể kết hôn, các em rơi vào tình trạng thiếu cân bằng cả về thể chất lẫn kinh tế để hoàn thiện gia đình. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Đơn Dương đã xảy ra 45 trường hợp tảo hôn, trong đó tệ nạn tảo hôn xảy ra nhiều nhất là ở các xã Lạc Xuân và Tu Tra, Ka Đơn, đặc biệt có những trường hợp tảo hôn mới 14 tuổi. 
 
Tệ nạn tảo hôn không chỉ gây ra các biến chứng về sản khoa, ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mà điều đáng nói là vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân gia đình. Để ngăn chặn tình hình này, trong thời gian qua, Chi cục Dân số KHHGĐ và trẻ em huyện Đơn Dương đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện và các xã để tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là bà con đồng bào DTTS cần thực hiện tốt Luật Chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em và Luật Hôn nhân gia đình.
 
Những năm qua, huyện Đơn Dương đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, như thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình “Xóa tập tục tảo hôn” ở các xã. Tuy nhiên, những hoạt động này không đạt hiệu quả như mong muốn. 
 
Bác sĩ Nguyễn Quang Trung cho biết, xóa tập tục tảo hôn không thể một sớm một chiều mà công tác này cần thời gian và sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Theo đó, Trung tâm DS&KHHGĐ huyện sẽ phối hợp với hội phụ nữ, các già làng, trưởng thôn tổ chức các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh để thu hút các bạn trẻ cùng tham gia, phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại mỗi thôn, xã... Ngoài ra, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác DS&KHHGĐ cấp xã, cộng tác viên, phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn, cộng tác viên dân số, già làng, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia công tác này, góp phần giảm thiểu và khắc phục tình trạng tảo hôn, nâng cao chất lượng dân số.
 
HOÀNG YÊN