Gian nan đòi nợ bảo hiểm xã hội

08:08, 15/08/2016

Dù Luật Bảo hiểm đã có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì và tìm đủ mọi cách để đối phó, dẫn đến nợ đọng kéo dài, con số nợ bảo hiểm xã hội vì thế cũng ngày càng gia tăng.

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã không còn là chuyện mới. Dù Luật Bảo hiểm đã có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng nhiều DN vẫn cố tình chây ì và tìm đủ mọi cách để đối phó, dẫn đến nợ đọng kéo dài, con số nợ vì thế cũng ngày càng gia tăng và nối dài danh sách của cơ quan bảo hiểm.
 
Công nhân đình công đòi quyền lợi tại Công ty Kimono Japan. Ảnh: Khánh Phúc
Công nhân đình công đòi quyền lợi tại Công ty Kimono Japan. Ảnh: Khánh Phúc

Nhiều DN vi phạm
 
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính đến 31/7/2016, có tới 1.129 đơn vị trên địa bàn tỉnh đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, có nhiều DN đang nợ với những con số khá lớn như: Chi nhánh Công ty xe khách Phương Trang Futa BusLines với số nợ hơn 2,5 tỷ đồng; Công ty TNHH sản xuất hạt giống rau Lâm Đài với số nợ hơn 1,6 tỷ đồng; Công ty Kimono Japan với số nợ trên 4 tỷ đồng; Công ty SXKD hàng XNK Nam Phương Bảo Lộc với số nợ trên 1,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Sông Thương 2 với số nợ gần 1,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Tâm Châu - Bảo Lộc với số nợ gần 4,5 tỷ đồng…
 
Tính đến 31/7/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của các DN trên địa bàn tỉnh là 1.129 đơn vị, với số tiền 68,432 tỷ đồng. Trong đó, 264 DN đang hoạt động, số tiền nợ từ 3 tháng trở lên là 36,248 tỷ đồng; 147 DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, không giao dịch hoặc không còn trụ sở làm việc… với số tiền nợ là 6,490 tỷ đồng.  
Những con số trên cho thấy, xu hướng nợ đọng BHXH ngày càng gia tăng cả về số lượng đơn vị sử dụng lao động và cả tổng số nợ đọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT. Theo đánh giá của cán bộ BHXH tỉnh, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng nói trên là do một số DN không có khả năng đóng bảo hiểm vì khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, làm ăn thua lỗ nên không thực hiện được ngay đúng theo quy định của Luật BHXH đối với người lao động. Bên cạnh đó, là hiện tượng có DN đã thu tiền của người lao động, nhưng lại cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình, họ dùng quỹ bảo hiểm đã thu dùng vào việc kinh doanh để giảm vốn vay ngân hàng nhằm trục lợi. Theo ông Trần Văn Sơn - Trưởng phòng quản lý thu (BHXH tỉnh), cũng có rất nhiều cách để DN trốn nợ: Đó là có một số DN nợ bảo hiểm rồi sau đó giảm số lao động xuống bằng không, không giao dịch nữa rồi lại tiếp tục mở 2, 3 DN khác. Bên cạnh đó, cũng có một số DN vừa và nhỏ chỉ ký hợp đồng thời vụ (dưới 3 tháng) hoặc không ký hợp đồng lao động để trốn tránh việc đóng bảo hiểm cho người lao động. Cách khác, đó là khai không đủ số lao động làm việc hoặc giảm tiền lương cơ bản của người lao động xuống (thay vào đó là nâng các khoản phụ cấp lên) vì mức đóng BHXH chỉ áp dụng trên mức lương cơ bản.
 
Người lao động phải nhận thức được quyền lợi của mình
 
Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực từ tháng 1/2016, nếu DN không đóng BHXH cho người lao động đúng quy định có thể bị xử lý hình sự nhưng hiện chưa tác động lớn đến các DN, nhất là các DN đã và đang chây ì về đóng BHXH. Mặc dù ngành BHXH là cơ quan trực tiếp tiếp cận với việc thu, chi nên có thể phát hiện những sai phạm và có thêm chức năng thanh tra (theo luật mới) nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi DN đã cố tình trốn tránh, chây ì. Thêm vào đó, thủ tục khởi kiện tương đối phức tạp, đa số DN lại thiếu thiện chí hợp tác; thời gian khởi kiện các DN vi phạm kéo dài, việc thi hành án chậm hoặc không thu hồi được. Mặt khác, việc xử lý vi phạm pháp luật về BHXH chưa kiên quyết, dẫn đến DN không coi trọng việc thực hiện pháp luật về BHXH và bảo đảm quyền lợi người lao động. 
 
Theo bà Bùi Thị Nga Giang - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, thời gian qua, để hạn chế việc nợ đọng và các vi phạm về BHXH, BHXH tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện kiểm tra DN có số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lớn và thời gian kéo dài. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ làm công tác thu đến đơn vị đối chiếu, đôn đốc thu nợ hoặc gửi văn bản đến đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, một số đơn vị sử dụng lao động thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động chưa đầy đủ, còn tình trạng chây ì không đóng, trốn đóng… dẫn đến tình trạng nợ đọng ngày càng tăng lên. 
 
Việc DN nợ BHXH kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động như chế độ thai sản, khám chữa bệnh, thất nghiệp… Tuy nhiên, theo cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp “quên” nộp bảo hiểm một phần do người lao động do chưa hiểu đúng, nhận thức chưa rõ quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm mà chỉ quan tâm đến mưu cầu việc làm trước mắt, đã vô tình tạo “kẽ hở” cho chủ DN vi phạm pháp luật về BHXH. Mặt khác, hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở tại một số DN chưa được quan tâm, nên công tác tuyên truyền và chức năng đại diện, bảo vệ người lao động chưa được bảo đảm. 
 
Theo ông Đỗ Đức Thiệm - Phó Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh, từ đầu năm đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ nhận được đơn khiếu kiện của tập thể công nhân Công ty Kimono Japan. Vì vậy, khi nhận thấy quyền lợi bị xâm phạm, trước tiên người lao động nên tìm đến CĐCS, tổ chức trực tiếp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, để được hướng dẫn. Cũng theo Luật Bảo hiểm Xã hội mới có hiệu lực từ tháng 1/2016, Liên đoàn Lao động còn là đơn vị đứng ra khởi kiện DN ra tòa khi vi phạm Luật Bảo hiểm Xã hội.
 
VÕ LAN