Người Việt hại nhau, ung thư tăng nhanh nhất thế giới

09:08, 05/08/2016

Dù các Bộ có chính sách tốt nhưng không chuyển được thành hành động, đến từng người dân, thì sẽ khó mà chống được tốc độ tăng ung thư.

Dù các Bộ có chính sách tốt nhưng không chuyển được thành hành động, đến từng người dân, thì sẽ khó mà chống được tốc độ tăng ung thư.
 
Đang đầu độc lẫn nhau
 
15 năm qua, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đã tăng gấp đôi (từ 69.000 ca lên 150.000 ca) và dự kiến trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ có 200.000 ca mắc mới bệnh ung thư.
 
Trước con số trên, GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, chỉ rõ, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, 80% nguyên nhân sinh ra ung thư là từ môi trường bên ngoài.
 
Tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới
Tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới

Ở Việt Nam, đúng là có hiện tượng tăng bệnh ung thư rất nhanh. Những năm 1990, số lượng người mắc bệnh này còn rất thấp, khoảng 70.000 người trong một năm, nhưng đến năm 2010-2015, con số này mỗi năm đã là 150.000 người.
 
Dự báo đến năm 2020, tức 4-5 năm nữa thôi, sẽ có 200.000 người mắc ung thư mới mỗi năm. Cộng với số người đã mắc bệnh ung thư đang điều trị và số người đã khỏi bệnh ung thư rồi thì tỷ lệ mắc bệnh này ở Việt Nam còn cao hơn rất nhiều.
 
Thế nhưng, ông Đức khẳng định: "Nếu nói Việt Nam sẽ là nước có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới không hẳn là chính xác, mà có lẽ, phải nói là Việt Nam có tốc độ tăng các ca mắc ung thư vào loại nhanh nhất thế giới thì đúng hơn".
 
Để giảm các ca mắc ung thư, theo ông Đức, ưu tiên hàng đầu là phải làm sao phòng bệnh đã, giảm được tỷ lệ mắc. Muốn vậy, phải ngăn chặn được tác nhân gây ung thư. Muốn chữa tốt thì phải làm sao phát hiện được bệnh sớm.
 
Thế thì, về việc ngăn chặn bệnh, các tác nhân sinh ung thư ở chúng ta đã được phát hiện nhiều, đặc biệt là thuốc lá. Vậy thì, phải làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
 
Cùng với đó là vấn đề an toàn thực phẩm, thực phẩm của chúng ta không an toàn quá nhiều.
 
"Chúng ta thấy rằng, giờ đây, người dân còn nói, không biết ăn gì, ăn gì cũng chết. Có những câu nói hài hước, bi quan, thôi thì ăn thì chết về sau, không ăn thì sẽ chết ngay bây giờ, thôi thì... cứ ăn. Đó là một thực trạng. Ta phải làm tốt hơn nữa công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Nhiều người cũng đã nói, người Việt Nam chúng ta đang đầu độc lẫn nhau. Đạo đức xã hội đang có vấn đề nghiêm trọng, người ta không thấy được hiểm hoạ chung cho cộng đồng, trong đó, có chính bản thân mình mà chỉ thấy cái lợi trước mắt.
 
Xã hội phải lên tiếng mạnh hơn nữa, phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa, thay đổi được quan điểm vì lợi ích cá nhân mà bất chấp sức khoẻ cộng đồng và nguy hại cho xã hội", ông Đức nhấn mạnh.
 
Chính sách tốt nhưng cần hành động đúng
 
Về trách nhiệm của các Bộ, ngành quản lý, theo ông Đức, Bộ Y tế là Bộ quản lý về sức khoẻ nhưng thường là phần ngọn. Bộ NN&PTNT có vai trò rất quan trọng, vì vấn đề lương thực, thực phẩm độc hại phải được quản lý tốt hơn nữa. Còn khi lên tới bàn ăn rồi thì rất khó.
 
Hay Bộ TNMT cũng vậy với tình trạng xả thải những chất gây ô nhiễm ra môi trường, cũng phải có trách nhiệm làm tốt hơn nữa...
 
Song, phải kể đến Bộ GD&ĐT, phải giáo dục từ khi là một đứa trẻ con, biết tự trọng, biết tôn trọng luật pháp và giữ gìn sức khoẻ cộng đồng.
 
Về cơ quan chịu trách nhiệm chung, ông Đức khẳng định: "Đó là Chính phủ. Tuy nhiên, vừa rồi ta nói đến chuyện người Việt Nam đang tự đầu độc lẫn nhau.
 
Thế thì, nếu các Bộ dù có chính sách tốt nhưng không chuyển được thành hành động, đến từng người dân, từng gia đình phải có ý thức phòng bệnh giữ gìn cho tương lai, cho giống nòi dân tộc thì sẽ khó mà chống được tốc độ tăng ung thư".
 
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, TS Nguyễn Đại Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội cho biết, người Việt chủ yếu mắc các bệnh ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng, gan, vú và ung thư vòm họng. Trong số đó, các bệnh ung thư vùng đầu - cổ gặp khá nhiều, nổi bật là ung thư vòm, hạ họng - thanh quản, lưỡi và khoang miệng.
 
Bên cạnh đó, TS Bình cho rằng, các nghiên cứu cho thấy, tuổi mắc bệnh ung thư của nước ta cũng trẻ hơn so với thế giới. Ví dụ như ung thư vòm họng, có những ca mắc bệnh chỉ ở độ tuổi 30.
 
Đáng chú ý hơn, trong một công bố mới đây hồi tháng 4/2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỷ lệ chết do bệnh ung thư, Việt Nam đứng top 2 thế giới.
 
Theo đó, trong số 172 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, Việt Nam đứng ở vị trí 78 với tỷ lệ chết vì ung thư là 110 ca/100.000 người. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau các nước Lào và Myanmar về tỉ lệ tử vong do căn bệnh này.
 
(Theo Báo Đất Việt)