Nguy hiểm khi con trẻ nghiện điện thoại

09:08, 04/08/2016

Dù đã có nhiều khuyến cáo về tác hại khi để trẻ nhỏ nghiện điện thoại thông minh nhưng không ít phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này.

Dù đã có nhiều khuyến cáo về tác hại khi để trẻ nhỏ nghiện điện thoại thông minh nhưng không ít phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này.
 
Sai lầm khi dỗ con bằng điện thoại
 
Hàng ngày, sau khi đón bé Hương ở trường mầm non về, chị Nguyễn Thị Hồng ở một khu dân cư ven thành phố lại đưa điện thoại cho con ngồi chơi để có thời gian dọn nhà, nấu cơm. Sau nhiều tháng cứ dỗ con bằng điện thoại như vậy, chị Hồng mới phát hiện bé Hương không thích ra ngoài chơi với các bạn cùng xóm mà chỉ thích ngồi chơi với chiếc điện thoại của mẹ. Mỗi khi đi nhà trẻ về bé Hồng lại năn nỉ mẹ cho mượn điện thoại. Bé cũng ít nói và trầm tính hơn. Chị Hồng lên mạng tìm hiểu thì biết con có những biểu hiện của chứng nghiện điện thoại. “Cháu bứt rứt, khó chịu và hay nổi cáu khi tôi đòi điện thoại. Hễ thấy mẹ để điện thoại ở đâu là cháu lấy bằng được để chơi. Tôi khóa màn hình để con không mở được thì bé cáu và đập điện thoại xuống đất. Bé Hương không còn hòa đồng như trước. Những đồ chơi bé vốn rất thích thì nay cũng bỏ xó”, chị Hồng chia sẻ. 
 
Theo bác sĩ tâm lý Lê Thu Hạnh - chuyên viên cao cấp thuộc một văn phòng tư vấn chuyên về tâm sinh lý ở Hà Nội cho rằng, hiện nay, không ít các bậc phụ huynh lạm dụng điện thoại, coi đây là công cụ để dỗ con. Nhiều bà mẹ hễ thấy con quấy khóc liền lấy điện thoại để dỗ dành, thậm chí nhiều người còn dùng điện thoại để dụ bé ăn, uống. “Đây là phương pháp dỗ con sai cách, các bậc cha mẹ không nên áp dụng. Bởi cho con sử dụng điện thoại nhiều, nhất là trẻ nhỏ sẽ có tác động không tốt đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý của trẻ”, bác sĩ Hạnh khẳng định.
 
Nhiều phụ huynh còn sai lầm cho rằng trẻ dùng điện thoại sớm mới thông minh nhưng anh Lê Văn Nam, nhân viên văn phòng thuộc một công ty xây dựng lại không đồng tình như vậy. Anh Nam kể: “Có lần đi công tác về, đang nằm nghỉ thì thấy con trai ở trong phòng kêu: giết, giết... Tôi hoảng quá, chạy lên thì thấy con đang ôm điện thoại của mẹ chơi mà toàn game bắn nhau. Từ đó, tôi dặn vợ không cho con chơi điện thoại nữa”.
 
Con trẻ nghiện điện thoại gây ra những tác hại không nhỏ. Trước hết, trẻ bị hạn chế khả năng giao tiếp bởi trong điện thoại có nhiều trò chơi hấp dẫn khiến trẻ bị thu hút, ham mê không muốn tham gia các hoạt động cùng bạn bè và những người thân trong gia đình. Lâu dài trẻ ngại, thậm chí chậm giao tiếp với mọi người xung quanh. Với những trẻ nhỏ sẽ chậm biết nói hơn những trẻ khác. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, việc sử dụng điện thoại thông minh tạo cho trẻ thói quen nhấn hoặc chuyển từ một lựa chọn này sang một lựa chọn khác theo ý thích. Điều này sẽ rất có hại đối với sự phát triển não bộ, nhất là sự tập trung. Ham chơi điện thoại sẽ khiến bé lười vận động nên khả năng bị béo phì rất cao. Đó còn chưa kể nhiều trẻ còn bị chứng trầm cảm, giảm thị lực do tiếp xúc quá nhiều với điện thoại. Đối với những bé đã đi học thì ham điện thoại còn ảnh hưởng đến khả năng học tập.
 
Những biện pháp hiệu quả
 
Hậu quả của việc cho con sử dụng điện thoại nhiều đã rõ nhưng làm thế nào để cai nghiện điện thoại cho con thì không phải phụ huynh nào cũng biết. Theo bác sĩ Lê Thu Hạnh, trước hết cha mẹ cần giảm dần thời gian sử dụng điện thoại của con, dành thời gian chơi với con. Ban đầu có thể trẻ sẽ chống đối, mè nheo, khóc lóc, thậm chí bực tức nhưng dần trẻ sẽ thích ứng. Sau đó, thay vì cho con chơi điện thoại, các phụ huynh nên chọn những trò chơi bổ ích như ghép hình hoặc tập vẽ, nghe nhạc, đọc truyện cổ tích... “Quan trọng nhất là cha mẹ phải làm gương, hạn chế sử dụng điện thoại, tăng cường giao lưu, trò chuyện với con. Nhiều cha mẹ muốn hạn chế con sử dụng điện thoại trong khi bản thân mình lại sử dụng nhiều khiến con không phục, thậm chí mâu thuẫn với con”, bác sĩ Hạnh nói. 
 
Sau khi thấy bé Hương quá ham điện thoại, chị Hoa đã tranh thủ thời gian vừa làm vừa chơi với con. Chị mua sách tập tô để con chơi khi mẹ tranh thủ dọn nhà. “Thỉnh thoảng tôi vừa nấu cơm vừa dạy con hát, đọc thơ. Vì thế bé Hương đã dần quên điện thoại, nhanh nhẹn, hoạt bát và bắt đầu hòa đồng với các bạn cùng xóm hơn”, chị Hồng nói. Còn với anh Nam, khi thấy con chơi những game bạo lực trên điện thoại, thay vì cấm con anh đã cùng con xem những bộ phim thiếu nhi bổ ích trên ti vi. Ngoài ra, anh đăng ký học bơi cho con trong dịp hè, hay những ngày cuối tuần rảnh rỗi. Những ngày đi công tác, anh giao cho con đọc hết những cuốn sách mà anh đã mua và thưởng cho con những món quà nhỏ khi con kể lại được nội dung của một câu chuyện hoặc trả lời được những câu đố trong cuốn “Một vạn câu hỏi vì sao?”.
 
Cách làm của chị Hồng hay anh Nam đều là những biện pháp hiệu quả để cai nghiện điện thoại cho con, giúp trẻ thêm gần gũi với những người thân trong gia đình. Đối với những trẻ lớn, giúp con cai nghiện điện thoại không có nghĩa là cha mẹ cấm đoán mà cần định hướng thời gian sử dụng sao cho hợp lý. Có thể cho con dùng điện thoại để vừa học vừa chơi. Khi cho con sử dụng điện thoại cha mẹ cũng nên kiểm soát để con không bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu, bạo lực có trên mạng...        
 
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh