Với chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (thôn Thanh Bình 2, xã Bình Thạnh, Đức Trọng), móc dường như là niềm đam mê bất tận. Cùng với sự thông minh, sáng tạo, dưới đôi bàn tay khéo léo của mình, Hân đã kết hợp tài tình những sợi len cùng với những chiếc nắp lon bia, nước ngọt, "hô biến" chúng thành những chiếc giỏ xách xinh xắn, đáng yêu và độc đáo!
Với chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (thôn Thanh Bình 2, xã Bình Thạnh, Đức Trọng), móc dường như là niềm đam mê bất tận. Cùng với sự thông minh, sáng tạo, dưới đôi bàn tay khéo léo của mình, Hân đã kết hợp tài tình những sợi len cùng với những chiếc nắp lon bia, nước ngọt, “hô biến” chúng thành những chiếc giỏ xách xinh xắn, đáng yêu và độc đáo!
|
Ngọc Hân và các chị em trong thôn đang tất bật làm việc để giao hàng cho khách |
Thành quả của sáng tạo
Lúc chúng tôi đến thăm, Hân đang cùng với các chị em trong thôn thoăn thoắt đôi bàn tay, tất bật hoàn thành sản phẩm để kịp giao hàng. “Mẹ em vốn là người phụ nữ rất giỏi nữ công gia chánh, đặc biệt là đan, móc. Có lẽ, em thừa hưởng gene này từ mẹ nên ngay từ nhỏ em đã tập tành móc và móc cũng khá đẹp. Hồi đó làm gì có tiền mà mua len, nên chỉ biết nhặt nhạnh từng chút len vụn một để học!” - Ngọc Hân mở đầu câu chuyện. Hân kể tiếp, sau này, khi lập gia đình, bất cứ thời gian rảnh trong ngày là Hân lại ngồi móc áo cho con, rồi khi cuộc sống khó khăn, móc cũng chính là nghề nuôi sống mẹ con Hân qua ngày..
Cách đây khoảng chừng 3 năm, lúc đang mang bầu, do ốm nghén không đi làm được, nên Hân ở nhà nuôi heo, nội trợ. Quẩn quanh mãi cũng buồn, Hân mua sách dạy các kiểu móc về coi, thấy các mẫu túi xách rất đẹp. Sẵn có một thời gian có kinh nghiệm làm việc lại trường mầm non, phụ các cô giáo tái chế các sản phẩm bỏ đi phục vụ việc học,vậy là Hân nghĩ, tại sao mình lại không thử kết hợp giữa len và những nắp lon bia, nước ngọt để tạo ra những chiếc giỏ xách? Nghĩ là bắt tay vào làm ngay. Hân kết hợp cùng với những nắp lon bia, nước ngọt kiếm được, sau một thời gian mày mò, sản phẩm đầu tiên ra đời. “Nói thì dễ, nhưng làm thì không dễ chút nào! Bởi, khó nhất là công đoạn tìm kiếm, rồi mài dũa từng nắp lon bia, nước ngọt, sao cho thật tỉ mỉ và cũng mất rất nhiều thời gian. Từ lúc bắt tay vào móc giỏ xách bằng lon bia, đi đâu, thậm chí đang đi giữa đường mà nhìn thấy lon là em dừng lại lượm. Mà lúc đầu, em chỉ nghĩ tới việc kết hợp nắp lon bia, nước ngọt với len thôi, nhưng cả một cái lon bia, nếu chỉ sử dụng được chừng đó rồi vứt đi thì phí quá, vậy là lại nghĩ tới việc “trưng dụng” thêm cái đít lon. Mà cái đít lon bia, nước ngọt muốn vuông vắn, tạo thành sản phẩm đẹp thì rất mất công, nào mài, dũa, nào đục lỗ, nào cắt gọt… Mà những công đoạn như mài, dũa, đục lỗ em phải huy động chồng, con cùng làm; riêng cái khoản cắt gọt sao cho vừa thì em lại không thể giao cho ai được, vì chỉ có mình em mới biết được cắt bao nhiêu thì vừa”- Hân vừa thoăn thoắt bàn tay vừa cho biết.
Tạo việc làm cho nhiều chị em
Sau sản phẩm đầu tiên đó, những sản phẩm tiếp theo với biến tấu kết hợp giữa len và nắp lon do Hân làm ra đến đâu, đều được người thân, bạn bè mua hết. Thấy vậy, chị em trong gia đình Hân đều học cách làm. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều chị em trong thôn cũng tìm tới học nghề để kiếm thêm thu nhập. “Thấy cháu Hân biết móc nên có chị em nào trong thôn muốn làm thêm tôi đều giới thiệu tới Hân để học hỏi” - cô Nguyễn Thị Dung - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Thanh Bình 2 cho biết.
Từ chỗ chỉ có một vài chị tham gia lúc đầu, đến nay, mô hình này đã thu hút khoảng 15 chị em, trong đó, có 10 hội viên tham gia thường xuyên. Với thu nhập trung bình từ 1,5-2 triệu đồng/tháng cũng giúp các chị em có thêm “đồng ra đồng vào” trang trải cuộc sống. Chị Vũ Hoàng Diệu cho biết: “Sáng, tôi tranh thủ bán ngoài chợ, rồi nuôi tằm, may. Hơn một năm nay, tôi tham gia mô hình móc cùng với Hân và các chị em, mỗi tháng vừa có thêm thu nhập, lại không tốn nhiều thời gian vì tôi chỉ làm vào buổi tối khi đã xong xuôi mọi việc. Nói thật là càng làm càng thấy thích”. Nói thêm về mô hình này, chị Trần Hoàng Anh Thư - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thạnh cho biết: “Cùng với các mô hình như nuôi ong sữa, nuôi tằm, nuôi gà thì hơn 1 năm nay, mô hình này đã giúp một số chị em có thêm thu nhập”. Hiện tại, sản phẩm làm ra không kịp để giao cho khách, và Hân mong muốn được mượn thêm vốn đầu tư máy móc để khoan, cắt, đục nắp lon… vì hiện tại, các công đoạn trên đang làm thủ công, rất mất công. “Nếu có đầu ra ổn định và có máy móc hỗ trợ, nghề này cũng sẽ tạo thêm việc làm và thu nhập cho nhiều chị em trong thôn hơn nữa” - Hân nói.
THY VŨ