Hiện nay, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của toàn xã hội, không chỉ ở phạm vi một tỉnh nào mà là trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn, từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, cho đến sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải đề cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường nông thôn.
Hiện nay, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của toàn xã hội, không chỉ ở phạm vi một tỉnh nào mà là trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn, từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, cho đến sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải đề cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường nông thôn.
|
Rác được chất đầy ven con đường qua thôn 4, xã Lộc Tân (Bảo Lâm). Ảnh: TRỊNH CHU |
Rất nhiều địa phương ở các vùng nông thôn, thậm chí là ở cả các vùng miền núi cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Rác thải chủ yếu do người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi, từ đường thôn, ngõ xóm đến kênh, mương, ao, hồ, sông, suối..., chỗ nào tiện và gần cũng có thể vứt rác, đổ chất thải sinh hoạt. Trong khi đó, dịch vụ vệ sinh môi trường ở nông thôn hiện chưa phát triển đúng mức, cùng với đó, cấp ủy, chính quyền một số các địa phương chưa thật sự quan tâm đến vấn đề rác thải. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức bảo vệ môi trường của mọi người không cao, một bộ phận nhỏ có tư tưởng “sạch riêng, bẩn chung”, môi trường phải chịu. Một vấn đề nữa là đa phần người dân chưa biết cách hoặc không quan tâm đến việc tự xử lý phân loại rác dẫn đến việc chôn lấp, thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn trong khi đại đa số các vùng dân cư nông thôn thì chưa có cơ sở thu gom xử lý rác thải, hoặc có thì cũng manh mún nhỏ lẻ và tự phát.
Song song đó, vấn đề mất vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay một phần do lượng lớn rác thải các chợ vùng nông thôn, nơi sinh ra đủ các loại rác mà chưa có biện pháp thu gom xử lý, chủ yếu quét dọn lại một chỗ rồi để khô đốt hoặc cho phân hủy tự nhiên, nên ảnh hưởng nặng nề cho môi trường chung của địa phương. Đó là chưa kể lượng rác, chất thải trong chăn nuôi, đa phần chất thải gia súc, gia cầm không qua xử lý cứ vô tư thải ra rãnh nước đường làng, mương máng, sông, ao, hồ. Gặp trời mưa, chỗ nào thuận thì trôi đi, còn trời nắng thì bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi để ruồi, muỗi, các ký sinh trùng gây bệnh phát sinh, phát tán vào không khí và nguồn nước; nước thải ngấm vào nguồn nước ngầm, nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao. Hiện nay, từ môi trường nông thôn cho đến thành thị, còn bị đe dọa bởi tình trạng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... trong sản xuất các loại rau, củ, quả. Điều này rất có hại cho sức khoẻ con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống trong hiện tại cũng như lâu dài. Vì thế, người sản xuất cần nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường nói chung và môi trường nông thôn nói riêng là việc làm thiết thực nhất của bà con hiện nay.
Một số địa phương, trong đó đa phần là các vùng dân cư ven các đô thị lớn, các thị trấn, thị tứ huyện lỵ..., mặc dù đã có những biệp pháp xử lý (thu gom rác tập trung để chôn lấp; xây dựng lò đốt rác mini tại các tổ, thôn, bản...) nhưng kết quả mang lại chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và không khí. Để xử lý triệt để và hiệu quả vấn nạn rác từ mỗi hộ gia đình, tổ chức... cần phải phân loại rác thành ba nhóm: Nhóm vô cơ không thể tự phân hủy, bao gồm: sành, sứ, xỉ than, gạch... đây là những thứ không thể tái chế, đưa đi chôn lấp. Nhóm rác có thể tái chế bao gồm: giấy, kim loại, vỏ hộp, nilon, chai nhựa... dồn lại bán tái chế. Nhóm rác hữu cơ là các loại rác thực phẩm sau khi chế biến như: đồ ăn, rau, củ, quả... bỏ riêng để chế biến thành phân hữu cơ, hoặc đơn giản nhất là mỗi gia đình có thể đào một cái hố đổ vào đó chúng tự phân hủy thành phân bón cho cây trồng rất tốt. Muốn làm được điều này mỗi hộ gia đình cần phải có hai thùng (xô) đựng rác riêng biệt và khi bỏ rác vào thùng cần phân loại ngay, tạo thuận lợi khi xử lý về sau.
Đừng nghĩ vấn đề rác thải nói chung, rác thải tại vùng nông thôn nói riêng là vấn đề nhỏ, khi mà khu vực nông thôn ngoài sản xuất nông nghiệp còn là nơi phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn lưu giữ phát huy giá trị các làng nghề..., để thu hút du khách mà môi trường không đảm bảo thì “rác thải” vùng nông thôn sẽ là vấn nạn lớn ngăn cản sự phát triển. Nếu không coi trọng vấn đề này sẽ là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tiến độ phát triển xã hội, do vậy phải có cách nhìn thấu đáo tổng thể về vấn đề này, đưa ra giải pháp kịp thời để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người dân trong cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn của mình nói chung.
Thiết nghĩ, nỗi lo rác thải và vệ sinh môi trường không của riêng ai. Nhiều địa phương trong cả nước đã có nhiều biệp pháp triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa đủ mạnh. Đã đến lúc cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm đến vấn đề này; ra chỉ thị, nghị quyết chuyên đề sau đó triển khai tuyên truyền sâu rộng thực hiện thống nhất trong việc phân loại, thu gom xử lý rác thải, là cơ sở pháp lý để các địa phương xây dựng quy định, quy chế, quy ước, hương ước trong việc xử lý rác thải hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho các vùng nông thôn.
NGUYỄN ANH