Vạch mặt 2 thói quen gây ra 2/3 số ca tử vong mỗi năm

09:09, 09/09/2016

Theo TS Trương Đình Bắc - Cục Phó Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% số ca tử vong ở Việt Nam hàng năm và ngày càng gia tăng.

Theo TS Trương Đình Bắc - Cục Phó Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% số ca tử vong ở Việt Nam hàng năm và ngày càng gia tăng.
 
Các bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng y tế.
Các bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng y tế.

Uống bia rượu vô địch
 
Trước tình hình bệnh không lây nhiễm đang gia tăng từ năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã nhận định: Cuộc chiến với bệnh không lây nhiễm sẽ trở thành thách thức và gánh nặng với toàn cầu và khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.
 
Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng cùng với Tổ chức Y tế thế giới ở Việt Nam, hiện nay tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam thực sự đáng báo động. 77,3% nam giới và 11% nữ giới hiện tại đang sử dụng rượu bia. Theo điều tra, kết quả chung cho cả hai giới là 43,8% và có xu hướng gia tăng theo thời gian. 
 
Có 44,2% số nam giới và 1,2% số nữ giới uống rượu bia ở mức nguy hại: Mỗi lần trên 6 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn bằng 30ml rượu 40 độ hoặc 1 vại bia, 100ml vang)
 
Có tới 45% số người sau khi uống rượu ở mức nguy hại đã điều khiển các phương tiện giao thông. 
 
Theo điều tra, số người chưa bao giờ uống rượu bia ở nam giới chỉ có 3%, nữ giới là 41%. 
 
Bà Phạm Hoàng Anh, tổ chức HealthBridge Canada, nhận định, hiện nay tình trạng rượu bia ở Việt Nam trở thành vấn đề nan giải. 
 
Việc tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá hiện có hiệu quả hơn. Nhưng với rượu bia, được quảng cáo rầm rộ, quảng cáo trên truyền hình vào giờ vàng và các chương trình khác khiến việc sử dụng rượu bia trở nên phổ biến. 
 
Ngoài ra, theo bà Hoàng Anh, giá bán rượu bia ở Việt Nam rất rẻ nên người dân vẫn có thể mua uống. Vì thế, số bệnh nhân bị xơ gan, ung thư gan, tim mạch… và hàng trăm bệnh khác đến từ bia rượu vẫn càng ngày càng tăng lên.
 
Thiếu rau xanh
 
Việt Nam là một nước nhiệt đới, rau rất phong phú nhưng thật lạ, có tới 57% người trưởng thành thiếu rau xanh và trái cây. 
 
So với khuyến cáo của WHO là 400g/ngày nhưng người Việt lại thiếu rau xanh với tỷ lệ: Nam giới 63% và nữ giới là 51%.
 
Bữa cơm thiếu rau xanh, trái cây trở thành vấn nạn gây nên nhiều bệnh khác nhau, nhất là các bệnh lý về ung thư đường tiêu hóa, tim mạch cũng như bệnh tiểu đường.
 
Cùng với nhu cầu rau xanh, trái cây bị thiếu hụt trong thực đơn, những người trưởng thành cũng rất lười tập thể dục. Nữ giới vướng phải điều này nhiều hơn nam giới. Chuyên gia y tế của Tổ chức y tế WHO cho rằng, do phụ nữ Việt Nam bị việc nhà “xoay vòng” khiến họ không có thời gian để luyện tập.
 
Thói quen này chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý ung thư, tim mạch ở Việt Nam tăng cao so hơn với trước. Các bệnh này chiếm 2/3 số ca tử vong trên cả nước và là gánh nặng với ngành y. 
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc huyết áp, 2,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản. Con số bệnh nhân ung thư được cập nhật mỗi năm khoảng 125 nghìn người mắc mới. 
 
Tăng huyết áp là bệnh hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác khiến hàng trăm ngàn người tàn phế, mất sức lao động mỗi năm. Đái tháo đường là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong khi có các biến chứng suy thận, hần kinh, viêm loét chân thậm chí phải cắt bỏ chân vì đái tháo đường.
 
Các nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm chưa được xác định cụ thể mà người ta chỉ đưa ra được các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như do lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng, ít vận động. Theo TS Bắc các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề, suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
 
Gánh nặng chi phí để điều trị bệnh không lây nhiễm này lên đến cả tỷ USD. Trong khi đó, độ tuổi từ 30 – 70 là độ tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất.
 
(Theo infonet.vn)