Một gia đình quyết định bỏ thai vì họ không muốn có con gái. Một người đàn ông xắn tay làm việc nhà và chăm sóc con bị chế giễu vì làm "việc của đàn bà". Con gái không cần học cao, chỉ cần đảm đang để sau này lấy chồng là đủ. Đàn ông thì được thăng tiến, phụ nữ không đủ mạnh để trở thành lãnh đạo… Những điều này là bình thường hay bất thường, theo bạn?
Một gia đình quyết định bỏ thai vì họ không muốn có con gái. Một người đàn ông xắn tay làm việc nhà và chăm sóc con bị chế giễu vì làm “việc của đàn bà”. Con gái không cần học cao, chỉ cần đảm đang để sau này lấy chồng là đủ. Đàn ông thì được thăng tiến, phụ nữ không đủ mạnh để trở thành lãnh đạo… Những điều này là bình thường hay bất thường, theo bạn?
|
Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của mọi người, đặc biệt là giới trẻ |
Đó là những câu hỏi và vấn đề được ông Dennis Curry - Trợ lý Giám đốc Quốc gia, Trưởng phòng quản trị công Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đặt ra cho các bạn sinh viên tại trường Đại học Đà Lạt trong chương trình Ngày hội chung tay xóa bỏ định kiến giới lần thứ 7, mới đây tổ chức tại Đà Lạt. Chương trình do báo Sinh viên Việt Nam và UNDP phối hợp tổ chức trong khuôn khổ chiến dịch #HowAbnormal - Bình thường hay bất thường.
Định kiến giới là định kiến xã hội dựa trên cơ sở giới tính. Đó là những cái nhìn cũ kỹ và phiến diện về khả năng của con người. Nó có ảnh hưởng lớn hơn đối với phụ nữ trong xã hội ngày nay, vẫn hằng ngày diễn ra trong cuộc sống mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra. TS Nguyễn Duy Mậu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt nói: “Những định kiến đang kìm hãm cả nam giới và nữ giới trong những khuôn khổ nhất định. Việc xóa bỏ định kiến về giới là một xu hướng trên thế giới và nó cần thiết để mọi người đều được phát triển như nhau. Ngày hội hôm nay thu hút đông đảo các sinh viên, không chỉ sinh viên Trường Đại học Đà Lạt mà còn sinh viên các trường khác trên địa bàn. Các bạn sẽ là những người tiên phong trong công tác tuyên truyền về giới, bất bình đẳng về giới”.
Ông Dennis Curry đã nói với sinh viên: “Xin hãy dành chút thời gian suy nghĩ về những điều trên. Bạn có thấy nó bình thường hay không? Bạn bè, người thân của bạn đã bao giờ bị kìm hãm bởi những khuôn mẫu đó chưa? Việc xóa bỏ định kiến giới bằng hành động, dù lớn hay nhỏ cũng đều thúc đẩy bình đẳng và chấm dứt phân biệt. Nếu bạn là nam, bạn có thể san sẻ việc nhà cho người thân. Nếu bạn là nữ, bạn có thể đấu tranh để được đối xử công bằng nơi làm việc”.
Hơn 3.000 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng tại Đà Lạt có mặt trong ngày hội không khỏi xúc động bởi những thước phim của ban tổ chức về những nghịch lý vẫn đang diễn ra hằng ngày. Bạn Vũ Thị Nương (sinh viên năm I, khoa Quốc tế học, Trường ĐH Đà Lạt) tâm sự: “Những hình ảnh trong phim thực sự khiến mình “nổi da gà”. Quanh mình vẫn hiện những điều như thế, và mình cũng đã từng nghĩ chúng là bình thường, cho đến hôm nay. Trong gia đình mình cũng có đôi chút phân biệt giữa bố mẹ, anh em. Mình sẽ cố gắng để có thể giúp mọi người thay đổi phần nào nhận thức, ít nhất cũng phân biệt được hành động nào là định kiến giới cần xóa bỏ”.
Bên cạnh đó các bạn sinh viên còn mang đến ngày hội những tiểu phẩm dự thi hài hước nhưng không kém phần sâu sắc. Hóa thân vào ông bố trọng nam khinh nữ với con cái mình, bạn Phùng Công Thanh Phong (sinh viên năm III khoa Sư phạm Ngữ văn Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) đã khiến cho không ít ông bố phải giật mình. Phong kể, trước đây, Phong cũng thường xuyên bắt nạt bạn nữ, nghĩ rằng con gái yếu ớt thì không làm được gì. Phong chia sẻ: “Ban đầu nhận đóng vai ông bố trong phần thi của đội mình đã rất giận và khó chịu. Nhưng sau đó mình nghĩ phải diễn thật tốt để mọi người thấy được thông điệp mà chúng mình muốn gửi gắm. Đó là muốn xóa bỏ định kiến ngoài xã hội thì ngay trong chính gia đình mình cũng phải công bằng với các con”.
Góp mặt tại ngày hội, ông Doãn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam rất bất ngờ khi chương trình thu hút đông đảo các sinh viên tham gia. “Thông qua chương trình lần này, chúng tôi hi vọng các bạn sinh viên ở Đà Lạt sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, không chỉ ở trường mà ngay cả địa phương nơi mình sinh sống. Chúng tôi tin rằng mỗi bạn đóng góp từng chút một thì không chỉ định kiến về giới mà cả những định kiến khác trong xã hội cũng sẽ được chung tay đẩy lùi”, ông Hà khẳng định.
Ngày hội chung tay xóa bỏ định kiến giới còn diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như triển lãm ảnh “Những ông bố Việt Nam”, gian hàng ẩm thực do chính các bạn nam sinh viên thực hiện… Hàng ngàn sinh viên cùng khách mời cũng đã nhiệt tình hưởng ứng và ký cam kết trực tuyến tại https://how-abnormal.antoan.org thể hiện quyết tâm cùng tạo nên những điều bình thường vì một xã hội công bằng và bình đẳng hơn.
Chương trình sẽ còn tiếp tục tại nhiều cụm trường Đại học - Cao đẳng trên toàn quốc nhằm đưa chiến dịch đến gần hơn nữa tới các bạn sinh viên.
HỒNG THẮM