Kể từ khi UBND tỉnh Lâm Ðồng ban hành Quyết định số 1659/QÐ-UBND ngày 11/8/2014 về "Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Ðồng giai đoạn 2011-2020", đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho các đối tượng trong xã hội của Lâm Ðồng vẫn còn nhiều việc đặt ra đối với các ngành liên quan thực hiện.
Kể từ khi UBND tỉnh Lâm Ðồng ban hành Quyết định số 1659/QÐ-UBND ngày 11/8/2014 về “Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Ðồng giai đoạn 2011-2020”, đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho các đối tượng trong xã hội của Lâm Ðồng vẫn còn nhiều việc đặt ra đối với các ngành liên quan thực hiện.
Về hỗ trợ hộ nghèo, Sở Xây dựng Lâm Đồng tiếp tục triển khai Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2016 - 2020). Vẫn tuân thủ quy trình: địa phương bình xét đối tượng, Sở LĐTB&XH thẩm định, Sở Xây dựng làm Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.
|
Những ngôi nhà xây mới cho các đối tượng người có công với cách mạng ở huyện Lạc Dương. Ảnh: M.Đạo |
Tích cực hỗ trợ các đối tượng
Ngày 5/2/2016, Đề án này đã được công bố với tổng số 2.148 căn, trong đó xây dựng mới 1.771 căn và sửa chữa, nâng cấp 377 căn.
Riêng năm 2016, triển khai 322 căn (288 căn xây dựng mới và 34 căn sửa chữa). Mức được hỗ trợ vay 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội; mức hỗ trợ xây dựng mới 25 triệu đồng/căn, sửa chữa nâng cấp 12,5 triệu đồng/căn từ các nguồn huy động xã hội khác… Cùng đó, nguồn cân đối ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng mới 5 triệu đồng/căn, sửa chữa nâng cấp 2,5 triệu đồng/căn. Ngoài mức vay và hỗ trợ này, các hộ còn tự bỏ thêm kinh phí và dòng họ hỗ trợ.
Căn cứ vào thực tế, Sở Xây dựng đã lập 3 mẫu hồ sơ thiết kế, dự toán với quy mô diện tích 24 m
2, 35 m
2 và 45 m
2 gửi các địa phương tham khảo và đây cũng là cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện. Căn cứ Quyết định số 1598/QĐ-UBND ngày 20/7/2016 của UBND tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính đã phân bổ đến các địa phương tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.
Đối với hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng, đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành giai đoạn 1 với 288 căn, trong đó có 182 căn xây dựng mới và 106 căn sửa chữa trên tổng số 309 căn theo đề án được phê duyệt. Có 21 căn (14 căn xây dựng mới, 7 căn sửa chữa) không thực hiện, vì sau khi rà soát rơi vào một trong các trường hợp: đối tượng không phù hợp; không có quỹ đất để xây dựng; đối tượng thụ hưởng chuyển đi nơi khác hoặc đã mất. Như nhiều địa phương khác, Lâm Đồng cũng chưa được Trung ương phân bổ thêm nguồn vốn đối với số lượng chênh lệch 59 đối tượng (từ xét duyệt 4 loại hình đối tượng lên 12 loại hình đối tượng). Để giải quyết, ngày 6/9/2016, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1941/BXD-QLN báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương chủ động bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và cân đối từ nguồn kinh phí được ngân sách của Trung ương cấp hằng năm.
Đối với Lâm Đồng, tỉnh đã chủ động chỉ đạo bố trí tạm ứng từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện và hoàn thành giai đoạn 1. Với giai đoạn 2, sau khi bình xét có tổng số 911 căn (471 xây dựng mới và 440 sửa chữa) tỉnh đã gửi danh sách về Bộ Xây dựng nhưng chưa có phản hồi.
Đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, qua khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, trong năm 2016, nhu cầu toàn tỉnh khoảng 4.694 hộ. Hiện trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 3 dự án đã và đang đầu tư xây dựng. Trong đó, dự án tại 32 Đào Duy Từ với 65 căn hộ đã triển khai thi công; dự án tại số 4 Huyền Trân Công Chúa với 36 căn hộ dự kiến khởi công xây dựng trong tháng 10/2016 và một phần dự án Khu dân cư số 6 Trại Mát chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với 490 căn hộ đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, địa bàn Đà Lạt còn có dự án khu nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang tỉnh tại Khu G2 Lữ Gia và dự án khu quy hoạch nhà ở xã hội và tái định cư cho lực lượng Công an tỉnh tại 11 Hà Huy Tập đang xin chủ trương, lập hồ sơ. Hiện còn một số quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đã có chủ trương nhưng chưa triển khai như Khu dân cư Nguyễn Hoàng với diện tích 54.240 m
2; Khu dân cư đồi An Tôn với diện tích 12.512 m
2.
Đà Lạt cũng đã dự kiến một số khu dân cư bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội khác như: Khu dân cư số 1, phường 8 với tổng diện tích xây dựng khoảng 6,4 ha; Khu dân cư 5B (giai đoạn 2) với diện tích khoảng 4,6 ha. Theo Sở Xây dựng, với quỹ đất này, nếu được đầu tư xây dựng sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn Đà Lạt.
Tiếp tục chung tay cùng tháo gỡ
Thực tế cho thấy, các dự án đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn còn những khó khăn, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, do đó việc bàn giao cho nhà đầu tư triển khai thi công còn chậm. Đối với loại hình nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia. Về loại hình nhà ở sinh viên đã được đầu tư xây dựng nhưng cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ nên dẫn đến hiệu quả sử dụng, khai thác rất thấp và đã tạo những bức xúc trong xã hội rất cần được kiên quyết khắc phục sớm bằng nhiều biện pháp.
Với trách nhiệm của các địa phương, thực tế vẫn chưa chủ động dành quỹ đất sạch để thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong lúc đó, ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn, vì vậy, thời gian qua chủ yếu nhà đầu tư thực hiện nên giá thành sản phẩm tăng.
Trong 3 tháng cuối năm 2016, vẫn còn không ít trở ngại cần đến sự quyết tâm dốc lực của nhiều ngành và các địa phương. Ngày 3/10/2016, UBND tỉnh đã có Văn bản số 6056/UBND-XD chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan quan và các huyện, thành phố. Theo đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư.
Sở LĐTB&XH khẩn trương kiểm tra, rà soát, tổng hợp số lượng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ - TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh. Đồng thời, có trách nhiệm nắm bắt kết quả thẩm định danh sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng từ Bộ LĐTB&XH.
Sở Giao thông Vận tải cần chủ trì, phối hợp UBND thành phố Đà Lạt đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án đường Nguyễn Hoàng, phường 7 cũng như tham mưu đề xuất UBND tỉnh đầu tư các tuyến đường phục vụ người dân đi lại, nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp UBND thành phố Đà Lạt rà soát quỹ đất công để tổ chức đấu giá thu ngân sách hoặc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở; tổ chức rà soát lại diện tích đất công chính xác trước khi công bố tổ chức đấu giá.
Riêng UBND thành phố Đà Lạt phối hợp các chủ đầu tư dự án khu dân cư, dự án nhà ở đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp hiệu quả và đảm bảo tính lâu dài…
MINH ÐẠO