Sinh viên sống thử - hậu quả thật

08:12, 21/12/2016

Bất chấp những lời khuyên của thầy cô, ngăn cản của bạn bè, sự lên án của xã hội, không ít sinh viên tại Ðà Lạt vẫn cứ nhào đến "sống thử" với nhau như thiêu thân, bất chấp những hậu quả đáng tiếc.

Bất chấp những lời khuyên của thầy cô, ngăn cản của bạn bè, sự lên án của xã hội, không ít sinh viên tại Ðà Lạt vẫn cứ nhào đến “sống thử” với nhau như thiêu thân, bất chấp những hậu quả đáng tiếc.
 
Những cuộc tình thiêu thân
 
“Thì cứ thử thôi, hợp thì cưới không thì kiếm người khác. Sống nay chết mai lo nghĩ làm gì nhiều, em chỉ biết sống hết mình cho hiện tại thôi” - Ngọc, một sinh viên năm hai Đại học (ĐH) Đà Lạt thản nhiên khi được hỏi về chuyện sống thử.
 
Không khó để thấy những cặp đôi đang sống theo cách như vậy trong rất nhiều nhà trọ sinh viên tại thành phố này. Họ - như một đôi vợ chồng trẻ - quấn quít với nhau cả ngày, cơm cùng mâm, ngủ cùng giường, ngày ngày ngoài giờ lên trường cô nàng lại lúi húi nấu cơm chàng quanh quẩn nhặt rau, tối đóng cửa sớm mặc kệ mọi người xung quanh có “dòm ngó” hay đàm tiếu. 
 
Rất nhiều nhà trọ không chấp nhận cảnh chướng mắt này. Chủ nhà khi có sinh viên đến thuê phòng thường đưa ra các điều kiện trước trong đó nghiêm cấm việc nam nữ ở chung. Nhưng cũng có không ít những chủ nhà trọ dễ tính, cứ thản nhiên để cho các “thượng đế” ở trọ muốn làm gì thì làm, miễn tới tháng đóng tiền đầy đủ là được.
 
Điều đáng nói nhất là chuyện sống thử dường như ngày càng phổ biến trong giới sinh viên xa nhà tại Đà Lạt. Nga - sinh viên năm hai Trường ĐH Yersin cho biết: “Ở xóm trọ của em, gần một nửa các bạn sống thử trước hôn nhân”. Còn Huyền sinh viên năm tư Trường ĐH Đà Lạt, cười “Sống thử thì có gì đâu ạ, nó phổ biến lắm, 10 phòng tới 8 phòng sống thử rồi!?”.
 
Rất nhiều lý do đưa ra cho việc sống thử. Nào là “đến với nhau bằng tình yêu”, nào là “đang tính chuyện lâu dài”, có người bảo không biết yêu nhau có hợp không nên phải sống thử trước. “Thích thì thử thôi - hợp được thì tiến xa hơn không thì thôi khỏi phải ra tòa li dị mất công” - N.T.H.Y một sinh viên cao đẳng đang sống thử tỉnh bơ. Y khá xinh, cao ráo, má lúm đồng tiền, quê ở  một tỉnh phía bắc vào học tại Đà Lạt, bảo đã sống gần 2 năm với người yêu là người quê Đắk Nông đang học ĐH Đà Lạt. “Nói vậy thôi chứ tụi em hợp nhau lắm” - Y khoe cuối năm học này cả hai tốt nghiệp, Y sẽ theo người yêu về Đắk Nông tìm việc rồi cưới nhau bên đó. 
 
Nhưng không phải cặp đôi sống thử nào cũng đi đến được một kết quả tốt đẹp như thế. L.T.H - sinh viên năm tư ĐH Đà Lạt là một ví dụ. H bảo giấu nhà sống thử với người yêu vì cả hai yêu nhau và cũng vì muốn tiết kiệm bớt chi phí trong những ngày cùng học đại học. Cặp đôi này ở chung nhau trong một căn phòng khá chật, không đủ ánh sáng vào ban ngày, trong phòng lỉnh kỉnh áo quần, nhưng khi hỏi bạn trai đâu thì H buồn rầu “Bỏ đi gần 2 tháng rồi, ra ở riêng rồi”. Bỏ đi nhưng áo quần đồ đạc vẫn chưa đến lấy. Theo H yêu nhau thấy toàn màu hồng, khi ở chung với nhau mới biết “có nhiều vấn đề quá”, mỗi người hầu như chẳng có không gian riêng. Lúc yêu nhau người yêu rất hào phóng, đến khi ở chung với nhau hầu như chỉ mình H lo liệu chuyện cơm nước, còn người yêu tiền phòng chung cũng không có trả. Lúc sau này  rảnh là ra quán cà phê ngồi, bảo là đi gặp bạn, lúc thì thảo luận nhóm, mãi gần đây H mới biết người yêu đã có… bồ mới!
 
Ảnh hưởng lớn đến việc học và cả tương lai
 
Sống thử đã và đang là “mốt” của rất nhiều sinh viên hiện nay tại Đà Lạt. Biện minh cho lối sống của mình là vì tình yêu, là dịp để họ “thử” với nhau trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, nhưng đây có thực là một giải pháp tốt hay không, hay nó chỉ là “cái bẫy” cho bao sinh viên lao vào?
 
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Lâm - Giảng viên Tâm lý học ĐH Đà Lạt, nhiều bạn trẻ hiện nay trong đó có sinh viên nhận thức về cuộc sống vợ chồng trước hôn nhân khá đơn giản, không ít chỉ biết nhắm mắt chạy theo lối “sống cuồng, sống vội” chỉ nghĩ cho bản thân mình, bất chấp hậu quả sau này ra sao. 
 
Là giảng viên đứng lớp dạy học nhiều thế hệ, thạc sỹ Hoàng Đức Lâm kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đau lòng về hậu quả của sống thử mà ông biết. Một trong số đó là N - sinh viên năm thứ nhất quê Nghệ An mà ông từng dạy. Xinh xắn, khuôn mặt đẹp, N được bao chàng sinh viên quây quanh ngay từ khi năm nhất đại học. Thấy các anh chị khóa trước sống thử, N đến năm 2 cũng dọn về sống chung với một chàng sinh viên trong trường học trước mình một khóa với lời hứa hẹn đường mật rằng sẽ cố gắng lo cho N ăn học, ra trường sẽ làm đám cưới.
 
Nhưng chỉ vài tháng sống chung N đã có thai, nghe lời người yêu đến cơ sở y tế nhờ can thiệp. Chỉ chưa đầy một năm, N đã phải đến phòng khám nhiều lần, sức khỏe xuống dốc rất nhanh, người xanh như tàu lá. Thấy người yêu xuống sắc, anh bạn trai khi tốt nghiệp đã tìm đường tháo chạy, N một mình ôm nỗi đau, bỏ học giữa chừng, đi làm thuê. Không lâu sau N lấy lại nét xinh đẹp xưa rồi cũng có chồng. Những tưởng cuộc đời mỉm cười nhưng những lần lỡ dại trước đó đã khiến N hầu như không thể có con được nữa và chính điều này đã làm N bị gia đình chồng hắt hủi. 
 
Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Tân - Giảng viên Khoa Xã hội học ĐH Đà Lạt, sống thử theo ông không góp phần nuôi dưỡng tình yêu - món quà thượng đế ban tặng loài người - như mọi người vẫn nghĩ mà đó chính là “sát thủ” tàn phá nó, làm cho tình cảm con người bị chai sạn, thực dụng, mất niềm tin vào con người, tình yêu, lý tưởng sống... 
 
Theo ông, sống thử để lại những hậu quả rất đáng tiếc cho nữ giới, không chỉ là tâm lý, sức khỏe (khi phái nữ lỡ có bầu, phải sinh con hoặc hậu quả của việc nạo phá thai, sử dụng thuốc tránh thai lâu ngày…) mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập và cho cả tương lai sau này. Chính vì vậy, theo tiến sỹ Tân, những sinh viên xa nhà khi chọn lối sống thử này, nhất là phái nữ, hãy suy nghĩ kỹ về nó trước khi có ý định. 
 
GIA KHÁNH - HOÀI THƯƠNG