Thời điểm này, những cơ sở chuyên gói bánh chưng, bánh tét trên địa bàn huyện Đức Trọng đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng phục vụ dịp Tết cổ truyền.
Thời điểm này, những cơ sở chuyên gói bánh chưng, bánh tét trên địa bàn huyện Đức Trọng đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng phục vụ dịp Tết cổ truyền.
|
Chọn và rửa lá - một trong những khâu quan trọng để có những chiếc bánh chưng, bánh tét ngon. Ảnh: Thy Vũ |
Bánh chưng, bánh tét ngày tết là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt. Bởi thế, trong mỗi gia đình, bánh chưng, bánh tét không thể thiếu khi tết đến, xuân về. Tuy nhiên, ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, con người cũng bận rộn với nhiều công việc thì đa phần người dân lại chọn cách mua vài cặp bánh để thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, dịch vụ gói bánh chưng, bánh tét ngày càng có nhiều người chọn kinh doanh để kiếm thêm thu nhập.
Bác Hoàng Thị Nghĩa (tổ 29, đường Ngô Thì Nhậm, thị trấn Liên Nghĩa) - người gắn bó với nghề gói bánh chưng, bánh tét đã ngót nghét 20 năm nay cho hay, thường, khách đặt lai rai quanh năm, mỗi ngày bác chỉ gói tầm 20-30 chiếc, riêng tết, bác phải gói 7-8 tạ nếp. “Mẹ tôi và bà ngoại tôi là người Bắc Ninh, gói bánh chưng, bánh tét rất ngon, tôi biết tới nghề này cũng là nhờ mẹ và bà. Khi vào đây, mẹ tôi cũng có một thời gian gói bánh bán, khi bà già yếu, tôi nối nghiệp gói bánh của bà cho tới giờ” - bác Nghĩa nói.
Bác Nghĩa cũng cho biết thêm, đến thời điểm này, bác đã nhận đặt trên 20 đơn hàng của khách, chủ yếu là khách quen, đó là cán bộ công chức trong huyện, những người buôn bán ở chợ, giáo viên… và cũng có những khách hàng ở TP Đà Lạt, Di Linh, TP Hồ Chí Minh… Khách hàng của bác, người ít thì đặt đôi ba cặp để thờ, cúng, người nhiều thì đặt 200 - 300 cái.
Khi nghe chúng tôi hỏi về “bí quyết” để có những chiếc bánh chưng ngon, được khách hàng đặt mua từ tết này sang tết khác, bác cười thật hiền bộc bạch, bí quyết quan trọng nhất là khâu an toàn vệ sinh phải đặt lên hàng đầu. Đó là phải rửa lá cho thật sạch, vo nếp cho thật kỹ và chọn đậu, thịt, nếp loại ngon nhất. Luộc bánh cũng phải bằng thùng thiếc để có những chiếc bánh thật xanh.
“Đến thời điểm này, tôi đã không còn nhận đơn hàng nữa vì với tôi, uy tín luôn phải đặt lên hàng đầu nên nếu nhận nhiều quá, làm không kỹ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín” - bác Nghĩa thật lòng chia sẻ.
Cô Trần Thị Thúy Nguyệt (tổ 7, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh) cũng cho hay, cô đến với nghề gói bánh hơn 10 năm nay cũng từ sự “truyền nghề” của mẹ. “Trước, tôi học mẹ chỉ là để gói bánh cho cả nhà ăn những dịp lễ, tết. Sau này, thấy nhu cầu của thị trường nên quyết định gắn bó với nghề này luôn” - cô Nguyệt mở đầu câu chuyện.
Cô Nguyệt cũng nhận gói bánh quanh năm nhưng ngày thường khách đặt cũng chỉ 20-30 cái, có khi cả tháng chẳng có đơn hàng nào. Tết, từ trước ngày 23 tháng chạp, cô đã gọi mối giao lạt, lá để gói bánh và giao kịp ngày khách hàng đưa ông Công, ông Táo về trời.
Cũng theo cô Nguyệt, trên địa bàn thôn Bồng Lai, ngoài cô là người có thâm niên với nghề này thì vẫn còn hơn cả chục cơ sở nhận gói bánh chưng dịp tết. “Cuộc sống càng hiện đại, mọi người dường như tất bật và bận rộn hơn nên lượng người tìm đến với các dịch vụ gói bánh chưng, bánh tét ngày càng nhiều. Có cung, ắt sẽ có cầu nên dịch vụ gói bánh ngày tết ngày càng nở rộ” - cô Nguyệt nói.
Và ngoài bánh chưng, bánh tét chay, mặn, các cơ sở còn bán hoặc nhận làm thêm cả bánh tổ - loại bánh cổ truyền của người Hoa. Thường, vào dịp tết, các cơ sở như của cô Nguyệt, bác Nghĩa nhận gói hơn 1 tạ nếp, với hơn 600 rổ bánh tổ.
Cũng như mọi năm, tết năm nay, chị Lê Thị Giang (thị trấn Liên Nghĩa) tiếp tục đặt mua bánh chưng, bánh tét. Chị Giang chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều là công chức, phải đến 28, 29 tết mới được nghỉ. Lúc đó, nếu biết gói bánh, cũng chẳng còn thời gian đâu mà gói, đằng này lại chẳng biết mô tê gì về “món này”, vậy là chỉ biết “trông cậy” vào dịch vụ gói bánh thôi, vì vừa tiện mà tôi cũng chọn đặt bánh ở cơ sở có uy tín nên chất lượng cũng không phải lo”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các chợ, cũng có rất nhiều điểm bán bánh và nhận gói bánh với giá cao gấp đôi ngày thường, dao động từ 35 ngàn đồng đến 60 ngàn đồng/chiếc, tùy vào trọng lượng của từng loại bánh.
Đây có thể là những người lấy bánh tại các cơ sở sản xuất để bán lại hoặc các hộ vừa sản xuất vừa tiêu thụ. Tuy nhiên, để an tâm về chất lượng và giá cả, khách hàng nên đặt bánh ở những gia đình, cơ sở làm bánh lâu năm, có thương hiệu.
THY VŨ