Bộ mặt nông thôn, đời sống nông dân thay đổi rõ rệt

06:02, 24/02/2017

Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thực hiện theo chu kì 5 năm/lần là cơ sở vững chắc để đánh giá hiện thực đời sống nông dân, sự phát triển nông thôn, nông nghiệp cũng như là cơ sở để định hướng phát triển cho tương lai. 

Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thực hiện theo chu kì 5 năm/lần là cơ sở vững chắc để đánh giá hiện thực đời sống nông dân, sự phát triển nông thôn, nông nghiệp cũng như là cơ sở để định hướng phát triển cho tương lai. Và, sau hơn một năm ráo riết thực hiện, tổng điều tra đã cho thấy một điều, Lâm Đồng đang thực hiện phát triển nông thôn khá phù hợp và hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thăm trang trại rau sạch tại Lạc Dương. Ảnh: D.Quỳnh
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thăm trang trại rau sạch tại Lạc Dương.
Ảnh: D.Quỳnh

Ông Nguyễn Tấn Châu, Cục trưởng Cục Thống kê Lâm Đồng, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong cuộc “Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016” khẳng định, ngay từ những ngày đầu năm 2016, toàn hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới xã, phường đã vào cuộc. Ở cấp tỉnh, tất cả các huyện và 143 phường, xã/147 phường, xã thành lập Ban chỉ đạo, gần 3.500 điều tra viên đã được tập huấn nghiệp vụ để có thể thực hiện tốt nhất công việc điều tra. Qua đó, tiến hành thực hiện điều tra tới tận đơn vị thôn, buôn, khu phố, với tất cả những nơi có hộ dân sống bằng nông ngư nghiệp. Ông Châu cho biết: “Thực mà nói xưa nay chúng ta còn ít quan tâm tới công tác tổng điều tra, nên lần này chúng tôi thực hiện tuyên truyền rất ráo riết, để chính quyền và nhân dân hiểu được tính chất cũng như tầm quan trọng của tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp. Hiểu biết của nhân dân sẽ giúp công tác hoàn thành tốt hơn, chính xác hơn và kết quả tổng điều tra năm 2016 này có thể coi là thành công”. 
 
Tổng số đã có 240.519 hộ ở 12 huyện, thành phố được điều tra với những tiêu chí cụ thể, sát sao theo quy định của Trung ương.
 
Một vài con số cụ thể qua điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản cho thấy, bộ mặt nông thôn Lâm Đồng đã có bước nhảy vọt rõ rệt so với lần tổng điều tra vào năm 2011. Tính đến hết tháng 1/2017, Lâm Đồng có 117 xã có điện, đạt 100% tổng số xã với 978 thôn có điện, đạt 99,59% tổng số thôn, tăng 10 thôn so với 2011, tăng 56 thôn so với 2006, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đạt khoảng 99%. Toàn tỉnh có 117 xã có đường ô tô tới trụ sở, 114 xã được nhựa bê tông hóa, 973 thôn có đường ô tô đi tới UBND xã. Trường mầm non, tiểu học cũng đạt 117 trường/117 xã, hệ thống y tế cũng phủ kín với 100% số xã có trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực. Các tiêu chí khác như tín dụng nông thôn, hệ thống hợp tác xã, làng nghề… đều tăng trưởng tốt. 
 
Thu nhập bình quân đầu người tính đến hết năm 2015 đạt 32 triệu đồng/năm, tăng trên 1,7 lần so với năm 2011. 
 
Đặc biệt, qua cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 cho thấy khá rõ xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của nông thôn Lâm Đồng: hộ nông nghiệp tăng bình quân 1,08%/năm, hộ lâm nghiệp giảm 17,82% và hộ thủy sản giảm mỗi năm 0,56%. Điều này phù hợp với điều kiện tự nhiên của Lâm Đồng là địa phương phát triển rau hoa và cây công nghiệp dài ngày, bên cạnh đó là diện tích đất lâm nghiệp của địa phương giảm 47 ngàn ha. Cơ cấu ngành nghề của hộ khu vực nông thôn cũng thay đổi theo hướng hộ phi nông nghiệp tăng nhanh so với hộ nông nghiệp với tỷ lệ đến tháng 12/2016 là 17,84% so với năm 2011 là 16,26%. Quy mô nhân khẩu bình quân trên một hộ cũng giảm xuống còn 3,82 người so với 4,03 người/hộ năm 2011, đây cũng đánh dấu sự thay đổi tích cực trong bộ mặt nông thôn Lâm Đồng. Ông Nguyễn Văn Yên, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đánh giá: “Mọi chỉ số của Lâm Đồng đều cao hơn chỉ số chung của cả nước và khu vực Tây Nguyên.
 
Đặc biệt, thu nhập của bà con nông dân trong 5 năm qua đã tăng gấp gần 2 lần so với năm 2011, đây là điều đáng mừng cho thấy Lâm Đồng đang phát triển nông nghiệp, nông thôn đúng hướng và chúng ta cần tiếp tục phát huy”.
 
Qua đó đây là căn cứ vững vàng để chính quyền tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với sự phát triển trong tương lai để phát triển khu vực nông thôn.        
 
DIỆP QUỲNH