Mùa cà phê năm nay thôn nhỏ Ðưng Glê như rộn ràng hơn hẳn. Bởi sau 3 mùa rẫy, bà con đã dừng bước chân di cư để trồng cà phê - "gieo hy vọng" cho cuộc sống mới ổn định, ấm no.
Mùa cà phê năm nay thôn nhỏ Ðưng Glê như rộn ràng hơn hẳn. Bởi sau 3 mùa rẫy, bà con đã dừng bước chân di cư để trồng cà phê - “gieo hy vọng” cho cuộc sống mới ổn định, ấm no.
Năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Dự án đầu tư Khu quy hoạch sắp xếp ổn định dân di cư tự do (DCTD) tại thôn Đưng Glê, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông với tổng mức đầu tư trên 31 tỷ đồng và được điều chỉnh lại vào năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 39 tỷ đồng. Tuy vậy, để đưa hết bà con về khu tái định cư cũng là một hành trình đầy gian khó...
|
Bà Chảo Mừ Liều lại mang cặp kính lão, tựa cửa thêu áo mới. Và dường như, trên tay bà, Xuân đã về nhảy nhót theo trên từng đường chỉ đỏ thắm… Ảnh: N.Ngà |
An cư trên đất mới
Trong câu chuyện bất ngờ không hẹn trước với chúng tôi, anh Lý Chảo Hòa (40 tuổi), người dân tộc Dao kể về những năm tháng trước đây: “Cuộc sống ở Tây Bắc vất vả lắm. Cả bản sống cheo leo trên đỉnh núi. Bắp trồng trên núi đá chẳng đủ ăn nên cả nhà kéo nhau vào Tây Nguyên sinh sống với hy vọng đất đai màu mỡ hơn. Nhưng vào đây, sống sâu trong rừng, con cái không có điều kiện đi học đến nơi đến chốn; lương thực trồng cũng chả ai vào được mà mua; đau ốm, sinh đẻ không biết phải làm sao vì ra trung tâm y tế xã xa quá…”.
Còn bà Chảo Mừ Liều (83 tuổi) nhớ lại: “Những ngày còn ngoài Bắc, mỗi độ xuân về, khi hoa đào, hoa mơ nở rộ trên sườn núi cũng là lúc bà con chuẩn bị vui Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng khi đi DCTD, Tết trôi qua lúc nào chẳng hay. Bởi quanh năm suốt tháng quần quật trên nương rẫy”.
Câu chuyện của anh Hòa như dài hơn để chúng tôi hiểu rằng, sau bao năm DCTD vào vùng đất Nam Tây Nguyên, đồng bào dân tộc phía Bắc đã quen với cuộc sống lầm lũi phá rừng làm rẫy. Đám đất này bạc màu thì lại phá đám khác, lại đốt rừng để trỉa bắp, trỉa bo bo. Nhưng nếu về khu tái định cư, với diện tích đất ít, sau vài ba vụ sản xuất đất bạc màu, không có tiền mua phân bón thì lấy đâu ra bắp, ra bo bo nữa… Những lo lắng đó đã khiến nhiều bà con không muốn vào khu tái định cư.
Sau một thời gian vận động, thuyết phục tích cực của chính quyền địa phương, đến năm 2012, bà con đã vào sinh sống ở Ðưng Glê. Nhưng vẫn có một vài hộ chưa quên được tập tục du canh nên bỏ hoang đất và rời đi “vào một đêm trăng sáng”, ông Lý Ngài Sếnh - trưởng thôn đã nói với chúng tôi như thế.
Đã ba năm trôi qua, hàng tuần, tổ công tác của xã Phi Liêng đều vào thôn và đến thăm hỏi từng nhà. Ông Hoàng Trần Phú Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phi Liêng nói: “Cứ chiều thứ năm hàng tuần, không chỉ có lũ trẻ háo hức mong chờ đoàn với những phong kẹo, gói bánh mà cả những người lớn cũng trông ngóng để hỏi cách làm chứng minh thư, làm hộ khẩu, cách diệt trừ sâu bệnh làm xoăn lá cà phê… Bởi thế lỡ có bận việc gì, không cùng đoàn vào thôn được lại cứ thấy áy náy với bà con”.
Đưng Glê hiện có 141 hộ/668 khẩu dân DCTD sống ổn định. Trong đó, chủ yếu là bà con dân tộc Mông và Dao. Bên cạnh việc được cấp đất rẫy, đất ruộng, bà con còn hỗ trợ cây trồng, vật nuôi như cà phê, chuối Laba, bò…
Ngoài ra, các công trình cơ sở hạ tầng tại dự án đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong và ngoài dự án lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đời sống của các hộ dân sau khi được đưa về Đưng Glê đã được cải thiện rõ rệt. Khi mới được đưa vào dự án, 100% hộ dân là hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn; đến nay, một số hộ dân đã vươn lên thoát nghèo có cuộc sống ổn định. Thu nhập bình quân của người dân ở Đưng Glê hiện đạt gần 15 triệu đồng/người/năm. Đó là con số “mơ ước” của bà con trong suốt những tháng ngày du canh du cư.
|
Xác định thành lập ở Đưng Glê một chi bộ Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ bà con an cư, lạc nghiệp; đồng thời, phát triển được những đảng viên tại chỗ làm người đi trước cho “làng nước theo sau”, năm 2013, Chi bộ thôn Đưng Glê đã được thành lập. 4 đồng chí đảng viên được điều vào tăng cường, trong đó có Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đồng chí Lê Hồng Phong - cán bộ khuyến nông xã đảm nhiệm vị trí Bí thư Chi bộ. Đến nay, Chi bộ thôn Đưng Glê đã phát triển được 2 đảng viên tại chỗ gồm đồng chí Lý Ngài Sếnh và đồng chí Đặng Văn Niên - người uy tín trong thôn.
Các đảng viên trong chi bộ luôn tiên phong đi trước, làm trước, đồng thời tích cực vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt kết hợp với chăn nuôi... Anh Đặng Văn Phong (dân tộc Dao) phấn khởi khoe rằng: “Cà phê của bà con trong thôn mùa này đã chín bói rồi đấy. Mới chỉ được gần 3 - 5 tạ/sào thôi, nhưng bà con cũng ưng cái bụng lắm”. Trưởng thôn Lý Ngài Sếnh còn không quên nói thêm, ngày xưa di cư, bà con phá rừng làm rẫy. Nay về khu tái định cư, có hộ khẩu rồi bà con được nhận khoán và bảo vệ rừng với tổng diện tích 200 ha. Bà con có thêm nguồn thu nhập và hơn hết là họ có ý thức giữ gìn và bảo vệ rừng.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Đưng Glê giờ đây không còn sinh con nhiều như ông bà trước nữa. “Chỉ sinh hai con thôi, sinh nhiều không đủ ăn thì làm sao cho bọn trẻ đi học được” - chị Chảo Mừ Diện đã nói với chúng tôi như thế. Giờ đây lũ trẻ ở Đưng Glê ngày ngày đến trường say mê cùng con chữ. Còn bố mẹ các em cần mẫn trên rẫy mỗi ngày cho cuộc đời bớt những ngày gian khó. Đưng Glê mùa này vắng vẻ, bởi bà con đều trên rẫy thu hoạch cà phê. Trong những ngôi nhà kiên cố không cần khóa cửa là những bao tải cà phê đầy căng được chất lên nhau. “Có cà phê rồi, cái Tết này của bà con chắc sẽ đủ đầy hơn”, vị trưởng thôn nói trong ánh mắt chan chứa nụ cười. Niềm vui ấy như đang lan tỏa cho những người khách lạ cũng vui lây.
|
Chị Chảo Mừ Diện hân hoan bởi vụ cà phê chín bói đầu tiên. Ảnh: N.Ngà |
Tết nhà lớn
Nếu những ngày di cư bà con “quên” mất Tết Nguyên đán, thì mấy năm ở Đưng Glê, cái Tết lại về. Mặc dù không còn đậm chất như Tết ông bà xưa, nhưng những nét đặc trưng nhất vẫn được bà con gìn giữ.
Trong câu chuyện với những người già ở Đưng Glê, chúng tôi biết rằng Tết cuối năm người Dao gọi là Tết nhà lớn. Đó là dịp để con cháu trong gia đình, dòng họ xóa bỏ hết những mâu thuẫn trong năm cũ, đón chào một năm mới vui vẻ, đoàn kết hơn. Trong Tết nhà lớn, những mâm cơm dâng lên cúng tổ tiên của người Dao, lễ vật không thể thiếu là gà luộc với xôi hoặc cơm trắng. Chỉ vào đàn gà đang bới đất kiếm ăn dưới hàng mía, bà Liều cười vui: “Bà con người Dao mình ở đây đã bắt đầu nuôi lợn, nuôi gà từ tháng 7, tháng 8 và để dành những thúng thóc nếp ngon nhất cho ngày Tết rồi. Đến khoảng ngày 20 tháng Chạp, là bà con không đi rẫy nữa, ở nhà chuẩn bị đón Tết thôi”.
Tết đến, Xuân về cũng là dịp để chị em phụ nữ Dao được khoe những “bộ cánh” mới do chính mình thêu thùa. Nhưng ở Đưng Glê dịp này, các chị, các mẹ đều lên rẫy hoặc đi làm công. Các bé gái nhỏ thì tới trường, chỉ có những cụ bà như bà Liều ở nhà, tựa cửa và thêu thùa khăn, áo cho gia đình đón Tết.
Cũng như người Dao, người H’Mông ở Đưng Glê cũng chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Những người Mông lớn tuổi trong thôn nói rằng: “Khoảng 26 tháng Chạp là bà con mình không đi rẫy nữa mà ở nhà chuẩn bị Tết. Khi đó, mỗi người mỗi việc, phụ nữ miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người thân trong gia đình diện Tết”.
Tết người H’Mông phải có bánh dày tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Khi Xuân về, những người H’ Mông lại lấy những thúng gạo nếp ngon nhất đã dành sẵn cho ngày Tết để ra làm bánh dày.
Thời còn trẻ, đã từng là tay làm bánh “thiện nghệ”, già Mù Pưa Sử nhớ lại: “Để có bánh dày, nếp được đồ cho thật dẻo rồi đổ ra máng gỗ và dùng chày gỗ để giã. Các chàng trai khỏe mạnh thay nhau vào giã. Càng về cuối thì càng phải giã đều và mạnh hơn để bánh thật nhuyễn. 6 cặp bánh đầu tiên gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm được dâng lên trời - đất và vị thần mùa màng”. Cách quê cũ hơn ngàn cây số, nhưng những người trẻ ở Đưng Glê hôm nay vẫn giữ gìn được tập tục này để tiếng chày làm bánh dày lại rộn vang ngày Tết đến.
Không có những sườn núi ngập màu hoa ban, hoa đào, hoa mận báo hiệu mùa Xuân Tây Bắc. Nhưng trông ánh mắt hân hoan của những con người ở Đưng Glê mới thấy rằng không khí Tết Nguyên đán đã sớm về ngập tràn ở thôn nhỏ. Bà Chảo Mừ Liều lại mang cặp kính lão, tựa cửa thêu áo mới. Và dường như, trên tay bà, Xuân đã về nhảy nhót theo trên từng đường chỉ đỏ thắm…
NGỌC NGÀ