Khoai tây và bánh mì nấu chín ở nhiệt độ cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ở những người ăn chúng thường xuyên.
Các nhà khoa học của chính phủ Anh cho biết, khoai tây và bánh mì nấu chín ở nhiệt độ cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ở những người ăn chúng thường xuyên. Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) cho biết một chất gọi là acrylamide, được sinh ra khi các loại thực phẩm giàu tinh bột được rang, chiên hay nướng ở nhiệt độ cao, có thể gây ung thư ở động vật.
|
Bánh mì, khoai tây được nấu chín ở nhiệt độ cao có thể gây ung thư |
FSA cho rằng, để giảm bớt sự nguy hiểm, người tiêu dùng nên nấu các loại thực phẩm ở nhiệt độ thấp hơn và ăn chúng khi chúng được nấu chín thành một màu vàng thay vì màu nâu. "Từ các nghiên cứu ở động vật cho thấy, acrylamide tương tác với ADN trong các tế bào, từ đó có khả năng gây ra ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa acrylamide và ADN trong cơ thể người”, các nhà khoa học cho hay.
Cơ quan quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới Nghiên cứu Ung thư coi acrylamide là một chất có thể gây ung thư ở con người, nguy hiểm tương đương như các chất steroid đồng hóa, thịt đỏ, nước quá nóng hoặc công việc của thợ làm tóc.
Các nhà khoa học trong nước ta cũng đã liệt kê tên các chất ung thư phổ biến ở Việt Nam bao gồm: dioxin, formon, hàn the,...
Dioxin là một chất được xếp vào loại cực độc. Việc đốt cháy túi nilon từ các hoạt động của con người là một trong các nguồn phát sinh chủ yếu của dioxin. Đây là chất ít tan trong nước, tồn tại nhiều và lâu ở đất, qua đó xâm nhiễm qua con đường thực phẩm, vào thực vật, tôm cá, rau quả và cuối cùng được con người hấp thụ. Ngoài ra, dioxin cũng có thể gây ngộ độc trực tiếp do hô hấp, qua da do tiếp xúc hoặc qua nước uống. Nếu liều lượng cao, dioxin có thể gây độc cấp tính, nếu liều lượng thấp có thể gây độc mãn tính và ung thư.
Các chất độc từ thuốc trừ sâu và phân hóa học tồn dư trong môi trường đất, nước rồi tích lũy vào sản phẩm nông nghiệp như lúa, khoai, rau quả là những chất có khả năng gây ung thư cao. Ngoài ra, các loại chất bảo quản, diệt nấm mốc hoặc tạp chất sinh ra trong quy trình nuôi trồng, sản xuất hoặc chế biến thực phẩm cũng được coi là một trong những tác nhân hàng đầu gây ung thư.
Chất formon, hàn the là hợp chất hữu cơ rất độc nhưng lại bị lạm dụng trong chế biến các loại thực phẩm thông dụng như bánh phở, hủ tiếu, bún,… để giữ tạo độ dai và lâu thiu. Các chất này làm biến dị các nhiễm sắc thể, có thể gây một số bệnh ung thư như ung thư xoang mũi, họng, phổi, ung thư đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, hàn the khi đưa vào cơ thể, khoảng 20% sẽ tích tụ vĩnh viễn và gây tổn thương các tế bào gan, teo tinh hoàn và là một tác nhân gây nhiều bệnh ung thư. Hàn the có trong bánh cuốn, phở, bún… cũng là một trong các chất có khả năng gây ung thư.
Chất 3-MCPD và 1,3-DCP được tạo ra từ quá trình thủy phân chất béo (váng dầu) bằng dung dịch axit clohydric, có trong nước tương do quy trình công nghệ không hợp lý. Chất này có khả năng biến đổi gen gây nên khối u thận, biểu mô miệng, lưỡi…
Khi bảo quản kém, thực phẩm dễ sinh ra các loại nấm xanh, nấm có mũ… chứa chất aflatoxin. Đây là chất độc gây hại khắp cơ thể nhưng nhiều nhất là gan. Khi xâm nhập vào gan, nó sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan.
Quá trình chuyển hóa của rượu trong cơ thể sinh ra acetaldehyd (Aa). Đây là chất gây biến dị vi khuẩn và các tế bào. Sau thời gian nghiện rượu mãn tính, nồng độ Aa trong máu cao sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư gan và các tổ chức khác trong cơ thể bởi khả năng làm đột biến DNA.
Các chất độc từ thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn gây nguy hại với những người vô tình hít phải khói thuốc, nhất là phụ nữ và trẻ em. Thành phần khói thuốc lá rất phức tạp, có tới hơn 4.000 hợp chất trong đó 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe và 40 chất có thể gây ung thư.
(Theo vietq.vn)