Với người phụ nữ khuyết tật ấy, chưa bao giờ hoàn cảnh khó khăn có thể làm chị chùn bước, mà ngược lại, càng khó khăn, chị càng nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Chị là Lùi Thúy Minh, người dân tộc Thái, ngụ tại thôn Tân Nghĩa, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng và cũng là hội viên Hội Người khuyết tại huyện Đức Trọng.
Với người phụ nữ khuyết tật ấy, chưa bao giờ hoàn cảnh khó khăn có thể làm chị chùn bước, mà ngược lại, càng khó khăn, chị càng nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Chị là Lùi Thúy Minh, người dân tộc Thái, ngụ tại thôn Tân Nghĩa, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng và cũng là hội viên Hội Người khuyết tại huyện Đức Trọng.
|
Chị Minh đang thu hoạch tiêu. Ảnh: Thy Vũ |
Bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, đi lại rất khó khăn, chị bảo, từ khi nhận thức được mình không may mắn như bao người khác, chị rất buồn. Nhưng, chị chưa bao giờ mặc cảm bởi điều đó mà ngược lại, càng nỗ lực để vươn lên, để mọi người không ai phải nhìn chị bằng đôi mắt thương hại.
Quê tận Cao Bằng, năm 1982, khi vừa tròn đôi mươi chị Minh đã chọn mảnh đất Tân Thành làm quê hương thứ 2 để lập nghiệp. Lúc đó, nhà cửa chưa có, chị ở nhờ nhà em họ rồi ngày ngày đi làm thuê.
Rồi chị lại tập tành buôn bán, rồi nuôi heo… Cứ thế, chị thử sức mình với rất nhiều nghề, miễn là lương thiện và có tiền, vất vả và khó khăn thì không thể nào kể xiết. Năm 1996, từ số tiền tích cóp được và vay mượn thêm của người thân, chị mua được 6 sào đất để trồng cà phê và dựng tạm căn nhà tranh có chỗ để tá túc.
Một mình canh tác trên 6 sào đất, vừa thiếu công lao động, bản thân lại tàn tật, chậm chạp hơn người bình thường, lại làm mẹ đơn thân nên khó khăn vì thế vẫn chưa buông tha chị.
“Lúc đó, con còn nhỏ, lại hay đau ốm, một mình tôi vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa cáng đáng mọi việc trong gia đình, có lúc, tôi cũng cảm thấy mình kiệt sức. Nhưng, con gái chính là động lực và là nguồn động viên lớn nhất của tôi. Vì con, sợ con lớn lên không bằng bạn bằng bè, tôi luôn động viên mình phải cố hết sức không biết mệt mỏi” - chị Minh chia sẻ.
Rồi chị lại chắt chiu, dành dụm, vay mượn của gia đình, người thân, mua được thêm 5 sào vườn nữa để trồng tiếp cà phê. Tuy nhiên, năng suất thu hoạch vẫn không cao.
Lại những ngày mày mò, tìm hiểu để làm sao nâng cao chất lượng cà phê, chị không ngại học hỏi những người xung quanh, rồi nghe đâu có cách làm hay, chị tìm đến và chị cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn do cán bộ khuyến nông tổ chức.
Từ những kinh nghiệm có được, năm 2011, chị tiến hành ghép thử 3 sào cà phê, sau một năm thử nghiệm, hiệu quả mang lại rõ rệt, chị lại tự mày mò ghép tiếp 4 sào cà phê nữa và hiệu quả cũng đạt khá cao.
Không những vậy, chị còn cung cấp giống miễn phí và truyền đạt kinh nghiệm mà mình có được cho nhiều chị em trong thôn, xóm. Và chị cũng mạnh dạn phá bỏ cà phê già cỗi chuyển sang trồng thử 1 sào tiêu, đến nay cũng đã cho thu hoạch thường xuyên.
2 năm trở lại đây, khi con gái tốt nghiệp đại học đi làm, gánh nặng kinh tế đã không còn đè lên đôi vai gầy bé nhỏ của chị nữa. Các công nợ cũng đã được trả xong. Thu nhập từ cà phê, tiêu hàng năm cũng đã cho mẹ con chị một đời sống ấm no. Ngôi nhà tranh hôm nào giờ đã thay bằng ngôi nhà xây khang trang, đầy đủ tiện nghi.
Giờ đây, khi ngồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của đời mình, chị vẫn không tránh khỏi xúc động. Chị nói rằng, cuộc đời của chị dù không may nhưng chị đã gặp được nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ mẹ con chị lúc khó khăn.
Và, chị hạnh phúc bởi có một cô con gái biết yêu thương mẹ, luôn cố gắng chăm ngoan học giỏi. Con gái chị nay đã 26 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, em cũng có một thời gian làm ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng thương mẹ một mình ở nhà, một năm trở lại đây, em đã chuyển về làm việc tại TP Đà Lạt để được gần mẹ.
Bản thân chị cũng rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ, Hội Người khuyết tật huyện bởi cũng chính những buổi sinh hoạt ấy đã phần nào giúp chị yêu đời hơn, nỗ lực hơn trong cuộc sống.
“Chị Minh là một tấm gương tiêu biểu, giàu nghị lực, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng để chúng ta học hỏi. Mô hình sản xuất của chị cũng đã được chúng tôi nêu gương và nhân rộng ra trong toàn xã” - chị Triệu Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành nhận xét.
THY VŨ