Ở thôn Quảng Hòa, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương có lẽ chẳng nhà ai nhộn nhịp bằng nhà bà giáo Nhung. Bởi nơi đây ngày nào cũng vang tiếng cười của trẻ. Ở ngôi nhà ấy, lũ trẻ hàng ngày tới thỏa sức vẫy vùng và cười đùa bên hồ bơi nhỏ.
Ở thôn Quảng Hòa, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương có lẽ chẳng nhà ai nhộn nhịp bằng nhà bà giáo Nhung. Bởi nơi đây ngày nào cũng vang tiếng cười của trẻ. Ở ngôi nhà ấy, lũ trẻ hàng ngày tới thỏa sức vẫy vùng và cười đùa bên hồ bơi nhỏ.
|
Lũ trẻ vô tư bơi lội ở bể bơi nhà bà giáo Nhung. Ảnh: N.Ngà |
Xây bể bơi để chữa bệnh
Tình cờ trong chuyến công tác tại xã Quảng Lập, khi ghé qua những con đường xanh, sạch ở thôn Quảng Hòa chúng tôi đã không khỏi bị lôi cuốn và tò mò bởi căn nhà có bể bơi nhỏ và những đứa trẻ với vẻ mặt hớn hở đi ra từ đó để đạp xe tới trường. Ấy là ngôi nhà của bà giáo Trần Thị Nhung.
Bà giáo Nhung kết thúc những tháng năm dài làm giáo viên giảng dạy tại Trường THCS ở xã Ka Đô, Ka Đơn rồi về làm Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, xã Quảng Lập và về hưu vào năm 2015. Gần 60 tuổi đời, sau nhiều năm đứng trên bục giảng, bà giáo Nhung mang trên mình nhiều căn bệnh thường gặp ở tuổi già như thoái hóa khớp lưng, chân và tim mạch. Sau những tháng ngày chữa trị ở các bệnh viện, bà giáo Nhung trở về nhà với lời khuyên của bác sỹ rằng: “Nên tập môn bơi để giảm nguy hiểm từ những căn bệnh này”. Trong khuôn viên khá rộng ở thôn Quảng Hòa, gia đình bà giáo Nhung đã dựng 1 căn nhà để ở, làm vườn và xây dựng một hồ bơi nhỏ vào mùa hè năm 2016 để bơi lội nâng cao sức khỏe. Bể bơi nhỏ khuất sau hàng cây nhưng lũ trẻ trong thôn đi chơi ngang qua đã thấy và mê tít từ đó.
Bà giáo Nhung kể: “Mình không biết bơi, nên chồng và con trai thay nhau tập bơi cho mình. Thấy vậy nên chiều nào lũ trẻ cũng tới đứng ngoài cổng để năn nỉ cho vào bơi. Mình sợ tụi nó bị cảm hoặc tai nạn dưới nước nên có thương cũng nào dám đồng ý”. Và, cánh cổng sắt cũ vẫn đóng ngày này qua ngày khác nhưng những đứa trẻ vẫn không nản lòng. “Mấy chục năm sống với học trò, về hưu rồi nhưng nhiều lúc mình cũng nhớ tiếng trẻ lắm. Vậy mà ngày nào lũ nhỏ cũng đứng năn nỉ ở ngoài, trông chúng đến tội nghiệp, mình không thể chịu nổi rồi cũng xuôi lòng để các cháu vào bơi”.
Rồi lũ trẻ truyền tai nhau và kéo tới nhà bà giáo Nhung ngày một đông. “Mấy đứa lại rơm rớm nước mắt năn nỉ, nên mình đã mềm lòng, thế là từ một vài đứa hàng xóm ban đầu con số đã lên đến gần 20 em nhỏ trong vùng tới xin được bơi”, bà giáo Nhung cười nói.
Mong có địa chỉ cho các cháu bơi lội
Trong câu chuyện của bà giáo Nhung, những ngày còn dạy học ở Ka Đơn, trường học gần suối nên các em đã từng trốn học đi tắm. “Có lần nghe tin các em rủ nhau ra bơi ở suối, các cô giáo vội vàng bỏ cả bữa cơm chạy đi tìm. Mình chạy ra tới suối tìm đâu cũng chẳng thấy, gọi mãi chẳng thấy đứa nào thưa, sợ quá ngồi khóc luôn trên bờ. Hóa ra các em sợ bị cô giáo la nên lặn xuống một đoạn rồi núp sau bụi cây. Thấy cô giáo khóc quá chúng mới lò mò lên bờ. Lúc ấy mình cứ sợ lũ nhỏ bị đuối nước. Rồi gần đây đọc báo thấy nhiều vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em xảy ra, mình càng không cầm lòng được đối với lời năn nỉ của lũ nhỏ”.
Gia đình có bốn người, trong đó 3 người làm công chức nhà nước, ngoài ra còn trồng cà phê và làm vườn nên chẳng bao giờ bà giáo Nhung nghĩ tới việc kinh doanh từ bể bơi. “Gia đình mình chẳng nghĩ gì tới việc kinh doanh, nhưng các cháu đến bơi ngày một đông, bể bơi phải thay nước liên tục. Mỗi lần thay nước cũng tốn 600 - 700 ngàn nên mình đành phải thu mỗi em 5.000 đồng nhưng cho các em bơi thỏa thích”, chị Lam Thao - con gái cô giáo Nhung cười nói.
Chúng tôi ghé nhà bà giáo Nhung khi lũ trẻ đang say sưa tung tăng bơi lội dưới hồ bơi nhỏ. Người lớn tới chơi các cháu chào hỏi rất lễ phép. Ba cậu học trò nhỏ: Nhân, Nghĩa, Lợi học sinh Trường THCS Đinh Tiên Hoàng đang rủ nhau thử các kiểu bơi khác nhau mà chúng học được trên ti vi. Câu chuyện chóng vánh với các em ngay tại hồ bơi chúng tôi biết rằng, trước đây các em bơi lội ở những suối quanh vùng nhưng bố mẹ thường cấm vì sợ tai nạn đuối nước. Bởi vậy chẳng có chỗ nào có thể bơi. Từ ngày có bể bơi của bà Nhung, mỗi ngày các em phụ bố mẹ việc nhỏ và xin 5.000 đồng đến hồ bơi, bơi thỏa thích trước giờ tới lớp.
Được biết, những em ở gần như Nhân, Nghĩa, Lợi tự tới xin bơi, nhưng có nhiều em ở các thôn xa hơn, có em học cấp 2 mà nặng tới gần 60 kg được bố mẹ đưa tới xin cô giáo Nhung cho bơi ở bể bơi để giảm cân, rèn luyện sức khỏe và có phụ huynh còn tha thiết năn nỉ bởi bà giáo Nhung cho các cháu tới tập bơi để gia đình đỡ lo vì sợ cháu đi chơi điện tử. Rồi cuối tuần các cô giáo ở tận Ka Đơn cũng đưa con em ra Quảng Hòa để xin cô Nhung cho các cháu vào bơi.
“Những ngày đầu mình cứ sợ các em đuối nước nên đã chuẩn bị nhiều phao bơi rồi cứ ngồi canh sợ các em té ngã. Lâu dần thành quen mình vẫn thường xuyên ở nhà chẳng dám đi đâu vì sợ các cháu đến không được bơi, lại buồn” - bà giáo Nhung nói. Sau gần một năm những cái phao đã dần được cất đi bởi các em đã không cần dùng tới. Rồi bạn này dạy cho bạn kia những kiểu bơi khác nhau nên kỹ năng bơi của các em đã phát triển hơn hẳn.
Là một nhà giáo đã về hưu, nhưng trách nhiệm của người giáo viên vẫn còn y nguyên trong người phụ nữ này. Tiếp xúc với lũ trẻ hàng ngày bà giáo Nhung vẫn không quên dạy những điều hay lẽ phải và cả kỹ năng sống cho các em. Bà Tám Thông, người dân tại thôn Quảng Hòa nói rằng, mấy đứa nhỏ khi đến nhà cô Nhung chửi thề, cãi vã là bị nhắc nhở ngay. Nếu nhắc hoài vẫn không thay đổi thì cô không cho vào bơi nữa, thế là lũ nhỏ phải tới xin lỗi cô giáo và hứa sẽ sửa đổi.
Đang trò chuyện với chúng tôi, nhưng còn khoảng 15 phút nữa là tới giờ vào lớp nên bà giáo Nhung gọi các cháu lên thay đồ để đi học. Ngày nắng cửa nhà bà giáo Nhung sẽ mở, còn trời âm u thì cổng sẽ bị đóng lại. “Thế là tụi nhỏ hiểu hôm đó không được bơi bởi vì mình đã dặn trước với các cháu rằng trời lạnh các con bơi sẽ bị cảm” - bà giáo Nhung thông tin.
Với số lượng trẻ em tới xin bơi ngày một đông, bà giáo Nhung không giấu niềm mong muốn: “Hy vọng rằng, huyện Đơn Dương rồi sẽ có địa điểm công lập nào đó để các cháu có thể thỏa niềm vui thích bơi lội; góp phần không để xảy ra những vụ đuối nước thương tâm trong lứa tuổi học trò, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, vùng xa còn khó khăn”.
N. NGÀ