Từ Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, cây điều ở ba huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) đang trong giai đoạn ra hoa, đậu trái nhưng do diễn biến thời tiết thất thường, mà đặc biệt là xuất hiện những đợt mưa trái mùa làm cây điều đổ bệnh, hoa bị cháy khô khiến nguy cơ mất trắng mùa điều tới.
Từ Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, cây điều ở ba huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) đang trong giai đoạn ra hoa, đậu trái nhưng do diễn biến thời tiết thất thường, mà đặc biệt là xuất hiện những đợt mưa trái mùa làm cây điều đổ bệnh, hoa bị cháy khô khiến nguy cơ mất trắng mùa điều tới.
|
Hoa điều bị cháy khô do dịch bệnh tấn công. Ảnh: Khánh Phúc |
Mất trắng mùa điều
Theo thống kê của các ngành chức năng 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, chính việc sâu bệnh gây hại tràn lan trên cây điều cùng những đợt mưa cuối mùa và sương muối đã làm năng suất vụ điều năm 2017 giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Ước tính tổng thiệt hại trên cây điều năm nay sẽ lên tới con số hàng trăm tỷ đồng.
Xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) hiện có gần 800 ha điều và cũng là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương này, nhưng các vườn điều của người dân tại đây xơ xác, trên cây chỉ lủng lẳng những chùm hoa bị cháy đen do sâu bệnh và sương muối gây hại. Ông Nguyễn Duy Lực - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc buồn bã cho biết: “Mùa điều năm nay coi như mất trắng rồi. Năm ngoái cũng thời điểm này, điều rất sai trái và có những cây cho đến 15 - 20 kg trái, nhưng năm nay, chỉ được vài kg”.
Theo thống kê, năm nay, riêng xã Phước Lộc năng suất điều giảm tới trên 90% và gây thiệt hại nặng”.
Cũng như người dân Phước Lộc, hàng trăm hộ dân trồng điều khác đang đối diện trước một mùa điều trắng tay.
Ông Lê Hồng Khanh, ngụ tại thôn 11 (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh), ngao ngán: “Năm nay, 3 ha điều của gia đình tôi coi như “xóa sổ” chẳng thu được gì. Hiện, hoa trên cành đã khô và cháy đen hết. Giờ đây, gia đình tôi đang tập trung phun thuốc BVTV để diệt bọ xít muỗi và trị bệnh thán thư cho cây điều để chờ vụ thu hoạch sau. Còn vụ này thì xem như không phải thu”.
Sâu bệnh hoành hành
Hiện nay, diện tích điều canh tác trên đất nông, lâm nghiệp ở Lâm Đồng đang có khoảng 20.000 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở ba huyện phía Nam là Đạ Huoai (hơn 9.000 ha), Đạ Tẻh (8.114 ha) và Cát Tiên (5.550 ha). Theo ngành nông nghiệp các địa phương, năm nay, cây điều trổ bông vào đúng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm này thì ở 3 huyện phía Nam lại xuất hiện những đợt mua trái mùa kèm theo sương muối, bệnh bọ xít muỗi và bệnh thán thư bùng phát và gây hại mạnh trên cây điều.
Bà Nguyễn Thị Thu Thắm, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết: “Thời gian qua, những đợt mưa trái mùa kèm theo sương muối đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây điều tại địa phương. Ngoài việc là yếu tố tác động trực tiếp làm hoa điều bị hư hại cháy khô không thể đậu trái, thì mưa trái mùa và sương muối còn là nguyên nhân chính để bọ xít muỗi và bệnh thán thư bùng phát gây hại trên cây điều. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hiện 100% diện tích điều của địa phương đã và đang bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư tấn công gây hại. Trước thực trạng này, địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh trên cây điều. Tuy nhiên, hiện tại dịch bệnh trên cây điều vẫn không thuyên giảm mà ngày một gia tăng khiến người dân hết sức bất an, lo lắng về một mùa điều trắng tay”.
Qua thống kê của Ngành nông nghiệp huyện Đạ Tẻh thì đến thời điểm này, toàn huyện đang có 7.104 ha/8.114 ha điều bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại; trong đó, có 3.090 ha bị nhiễm bệnh trung bình từ 50 - 70%, 4.790 ha bị gây hại nặng trên 70% và 234 ha bị cháy khô không có khả năng hồi phục và trải đều ở 11/11 xã, thị trấn có cây điều bị sâu bệnh tấn công. Trong đó, nặng nhất là các xã Đạ Kho, Mỹ Đức, Quốc Oai và Hương Lâm. Để giảm thiểu thiệt hại, huyện Đạ Tẻh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh; đồng thời, đề nghị Sở NN - PTNT và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh hỗ trợ thuốc BVTV để diệt sâu bệnh, nhưng hiện tại sâu bệnh hại điều vẫn bùng phát và lan rộng.
Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Đạ Tẻh cho biết: “Thời điểm này, người trồng điều ở địa phương đang áp dụng mọi biện pháp phòng trừ sâu bệnh để cứu cây điều khỏi chết, còn năng suất thì xem như không thể cứu vãn được nữa. Ước tính tổng sản lượng điều bị thiệt hại trên địa bàn huyện vào khoảng 4.162 tấn. Giá trị thiệt hại ước tính vào khoảng 166 tỷ đồng. Vì điều là cây trồng chính của người dân tại địa phương, nên việc mất mùa đang gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của bà con. Trước tình hình này, chúng tôi đang tiến hành thống kê thiệt hại để đề nghị địa phương và tỉnh có biện pháp hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống”.
Cũng giống như Đạ Huoai và Đạ Tẻh, thì tình hình sâu bệnh hại cây điều trên địa bàn huyện Cát Tiên cũng đang diễn biến phức tạp và khó lường. Theo ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Cát Tiên thì đến thời điểm này toàn huyện đã có trên 80% diện tích điều bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại. Hiện điều vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương, nên việc bị sâu bệnh gây hại sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và cuộc sống của người dân địa phương.
Thời điểm này, việc cứu vãn năng suất điều đối với người nông dân xem như đã không còn hy vọng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp các địa phương, để giữ cây điều cho các vụ sau, bà con cần chủ động phòng, chống bọ xít muỗi và bệnh thán thư cho cây điều. Hai loại bệnh này trên cây điều không phải là bất trị, mà người nông dân cần tuân thủ việc phun thuốc BVTV đúng kỹ thuật và đúng liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì sẽ diệt trừ được mầm bệnh gây hại.
KHÁNH PHÚC