Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vừa qua, Sở Công thương Lâm Đồng đã tổ chức Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt từ ngày 19-21/5 nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, thu hút đông đảo người dân địa phương đến tham quan, mua sắm.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa qua, Sở Công thương Lâm Đồng đã tổ chức Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt từ ngày 19-21/5 nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, thu hút đông đảo người dân địa phương đến tham quan, mua sắm.
|
Phiên chợ hàng Việt tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt. Ảnh: Diễm Thương |
Phiên chợ hàng Việt về xã Tà Nung có hơn 50 gian hàng của 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Từ trước kỳ hội chợ, công tác tuyên truyền được chú trọng, số lượng băng rôn, tần suất quảng cáo lưu động, các phương tiện thông tin đại chúng tăng cao, tạo ra sức lan tỏa, sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình trong doanh nghiệp và nhân dân.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hàng hóa bày bán tại hội chợ đều có chất lượng ổn định, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia đã đưa ra nhiều mặt hàng tiêu dùng phục vụ đời sống, các loại hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, điện tử điện lạnh, máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, các sản phẩm truyền thống của địa phương… tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, có giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hồng (thôn 3, xã Tà Nung, TP Đà Lạt) chia sẻ: “Hội chợ không chỉ tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và mua sắm các mặt hàng chất lượng do Việt Nam sản xuất mà còn giúp người dân nhận biết đâu là hàng giả, hàng nhái, các mặt hàng đều rất phù hợp với nhu cầu, túi tiền của người dân. Tôi đến đây mua một số vật dụng gia đình, giá rẻ và nhiều chương trình khuyến mãi. Mong rằng các hội chợ như thế này thường xuyên được tổ chức để người dân có cơ hội mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó biết cách nhận biết hàng chính hãng, phân biệt với hàng hóa kém chất lượng, hàng Trung Quốc phẩm cấp thấp”.
Cũng đang lựa hàng tại gian hàng bán vật dụng gia đình bằng inox của Công ty TNHH Kim Hằng, ông Hoàng Minh Sơn (Thôn 4, xã Tà Nung) cũng cho rằng nhờ các phiên chợ hàng Việt mà ông và các hộ dân ở đây biết nhiều hơn đến các sản phẩm Việt chất lượng cao. Ông Sơn nói: “Hai ngày nay tôi đều ghé hội chợ, tham quan các sản phẩm ở đây, các sản phẩm cần thì mua về cho gia đình còn các sản phẩm điện máy, hàng gia dụng… thì tham khảo để biết sau này cần đến sẽ có thêm thông tin chọn mua. Tôi thấy đây là một chương trình rất hữu ích, không chỉ với người dân chúng tôi mà còn với cả các doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, người dân như tôi được tiếp cận các sản phẩm của các doanh nghiệp của chính địa phương mình mà có những sản phẩm trước nay chỉ thấy trên quảng cáo như diệp hạ châu Cát Tiên, hoa khô, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao”.
Bà Trịnh Thị Thanh - Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Để tổ chức thành công các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, các cán bộ của Sở Công thương đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu thiết yếu về hàng hóa và thu nhập của nhân dân từng địa phương. Từ đó, tiến hành kêu gọi các doanh nghiệp có uy tín, chuẩn bị hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân. Ấn định lịch tổ chức các phiên chợ vào 3 ngày cuối tuần để bà con có thời gian đến tham quan và mua sắm. Đồng thời tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp chi phí đăng ký, lắp đặt gian hàng, một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, điện nước, vệ sinh, an ninh, trang trí chung, khai mạc phiên chợ và chi phí tuyên truyền, quảng cáo tại phiên chợ để thu hút đông đảo người dân đến tham gia và mua sắm. Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt đã thu hút trên 2.000 lượt người dân đến tham quan, mua sắm.
Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Hùng - đại diện Công ty cổ phần Bột giặt Lix cũng cho biết: Đây là cơ hội để doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức khảo sát, nắm bắt thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, trên cơ sở đó cải tiến mẫu mã, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ tốt hơn ở thị trường nông thôn. Không chỉ là các chuyến bán hàng lưu động đơn thuần, thông qua phiên chợ, nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường, phát triển đại lý, mở rộng hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Phát huy hiệu quả qua mỗi lần tổ chức, Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại Lâm Đồng đã trở thành một chương trình thiết thực, nhận được sự quan tâm của người dân và tạo sức lan tỏa trong xã hội.
DIỄM THƯƠNG