Kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xác định mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em thông qua các giải pháp can thiệp và dự phòng có hiệu quả.
Kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xác định mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em thông qua các giải pháp can thiệp và dự phòng có hiệu quả.
|
Tiêm chủng cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng. Ảnh: Diệu Hiền |
Ưu tiên các vùng nghèo, khó khăn, vùng DTTS
Theo Sở Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2017, dự án tiêm chủng mở rộng đã tiêm chủng đầy đủ cho 9.411 trẻ; tiêm viêm gan B trước 24 giờ cho 7.783 trẻ sơ sinh; cho 9.072 trẻ dưới 1 tuổi uống đủ 3 liều vắc xin ngừa bại liệt. Tiêm sởi mũi 2 cho 9.622 trẻ em 18 tháng tuổi, tiêm bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 cho 9.353 trẻ 18 tháng, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1, 2, 3 cho 27.645 trẻ. Tiêm phòng uốn ván 2 mũi trở lên cho 8.953 phụ nữ có thai và 5.090 phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Hoạt động tiêm chủng mở rộng đã giảm sự khác biệt giữa các vùng miền trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Trong kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 và đến 2025 có chỉ tiêu cụ thể là giảm tử vong trẻ em. Phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ trẻ em DTTS dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là dưới 8%O, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 15%O, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 15%. Đến 2020 tỷ suất người mẹ DTTS tử vong dưới 50/100.000 trẻ đẻ sống; có 98% số ca sinh được cán bộ y tế có chuyên môn đỡ đẻ; tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai và phụ nữ sinh đẻ đạt trên 90%; tỉ lệ tăng dân số đạt 1,25%.
Giảm tử vong mẹ
Cũng theo Sở Y tế, toàn tỉnh có 9.635 phụ nữ sinh con trong 5 tháng đầu năm 2017, trong đó có 9.381 phụ nữ được quản lý thai, có 99,29% bà mẹ sinh con được cán bộ y tế đỡ đẻ. Số bà mẹ được khám thai từ 3 lần trở lên trong 3 giai đoạn thai kỳ đạt 95,9%. Số bà mẹ được thăm khám trong vòng 42 ngày tại nhà sau đẻ chiếm tỉ lệ 83,71%. Có 7 trường hợp mắc tai biến sản khoa (băng huyết 6, sản giật 1), so với cùng kỳ năm 2016 có 8 ca. Tổ chức khám phụ khoa cho 57.266 lượt, trong đó điều trị cho 24.967 trường hợp.
Chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh, ưu tiên những vùng khó khăn nhằm thu hẹp sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe và tử vong mẹ giữa các vùng miền. Có 8 chỉ số liên quan đến mục tiêu này cần đạt được vào năm 2020, bao gồm: Tỉ số tử vong mẹ < 52/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2016 có 43 bà mẹ tử vong/100.000 trẻ đẻ sống); 95% phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần/3 thai kỳ (năm 2016 đạt 93,7%), trong đó có 50% phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần/3 thai kỳ (năm 2016 đã đạt 44,4%); 99% phụ nữ có thai được tiêm phòng đủ mũi vắc xin uốn ván (năm 2016 đã thực hiện 97,9%); từ 99,5% trở lên phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đẻ (năm 2016 đã đạt 99,6%), trong đó 99% do người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ (năm 2016 đã đạt 98,5%); 85% bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh (năm 2016 đạt 81,7%), trong đó 60% được chăm sóc trong tuần đầu (đã đạt 53,3%); 75% phụ nữ trong nhóm tuổi 15 - 49 đang áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại (đã đạt 73,5%); giảm còn 30% tỉ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai (hiện còn 40%); có 80% phụ nữ đẻ được xét nghiệm HIV (hiện đạt 69,9%).
Nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh, nuôi dưỡng trẻ nhỏ
Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ghi nhận trong 5 tháng đầu năm 2017 có 9.647 trẻ sinh ra thì số trẻ đẻ sống là 9.643 trẻ, 100% số trẻ sơ sinh sống được cân, trong đó trẻ suy dinh dưỡng có cân nặng dưới 2.500 gr là 442 trẻ (chiếm 4,6%). Mục tiêu của tỉnh là ưu tiên những vùng khó khăn nhằm thu hẹp sự khác biệt về tình trạng sức khỏe và tử vong trẻ sơ sinh, trẻ em giữa các vùng miền. Trong đó 9 chỉ số cần đạt được đến năm 2020 bao gồm: Tỷ suất tử vong sơ sinh < 7/1.000 trẻ đẻ sống (năm 2016 đạt < 8%O); tỉ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi < 11/1.000 trẻ đẻ sống (thực hiện năm 2016 < 12%O); dưới 40% trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (đã đạt < 30%); 90% trẻ được bú mẹ trong giờ đầu sau sinh (hiện đạt 85,1%); có 90% trẻ dưới 24 tháng tuổi được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý (đã đạt 85%); giảm còn 20% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi (hiện còn 22,8%); giảm còn 10% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (hiện là 11,8%); có 90% trẻ dưới 59 tháng tuổi nghi ngờ viêm phổi được điều trị bằng kháng sinh (hiện đạt 80%).
Các nhóm can thiệp để cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện kế hoạch hành động vì sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 -2020 hơn 5,7 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương từ Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số hơn 4,4 tỷ đồng và và ngân sách địa phương từ nguồn sự nghiệp y tế là hơn 1,3 tỷ đồng.
Đối tượng can thiệp là phụ nữ độ tuổi sinh đẻ; bà mẹ trong thời gian mang thai, trong khi sinh, sau sinh; bà mẹ cho con bú; trẻ sơ sinh; trẻ em 5 tuổi trở xuống; người chăm sóc trẻ từ 0-24 tháng tuổi và cộng đồng; ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng DTTS; cán bộ y tế đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở các tuyến, tập trung tại tuyến y tế cơ sở; cán bộ quản lý liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở các tuyến.
Các can thiệp thiết yếu gồm: chăm sóc trước khi mang thai (KHHGĐ, quản lý thai, dinh dưỡng, tiêm chủng…); chăm sóc trong khi mang thai; chăm sóc trong và ngay sau sinh (chăm sóc thiết yếu sớm bà mẹ và trẻ sơ sinh, chăm sóc và điều trị sơ sinh đến 28 ngày, chăm sóc bà mẹ sau sinh đến 42 ngày); sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ từ 0 - 24 tháng tuổi (nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nuôi dưỡng trẻ nhỏ, bổ sung vitamin, vi chất dinh dưỡng).
Các giải pháp chủ yếu là: nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu. Đào tạo cán bộ cho các bệnh viện tuyến huyện có đủ khả năng cung cấp gói dịch vụ cấp cứu sản khoa toàn diện. Duy trì hoạt động Đơn nguyên sơ sinh tại Trung tâm Y tế các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Đạ Huoai và tiếp tục đầu tư triển khai Đơn nguyên sơ sinh tại các Trung tâm Y tế huyện còn lại. Đầu tư nâng cấp, phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa tuyến tỉnh - huyện - xã. Bên cạnh đó là các nhóm giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn phụ sản, nhi, sơ sinh cho y tế các tuyến; tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, thực hiện chế độ chính sách liên quan đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường truyền thông, tuyên truyền, vận động; ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện chất lượng thống kê báo cáo; nâng cao tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chú trọng phát triển các dịch vụ chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
AN NHIÊN