Tháng 6 hằng năm là "Tháng hành động vì trẻ em". Năm 2017, Tháng hành động vì trẻ em càng có ý nghĩa khi bắt đầu từ ngày 1/6 "Luật Trẻ em" được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 chính thức có hiệu lực...
Tháng 6 hằng năm là “Tháng hành động vì trẻ em”. Năm 2017, Tháng hành động vì trẻ em càng có ý nghĩa khi bắt đầu từ ngày 1/6 “Luật Trẻ em” được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 chính thức có hiệu lực. Đây là khuôn khổ pháp lý của việc thực hiện quyền của mọi trẻ em ở Việt Nam, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em trong tình hình mới; phù hợp và hài hòa hơn với tinh thần của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
|
Tháng hành động vì trẻ em năm nay càng có ý nghĩa khi Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực. Ảnh: Phan Nhân |
Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” nhằm tiếp tục phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE); nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện.
Những thông điệp, khẩu hiệu truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 là: Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 - Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Thực hiện Luật Trẻ em để bảo vệ con em của chúng ta; Chúng ta hãy cùng nhay xây dựng môi trường an toàn để trẻ em không bị bạo lực, xâm hại; Roi vọt không làm trẻ em nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; Hãy gọi 18001567 để lên tiếng tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, trong 5 năm (2011-2015), cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Riêng năm 2016 có hơn 1.200 vụ; trong những tháng đầu năm 2017, đã phát hiện nhiều vụ xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng… Tuy nhiên, số liệu về bạo lực, xâm hại trẻ em ở Việt Nam chưa thật đầy đủ, chính xác và mới chỉ phản ánh một phần nhỏ trong số các vụ việc xảy ra. |
Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà là một vấn đề toàn cầu. Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, trên thế giới, ước tính có 120 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân của bạo lực tình dục và gần một tỷ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt về thể chất. Châu Á là một trong các khu vực có tỷ lệ bạo lực, xâm hại trẻ em cao trên thế giới.
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em; đồng thời cũng tích cực tham gia các diễn đàn BVCSGDTE. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, Việt Nam đã có một số đổi mới trong chính sách phát triển xã hội liên quan đến BVCSGDTE nhằm cải thiện môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em.
Ở trong nước, luật pháp và chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực BVCSGDTE ngày càng phù hợp với thực tiễn ở nước ta và tinh thần Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Các chính sách đã tạo hành lang pháp lý để huy động mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tích cực, chủ động tham gia vào sự nghiệp BVCSGDTE. Nhờ vậy, những năm qua, công tác BVCSGDTE đã được quan tâm, đầu tư về mọi mặt; cuộc sống và các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, đến nay trên cả nước vẫn còn nhiều trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại về thể chất và tinh thần… Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phản ánh: “Một số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em gây phẫn nộ thời gian gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, số vụ trẻ bị bạo lực, xâm hại nhiều hơn con số thống kê bởi có nhiều vụ việc không được phát hiện hoặc người nhà, nạn nhân không tố cáo”.
Trước thực trạng đó, các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay phải tiếp tục góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BVCSGDTE đối với sự phát triển của đất nước; thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực, tự tin, tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động của gia đình, nhà trường và xã hội.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay càng có ý nghĩa khi Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực, bởi đó không chỉ là khuôn khổ pháp lý của việc thực hiện quyền của mọi trẻ em, mà còn tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc.
Để Luật thật sự đi vào cuộc sống, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Trẻ em và các quy định khác liên quan nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trẻ em; chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các thành viên gia đình, giáo viên, những người trực tiếp làm công tác trẻ em; trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự phòng, chống bạo lực, xâm hại mình. Tăng cường giám sát việc triển khai Luật trẻ em.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; trong đó đã giao trách nhiệm cụ thể cho mười cơ quan, tổ chức, địa phương trong việc xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tới mức thấp nhất các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ…; cần đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn chứ không chỉ xử lý sau khi điều xấu đã xảy ra.
Thứ ba, các bậc cha mẹ, những người chứng kiến hoặc nghi ngờ có hành vi xâm hại trẻ em cần mạnh dạn tố cáo và hướng dẫn các em tố cáo tới các cơ quan chức năng hoặc qua tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 1800 1567 để tổng đài tiếp nhận, kết hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, hỗ trợ các em.
Thứ tư, các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật về đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên...Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng gia đình tổ chức các diễn đàn dành cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề có liên quan; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em trong dịp hè.
Thứ năm, tăng cường nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ trẻ thông qua mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở; củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, các cấp các ngành; thành lập các tổ chức xã hội chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; phân bổ ngân sách hợp lý dành cho trẻ em… Đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em ở các cấp cần được nâng cao năng lực vừa làm tốt công tác tham mưu, quản lý, vừa tham gia tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em trong tố tụng...
Quan tâm BVCSGDTE là trách nhiệm không chỉ của mỗi gia đình mà còn là của toàn xã hội để trẻ em được sống trong môi trường không bạo lực, xâm hại và bóc lột. “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em” là thông điệp chung mà nhân loại tiến bộ luôn hướng tới.
LINH NHÂN