Lâm Hà: Cần có những biện pháp ổn định hoạt động chợ

08:06, 12/06/2017

Dù đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân trong giao thương, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhưng các chợ ở Lâm Hà vẫn còn tồn đọng nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Dù đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân trong giao thương, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhưng các chợ ở Lâm Hà vẫn còn tồn đọng nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
 
Tình trạng họp chợ 2 bên đường gây lộn xộn ở chợ Thăng Long. Ảnh: Hồng Thắm
Tình trạng họp chợ 2 bên đường gây lộn xộn ở chợ Thăng Long. Ảnh: Hồng Thắm
Theo khảo sát của UBND huyện Lâm Hà, hiện trên địa bàn toàn huyện có 3 chợ chính nằm trong cụm dân cư là chợ Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn), chợ Thăng Long (khu vực Nam Ban) và chợ Tân Hà. Tân Thanh và Phú Sơn là 2 xã nằm xa khu vực trung tâm, dân số lại khá đông nên cũng đã được quy hoạch chợ và đưa vào sử dụng. Riêng tại chợ Phú Sơn, huyện đã có chủ trương giao cho hợp tác xã quản lý. 
 
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, đặc thù của huyện Lâm Hà là dân cư sống tập trung theo cụm, do vậy các chợ khu vực trung tâm như ở Nam Ban, Đinh Văn về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu trao đổi, mua bán của bà con các xã lân cận. Đối với một số địa phương còn lại, mặc dù ở khá xa cụm dân cư, chưa có chợ nhưng dân cư lại thưa thớt nên huyện cũng không có kế hoạch xây dựng nhằm tránh tình chợ được xây dựng với kinh phí hàng tỉ đồng nhưng không thể hoạt động dẫn đến lãng phí. Thay vào đó, Lâm Hà đang đẩy mạnh tháo gỡ những tồn đọng, tiến hành nâng cấp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
 
Theo ghi nhận, chợ Thăng Long lâu nay vẫn diễn ra tình trạng người dân họp chợ hai bên đường, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn cản trở giao thông trên tuyến đường 725. 
 
Trong khi đó, mặt đường ở khu vực này có dấu hiệu xuống cấp, nước thải tồn đọng, nhất là vào mùa mưa, gây mất vệ sinh môi trường. 
 
Ông Nguyễn Phúc Thái - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban cho biết, dù đã có dự án đầu tư xây dựng chợ và khu phố chợ Nam Ban từ năm 2015 nhưng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn nên đến nay vẫn mới chỉ triển khai được giai đoạn 1, xây dựng được một số kiot trên diện tích khoảng 2.000 m2 (quy hoạch chợ gần 3ha). Chợ cũ nằm trong khu dân cư, không có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh; chợ mới đang được xây dựng ở phía đối diện, dù các quầy hàng khá khang trang nhưng một số vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”, việc hoạt động song song đã dẫn đến tình trạng rối ren, nhếch nhác ảnh hưởng không nhỏ đến đi lại và sinh hoạt của người dân.
 
Dịch vụ, thương mại vẫn chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của người dân. Khoảng 70% dân cư trong khu vực là lao động thuần nông nên chợ Thăng Long vẫn chủ yếu cung ứng các mặt hàng nhỏ, lẻ. Những mặt hàng có giá trị lớn người dân vẫn phải mua ở chợ Đức Trọng. Cơ sở hạ tầng chưa đồng đều dẫn đến tình trạng chật chội, lộn xộn. Hi vọng trong thời gian tới sẽ có những biện pháp giải quyết triệt để hơn - ông Thái cho biết thêm.
 
Còn tại xã Tân Thanh, với hơn 14.000 nhân khẩu thì việc xây dựng chợ là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, chợ thực phẩm tươi sống Lifsap được  đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ 2013 lại không thể phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Chợ có tổng cộng 28 quầy, nhưng thực tế người dân mới chỉ sử dựng 15 quầy, và chủ yếu họp vào buổi sáng, ế ẩm vào buổi chiều. Theo ông  Nhữ Văn Hiếu - Phó Chủ tịch xã Tân Thanh, lý do chính là việc quy hoạch địa điểm xây dựng chợ chưa thực sự phù hợp. Chợ mới ở vị trí “trái tuyến” với trường, trạm… trong khi đó khu chợ trước đây lại ở ngay khu vực trường học nên nhiều phụ huynh tranh thủ giờ đưa đón con đi học mua “nhanh” hàng hóa ở những quầy các quầy thực phẩm gần trường. 
 
 HỒNG THẮM