Bảo Lộc là trung tâm công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, nhưng tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng tiền Bảo hiểm Xã hội tại đây lại đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, việc thu hồi nợ BHXH gặp rất nhiều khó khăn.
Bảo Lộc là trung tâm công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, nhưng tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng tiền Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tại đây lại đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, việc thu hồi nợ BHXH gặp rất nhiều khó khăn.
|
Ở Bảo Lộc, bên cạnh những doanh nghiệp chây ì, trục lợi tiền BHXH thì vẫn có những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và đóng góp một phần không nhỏ vào nguồn ngân sách thành phố. Trong ảnh: Đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến (thứ hai, phải qua) thăm Nhà máy xe tơ II tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc. Ảnh: T.Chu |
Bà Bùi Thị Thanh, Giám đốc BHXH TP Bảo Lộc, cho biết: “Tính đến cuối tháng 5 năm 2017, tổng số nợ BHXH (từ 6 tháng trở lên) của các đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn TP Bảo Lộc hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, 17 tỷ đồng nợ đọng BHXH thuộc về các doanh nghiệp lớn”.
Theo bà Thanh, dẫn đầu danh sách này là Công ty TNHH Tâm Châu, nợ trên 4,5 tỷ đồng; kế đến, Công ty TNHH Kimono Japan, nợ hơn 4,1 tỷ đồng, Công ty Sản xuất kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Nam Phương Bảo Lộc nợ trên 2,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Bá Thiên Bảo Lộc nợ hơn 1,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Sông Thương 2 nợ gần 1,6 tỷ đồng... Ngoài ra, tại TP Bảo Lộc, còn có một số doanh nghiệp nợ đọng BHXH với khoản tiền lớn, như: Công ty VICOTEX Bảo Lộc nợ trên 439 triệu đồng, Công ty TNHH TM DV KT và XD Thư Hoàng Bảo Lộc trên 437 triệu đồng, Công ty TNHH Chánh Phát Tâm Châu Bảo Lộc nợ hơn 300 triệu đồng, Công ty TNHH An Cư Bảo Lộc nợ gần 300 triệu đồng. Thậm chí, Trường Mầm non Bá Thiên nợ BHXH số tiền trên 207 tỷ đồng và Công ty TNHH Kim Long còn nợ số tiền gần 168 triệu đồng... Hều hết các doanh nghiệp nêu trên đều nợ BHXH kéo dài trong nhiều năm nay.
“Thực tế thì đấy là một cách chiếm dụng vốn bất hợp pháp”, bà Thanh khẳng định.
Biết là bất hợp pháp, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì, tìm đủ mọi cách đối phó, trục lợi trên khoản tiền này để đầu tư sản xuất, kinh doanh. “Do vi phạm Luật BHXH, những năm qua, không ít doanh nghiệp tại TP Bảo Lộc đã bị cơ quan BHXH khởi kiện ra TAND TP Bảo Lộc. Song, việc giải quyết của các cơ quan pháp luật cũng chỉ mang tính chất chiếu lệ” - ông Trần Anh Phú, cán bộ kiểm tra BHXH TP Bảo Lộc, cho hay.
Cũng theo ông Phú, sở dĩ nói “mang tính chất chiếu lệ”, là vì sau khi bị khởi kiện, các doanh nghiệp chỉ đóng số tiền nợ đọng BHXH tính đến thời điểm khởi kiện ra tòa (thậm chí không thèm đóng), rồi lại tiếp tục nợ phát sinh. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH TM DV KT và XD Thư Hoàng bị BHXH TP Bảo Lộc khởi kiện ra TAND TP Bảo Lộc năm 2014, nhưng công ty này chỉ trả nợ BHXH được hơn 260 triệu đồng, sau đó số nợ mới lại không chịu chi trả. Tương tự, Công ty TNHH Bá Thiên Bảo Lộc bị BHXH TP Bảo Lộc khởi kiện ra TAND TP Bảo Lộc năm 2012 và đã được TAND TP Bảo Lộc giải quyết, thế nhưng đến nay vẫn chưa trả nợ BHXH, hoặc Công ty TNHH Tâm Châu cũng đã bị khởi kiện nhưng TAND TP Bảo Lộc chưa xét xử nên các khoản nợ BHXH cứ thế tiếp tục tăng, hay Công ty TNHH Kimono Japan bị khởi kiện ra tòa năm 2014 nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa xử lý dứt điểm được...
Nợ đọng tiền BHXH càng ngày càng tăng, trong khi theo quy định của Luật BHXH hiện hành, cơ quan BHXH không còn chức năng và quyền khởi kiện ra tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, mà chỉ dừng lại ở việc kiểm tra chuyên môn ngành, đôn đốc, nhắc nhở. Quyền khởi kiện ra tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, theo Luật BHXH hiện hành, được giao cho Liên đoàn Lao động cùng cấp. Trong khi đó, thủ tục khởi kiện cũng hết sức rối rắm, theo bà Thanh thì “quy định này đang gây khó cho cơ quan BHXH”.
Thật vậy, trước kia, khi cơ quan BHXH còn quyền khởi kiện ra Tòa án, việc đòi nợ BHXH đã gặp rất nhiều khó khăn. Nay, quyền khởi kiện giao cho Liên đoàn Lao động, chắc chắn việc truy thu nợ BHXH là việc cực kỳ gian nan. Điều này giải thích vì sao từ đầu năm 2017 đến nay, mặc dù BHXH TP Bảo Lộc đã tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách các đơn vị, các doanh nghiệp nợ BHXH, sau đó phân loại tính chất nợ (theo số tiền, thời gian nợ...), rồi phân công cán bộ chuyên quản bám sát các đơn vị còn tồn đọng nợ để đôn đốc, vận động thu nợ cũng như đã đề xuất với các ngành chức năng của TP, của tỉnh có biện pháp chỉ đạo, giải quyết nợ BHXH tồn đọng, thế nhưng số nợ BHXH tại TP Bảo Lộc vẫn không giảm mà có chiều hướng gia tăng.
Rõ ràng, nếu không có sự tháo gỡ từ phía chính sách, cộng thêm sự phối hợp giữa các ngành thiếu đồng bộ, thì việc thu hồi nợ đọng tiền BHXH là không thể. Và, lúc đó, nợ BHXH có nguy cơ trở thành... nợ khó đòi!
TRỊNH CHU