Nơi "ngọn gió" dừng chân

09:06, 22/06/2017

Những người con của núi bao đời nay vẫn được người ta ví như ngọn gió, mạnh mẽ di chuyển dọc các con suối, tìm những mảnh đất bằng phẳng gieo mầm cuộc sống. Trong hành trình tựa cơn gió ấy, người Cil ở Đưng K'Nớ đã dừng chân ở Đưng Trang hàng chục năm nay và dù còn đó sự nghèo khó nhưng họ vẫn vững tin cháu con một ngày mai tươi sáng.

Những người con của núi bao đời nay vẫn được người ta ví như ngọn gió, mạnh mẽ di chuyển dọc các con suối, tìm những mảnh đất bằng phẳng gieo mầm cuộc sống. Trong hành trình tựa cơn gió ấy, người Cil ở Đưng K’Nớ đã dừng chân ở Đưng Trang hàng chục năm nay và dù còn đó sự nghèo khó nhưng họ vẫn vững tin cháu con một ngày mai tươi sáng.
 
Nụ cười trẻ thơ ở Đưng Trang. Ảnh: H.T - N.N
Nụ cười trẻ thơ ở Đưng Trang. Ảnh: H.T - N.N
Trở về nơi gốc cây, ngọn cỏ 
 
Nếu như người ta từng nói Đưng K’Nớ là một “ốc đảo” giữa rừng của huyện Lạc Dương thì thôn Đưng Trang lại là ốc đảo của Đưng K’Nớ. Bởi quãng đường chỉ gần 10 km từ trung tâm xã vào thôn nhưng lại tốn bằng 2/3 thời gian từ Đà Lạt vào Đưng K’Nớ. Và chỉ cần đi qua thêm một con dốc nữa sẽ thấy xã Đạ Long, một trong ba xã vùng Đầm Ròn của huyện Đam Rông. Nhận thấy nỗi bồn chồn của chúng tôi trên đường đi, anh Liêng Hót Ha Mal - Phó Bí thư Đảng ủy xã trấn an: “May là hôm qua không mưa nên đường còn dễ đi đấy em ạ. Chứ mỗi khi mùa mưa đến bà con đi lại còn cực khổ hơn nhiều”.
 
Nhưng có lẽ cũng nhờ đường xa cách trở nên Đưng Trang chưa bị “cơn bão” xô bồ, bon chen của đời sống hiện đại quét qua. Đưng Trang hiện ra yên bình và đẹp đến ngỡ ngàng. Từng vạt lúa nước đã đến mùa vàng rộ, bắp có những cây hai ba trái, những vườn cà phê xanh tốt, cây xoài, mít trĩu quả đong đưa giữa những khu vườn, bên hiên nhà và cả ven con đường nhỏ giữa thôn. 
 
Bà Rơ Ông K’Trăng - người phụ nữ đã gần 100 tuổi, cũng là lớp người đầu tiên dừng chân ở mảnh đất này nói: “Đưng Trang là mảnh đất bằng phẳng, màu mỡ có nhiều cây Trang (một loại cỏ trước đây thường được bà con dùng để đánh tranh lợp mái nhà). Thôn này có từ lâu rồi, có trước cả xã Đưng K’Nớ bây giờ. Sau nhiều lần di chuyển vì chiến tranh nhưng rồi bà con vẫn quay lại đây vì nơi này trồng được lúa nước”.
 
 Đưng Trang bằng phẳng lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi. Toàn thôn có 30 hộ dân, lúa nước, bắp và rau tự trồng, heo gà tự nuôi đủ để bà con lo bữa ăn hàng ngày. “Ở đây cứ 1 sào thu được 3 tạ cà phê khô. Bà con dùng xe máy chở từng bao ra ngoài xã bán. Đó được xem như “của để dành” để: “dùng xây nhà, phòng khi đau ốm và nuôi con cái ăn học”, Trưởng thôn Bon Niêng Ha Buốt nói.
 
Vẹn nguyên văn hóa người Cil
 
Nằm gọn trong lòng núi mẹ, Đưng Trang tuy còn nghèo nhưng người dân nơi ấy vẫn còn vẹn nguyên những gì tinh túy nhất thuộc về văn hóa của người Cil.
 
Nhìn cách ăn mặc, mọi người nhận ra ngay chúng tôi là người lạ từ nơi khác tới. Cả thôn bây giờ chỉ có người già và trẻ em bởi “Giờ lúa đã chắc hạt, nhà nào nhà nấy đều phải đi đuổi chim từ sáng tới tối mịt”. Ở đây người ta vẫn còn dùng những chiếc crăngđa (chuông gió, bà con làm bằng nứa, cắm trên nương để đuổi thú rừng, trên ruộng để đuổi chim chóc). Chốc chốc tiếng crăngđa lại vang lên lách cách chứng tỏ chim tới nhiều điều đó cũng báo hiệu rằng lúa vụ này lại cho một mùa ấm no. 
 
Chúng tôi ghé nhà bà Rơ Ông K’Trăng, câu chuyện vừa bắt đầu thì bà Kơ Săk K’Măng cũng vừa đi rẫy về. Bà mang từ trong nhà ra chóe rượu cần ủ lâu ngày - một tục lệ của người dân nơi đây chào đón những vị khách, bất kể thân sơ. “Rượu cần ở đây bà con ủ cả 6 tháng và chỉ khi nào có khách mới đem ra mời”, vị Phó Bí thư Đảng ủy xã nói. 
 
Đưng Trang có 30 hộ thì chỉ có 4 hộ thoát nghèo. Trong số đó có hộ bà Rơ Ông K’Rau. Cả Trưởng thôn và Phó Bí thư Đảng ủy xã đều nhắc với chúng tôi câu chuyện của bà Rau đầy tự hào rằng: Khi rà soát danh sách hộ nghèo, gia đình bà Rau cũng nằm trong danh sách đó. Vậy nhưng bà bảo “Mình còn sức, mình làm được, mình thấy sống vậy được rồi, để dành phần hộ nghèo cho bà con nào nghèo hơn, đông con hơn”. Mặc dù không đi được xe máy nhưng bà Rau cũng như những người già khác ở thôn, mỗi lần có việc ở xã họ lại đi bộ ra, không vắng buổi nào. Lòng dân như vậy nên cán bộ xã cũng không ngại ngần về với Đưng Trang. Những cán bộ xã như anh Liêng Hót Ha Mal cũng vì thế mà “thuộc” hết từng viên đá trên đường đi. “Bởi thế, trời dù có mưa, hay tối mình cũng đi ra được”, anh khẳng định.
 
Có lẽ bây giờ ít có nơi nào như Đưng Trang, nơi mà rừng xanh ngút ngàn tầm mắt, nơi mà tối tối người dân vẫn còn phải dùng đèn pin đi đuổi thú rừng phá rẫy, nơi mà điện thì đã có nhưng sóng điện thoại thì “chập chờn”. Những người lạ như chúng tôi không thể biết nơi nào có sóng, chỉ có những người dân nơi này mới biết “tìm sóng” nơi đâu… Và có lẽ sống giữa rừng xanh nên bao đời nay người dân nơi này vẫn “nghĩa tình” với rừng đến vậy. Rừng bao bọc che chắn cho Đưng Trang những mùa gió bão, lũ về; cho Đưng Trang bầu không khí mát lành, dịu nhẹ. Và cũng chính rừng cho người dân Đưng Trang bao nhiêu sản vật và giờ đây còn cho người dân nơi này thu nhập từ nhận khoán và bảo vệ rừng, góp thêm “của để dành” cho cuộc sống.
 
Trưởng thôn Đưng Trang nói: “Rừng từ trước tới nay cho bà con mọi thứ, cho con thú có chỗ ở, con chim có cành đậu. Con suối sau thôn cho nước chảy mãi không ngừng, cũng từ rừng, bà con mình chỉ lấy của rừng vừa đủ thôi. Bây giờ Nhà nước trả tiền cho mình, mình lại càng phải giữ rừng. Họp thôn lần nào mình cũng nói, mình nhận tiền của Nhà nước rồi, mình phải giữ rừng có trách nhiệm. Nhờ có tiền nhận khoán bảo vệ rừng mà thôn mình chẳng lo cái đói giáp hạt như trước đây”. 
 
Anh Rơ Ông Ha Tin - Phó Ban Lâm nghiệp xã khẳng định: “Đưng Trang là thôn xa nhất, nằm lọt giữa rừng nhưng cũng là thôn giữ rừng tốt nhất ở Đưng K’Nớ. 100% bà con ở đây đều nhận khoán bảo vệ rừng. Thuộc rừng đến nỗi bà con còn dẫn đường cho cán bộ đi kiểm tra rừng rất an toàn. Mùa mưa anh em kiểm lâm đi tuần tra rừng, vào ở hẳn với bà con như con cái ở xa về nhà vậy”. 
 
Cây rừng che chở, bao bọc hết Đưng Trang nhưng người dân nơi này vẫn hiểu và ý thức rõ về sự học, về sự cần biết con chữ. Tất cả những đứa trẻ nơi này đều được đi học bán trú ngoài xã. “Mình không được đi học thì phải cho con cháu đi học cho nó biết cái chữ, nó sướng hơn mình chứ”, bà Kơ Săk K’Măng cười nói. Vừa mới đầu mùa hè nhưng trưởng thôn Bon Niêng Ha Buốt đã sốt sắng đi làm các thủ tục để cô con gái lớn của mình được vào học ở trường bán trú Lang Biang. 
 
Và hè này, thôn nhỏ Đưng Trang như rộn ràng hơn hẳn bởi lũ nhỏ đi “trọ học” đã về. Lũ trẻ theo mẹ lên ruộng đuổi chim, tiếng cười trẻ thơ xen lẫn tiếng crăngđa lách cách. Người bạn đồng nghiệp nói với tôi “Nếu như tiếng crăngđa báo hiệu lúa được mùa thì tiếng cười trẻ thơ báo hiệu mùa tương lai tươi sáng”.
 
Chúng tôi rời Đưng Trang nhưng không còn sự “ám ảnh” về con đường khó đi mà thay vào đó là mùa hoa trái chín thơm quyện trong làn gió, là sâu đậm nghĩa tình của bà con và tiếng cười của những đứa trẻ nơi thôn nhỏ này. 
 
NGỌC NGÀ - HỒNG THẮM