Nông dân hiến đất xây dựng quê hương

08:06, 13/06/2017

Đất đai và tài sản trên đất mang giá trị lớn đối với người nông dân. Nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, họ sẵn sàng chặt cây, phá bỏ hàng rào, chuồng chăn nuôi gia súc, hiến những mảnh đất vàng để làm cầu, đường và các công trình văn hóa mang lại bộ mặt nông thôn ngày thêm khang trang, sạch đẹp.

Đất đai và tài sản trên đất mang giá trị lớn đối với người nông dân. Nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, họ sẵn sàng chặt cây, phá bỏ hàng rào, chuồng chăn nuôi gia súc, hiến những mảnh đất vàng để làm cầu, đường và các công trình văn hóa mang lại bộ mặt nông thôn ngày thêm khang trang, sạch đẹp.
 
Một công trình nước sạch tại thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương. Ảnh: D.Q
Một công trình nước sạch tại thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương. Ảnh: D.Q
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư  Tỉnh ủy Lâm Đồng
 
Những thành công của Lâm Đồng trong xây dựng NTM không thể thiếu sự đóng góp nhiệt tình của nông dân toàn tỉnh. Phải khẳng định, bà con đã hết sức đồng hành cùng Nhà nước, đóng góp trong khả năng có thể để xây dựng nông thôn. Và Lâm Đồng cũng xác định, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, không thể nóng vội, huy động sức dân bằng mọi cách. Chúng ta xây dựng NTM vì người nông dân, vì vậy phải lựa sức dân để phong trào xây dựng NTM đi vào thực chất, xây dựng một nông thôn Lâm Đồng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Sáu, một người nông dân nơi vùng xa Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh nổi tiếng với những cây điều. Điều nhà ông sai trái, mang lại thu nhập chính cho cả gia đình. Vậy mà không ngần ngại, ông đã chặt 40 cây điều ghép 13 năm tuổi trên  diện tích 1.500 m2 đất trồng điều được ông hiến cho cộng đồng. Vận động gần 20 hộ chung đường qua suối, phá điều hiến đất, đóng góp tiền bạc, công lao động, với số tiền trên 50 triệu đồng, ông Sáu và bà con đã xây được cây cầu bắc qua dòng suối, giúp 20 hộ dân thuận lợi đi lại làm vườn, vận chuyển nông sản, nhất là qua mùa bão lũ. Còn anh K’Cúc, nông dân xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai lại không ngần ngại chặt hàng cà phê sát đường, hiến 325 m2 đất để xã mở rộng và bê tông hóa con đường liên thôn. Anh K’Cúc từng chia sẻ, “Khi chặt cà phê hiến đất, lúc cà phê đang cho trái nên cũng tiếc lắm. Nhưng mình hiến đất làm đường rộng cho bà con đi lại, trẻ con đi học mùa mưa đỡ cực. Nhà mình, rồi bà con xung quanh cũng hiến đất, vì bà con trong buôn trong xã cả thôi”. Họ là hai gương mặt đại diện cho hàng ngàn nông dân khắp Lâm Đồng sẵn sàng hiến những mét đất quý giá cho cộng đồng. Không một lời phàn nàn, đòi hỏi đền bù hay quyền lợi trên mảnh đất gắn bó lâu nay, hành động chia sẻ của họ thực sự đã giúp việc xây dựng (NTM) dễ dàng, thuận lợi hơn.  

 
Từ năm 2011 tới hết năm 2016, hàng ngàn nông dân Lâm Đồng đã tích cực chia sẻ cùng chính quyền và cộng đồng trong việc xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như đường giao thông, nhà văn hóa hay các công trình phúc lợi xã hội. Cụ thể, nông dân đã hiến 366.600 m2 đất, đóng góp trên 116 tỷ đồng, trên 143.700 công lao động để làm mới 1.529 km đường giao thông nông thôn, nạo vét 537 km kênh mương, sửa chữa 213 cầu cống, xây dựng 7 hội trường thôn, 33 nhà văn hóa, 60 cột đèn đường… Cùng chính quyền, nông dân Lâm Đồng đã thực hiện rất tốt vai trò chủ thể nông thôn, chung tay thực hiện theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Sự đồng hành tích cực của nông dân đã khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng của nông thôn Lâm Đồng dễ dàng hơn, đồng thời cũng chứng minh người nông dân đã ý thức được vai trò và quyền lợi của họ trong xây dựng nông thôn mới. Để có được sự nhiệt tình chia sẻ ấy, ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Các cấp Hội chúng tôi đã góp phần tích cực trong vận động hội viên nông dân hiến đất hay đóng góp để xây dựng các công trình công cộng. Khi có chủ trương làm đường giao thông, chúng tôi cùng chính quyền, các đoàn thể công khai họp bà con, giải thích rõ ràng diện tích đất cần giải tỏa, giải tỏa làm những gì. Bà con đã thông thì việc hiến đất rất nhanh chóng, dễ dàng, không xảy ra mâu thuẫn. Quan trọng nhất trong vận động nhân dân, để người dân tin và đồng thuận chính là minh bạch”. Chính sự minh bạch, rõ ràng trong  việc vận động nhân dân đã khiến người nông dân sẵn sàng chia sẻ, tích cực tham gia phong trào “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng NTM”, góp phần đưa nông thôn Lâm Đồng đẹp và phát triển bền vững.
 
D.QUỲNH