(LĐ online) - Nỗ lực thoát nghèo trong nhiều năm liền nên xã N'Thôl Hạ, huyện Đức Trọng đã "thoát" khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn, đồng thời đời sống của người dân ở nơi đây có nhiều khởi sắc.
(LĐ online) - Nỗ lực thoát nghèo trong nhiều năm liền nên xã N’Thôl Hạ, huyện Đức Trọng đã “thoát” khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn, đồng thời đời sống của người dân ở nơi đây có nhiều khởi sắc.
|
Nhận thức của người dân cũng có nhiều chuyển biến, chăm lo phát triển kinh tế gia đình |
Nằm dọc quốc lộ 27, N’Thôl Hạ có nhiều điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội. Nhìn chung, diện mạo nông thôn đã có khởi sắc hơn so với các địa phương có đông đồng bào DTTS khác. Cơ sở vật chất, hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa… giúp cho việc đi lại và trao đổi hàng hóa của bà con gặp nhiều thuận lợi.
Gia đình ông Kon Sa Ha Mong (thôn Lạch Tông) vừa mới thoát nghèo từ vài năm trở lại đây. Trước đây cũng như nhiều gia đình khác, vì đông con nên cái đói lúc nào cũng đeo bám cả gia đình. Nhưng từ năm 2010, gia đình ông được hỗ trợ từ nhiều nguồn, đặc biệt là hỗ trợ xây nhà và 20 triệu vốn phát triển sản xuất để đầu tư vào 2,6 sào su su. Ông cho biết, với diện tích này, ông có thu nhập trên dưới 75 triệu đồng/năm. Cộng với đi làm thuê, trồng bắp, lúa mà gia đình cũng không còn khó khăn như trước.
Tương tự, gia đình ông KLong Ha Khăm (thôn Bon Rơm) cũng đã thoát nghèo từ cuối năm 2012. Ông bảo rằng: Khi mình nghèo, nhà nước hỗ trợ cho mình là may mắn lắm rồi. Trước kia không được hỗ trợ thì ông bà mình vẫn phải làm ăn, nuôi con cái học hành, thế nên bây giờ không còn là xã đặc biệt khó khăn nữa thì mình càng phải cố gắng nhiều hơn. Xây nhà, mua bò, trồng cà phê… đều do mình tự bỏ tiền ra, phải cố gắng thì mới không còn nghèo như trước.
Xã N’Thôl Hạ hiện còn 122 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 6,78%; hộ cận nghèo còn 110 hộ, chiếm 6,11%. - Số liệu thông kê của UBND
Có được kết quả này, theo ông Lê Bá Dương – Phó Chủ tịch UBND xã, là do quá trình bà con nông dân tận dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất có hiệu quả như chương trình 135, dạy nghề, xuất khẩu lao động, vay vốn từ ngân hàng chính sách…
Chính những chương trình, hỗ trợ trực tiếp và đồng bộ đã góp phần giảm nghèo trên địa bàn xã, đặc biệt là đồng bào DTTS. Nhận thức của người dân, người nghèo có những chuyển biến tích cực dẫn đến thay đổi hành vi, nỗ lực tự vươn lên trong cuộc sống. Và quan trọng hơn cả là đời sống và thu nhập của người dân N’Thôl Hạ đã có khởi sắc hơn, thuộc diện khá hơn so với các vùng đồng bào DTTS khác của huyện.
Tuy nhiên cũng theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND, vẫn còn những hạn chế nhất định trong ý thức của một bộ phận người dân đối với những chương trình hỗ trợ của nhà nước, nhất là từ tháng 4 vừa qua, N’Thôl Hạ, trở thành xã vùng 2, không còn là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Một bộ phận người dân có tâm lý hụt hẫng, bởi nhiều năm liền N’Thôl Hạ vẫn được hỗ trợ giúp bà con xây nhà, vay vốn, làm đường, cấp thẻ bảo hiểm y tế… từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
Bà KLong K’Xuân - Bí thư Chi bộ thôn Bon Rơm cho biết, thôn hiện còn 18 hộ nghèo, trong tổng số 174 hộ. Đời sống bà con trong thôn đã được cải thiện nhiều trong thời gian gần đây, ngoài làm nông nghiệp tại nhà, bà con cũng tranh thủ thời gian nông nhàn đi làm thuê tại các vươn ươm, công ty trên địa bàn. Nhờ có thêm thu nhập cuộc sống bà con cũng dư giả hơn. Tuy nhiên những hộ nghèo còn lại vẫn còn tâm lý trông chờ hỗ trợ của nhà nước, có sự phân bì, so sánh mỗi khi có đợt hỗ trợ hay phát quà từ các đơn vị từ thiện; gia đình đông con thì không còn được miễn giảm học phí như trước…
“Đó là mặt tồn tại mà địa phương đang nỗ lực để thay đổi bằng cách tích cực tuyên truyền, vận động bà con. Đồng thời, xã đang triển khai nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, mang lại thu nhập cao; xã cũng đang bắt tay vào làm việc với các doanh nghiệp nhằm kêu gọi đầu tư; xây dựng chợ nông sản để thúc đẩy sản xuất hàng hóa của người dân…”, ông Dương cho biết thêm.
HỒNG THẮM