Đây là mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) triển khai trong năm nay. Nhờ mô hình này mà nhiều chị em đã được mua thẻ BHYT phòng khi gặp đau ốm, bệnh tật sẽ đỡ được chi phí điều trị.
Đây là mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) triển khai trong năm nay. Nhờ mô hình này mà nhiều chị em đã được mua thẻ BHYT phòng khi gặp đau ốm, bệnh tật sẽ đỡ được chi phí điều trị.
|
Cán bộ hội phụ nữ thăm hỏi, động viên bà Mai Thị Ánh (bìa trái) - một trong những hội viên khó khăn được hỗ trợ mua BHYT. Ảnh: Đông Anh |
Năm năm trở lại đây, bà Mai Thị Ánh (thôn Thuận Lộc, xã Đạ Lây) thường xuyên bị đau ốm. Căn bệnh đau đầu kinh niên luôn hành hạ khiến bà phải thường xuyên về TP Hồ Chí Minh để điều trị. Cảnh nhà túng bấn cộng thêm bệnh tật khiến kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Dù đau ốm nhưng khi có ai thuê gì bà đều đi làm để kiếm thêm tiền phụ chồng con lo cuộc sống hàng ngày. Trước đây, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nhưng vài năm trở lại đây, theo tiêu chí đánh giá mới thì bà không thuộc diện hộ nghèo nữa. Do đó, bà và các thành viên trong gia đình không được cấp thẻ BHYT như trước đây. Trước tình cảnh này, chị em hội viên phụ nữ đã cùng đóng góp tiền để hỗ trợ bà Ánh mua BHYT. Bà Ánh tâm sự: “Nhà nghèo khó quá nên không thể mua BHYT dù bệnh tật đeo bám quanh năm. Đến khi được mấy chị hỗ trợ 50% để mua thẻ thì cũng không có tiền để góp thêm vào. Cuối cùng phải nhờ chị Tuất chi hội trưởng đóng giúp mà đến nay vẫn chưa có tiền để trả lại. Chị em tốt với mình như thế thì cũng thấy ấm lòng, được an ủi phần nào”.
Bà Đoàn Thị Tuất, Chi hội trưởng Chi Hội phụ nữ thôn Thuận Lộc cho biết: Ngoài chị Ánh thì trong chi hội còn một chị nữa cũng được hỗ trợ để mua BHYT. Mỗi chị em trong chi hội đóng góp 7.000 đồng để tiết kiệm mua BHYT cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên đau ốm. Số tiền thu được sẽ nộp ra Hội cấp xã, sau đó Hội sẽ cân đối số lượng mua BHYT cho các chi hội. Vì số tiền đóng góp không nhiều nên chỉ có thể hỗ trợ 50%, còn lại thì người được mua BHYT phải bỏ ra. Ngoài đóng góp mua BHYT theo cách này, chị em trong chi hội còn thành lập được 2 tổ tiết kiệm mua BHYT. Với số lượng 5 người/ tổ, mỗi chị em đóng góp 130 ngàn đồng mỗi tháng để xoay vòng mua BHYT. Đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Đạ Lây thì việc làm này rất có ý nghĩa. Hiện, nhu cầu được mua BHYT đối với chị em là rất nhiều nên sắp tới sẽ dần nhân rộng mô hình tiết kiệm này”.
Hội Phụ nữ xã Đạ Lây hiện có 9 chi hội với gần 600 hội viên. Theo thống kê sơ bộ, chỉ có khoảng 40% hội viên mua BHYT tự nguyện. Số còn lại chủ yếu do hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nên chưa thể mua được.
Đây cũng là lý do để Hội phụ nữ xã triển khai mô hình tiết kiệm mua BHYT vì sức khỏe của chị em.
Theo bà Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ Lây, mô hình này được triển khai từ đầu năm đến nay với số lượng chị em đã được mua thẻ BHYT là 80 người. Trong đó, số được hỗ trợ 50% để mua thẻ là 12 người, số hùn vốn tiết kiệm để mua thẻ là 68 người. Hiện tại, tất cả các chi hội đã thành lập được tổ hùn vốn tiết kiệm mua BHYT. Mô hình này sẽ được Hội nhân rộng trong thời gian tới vì chỉ với cách làm này thì chị em mới nhanh chóng được mua BHYT, tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, do một số chính sách về BHYT thay đổi nên tỷ lệ người tham gia bảo hiểm của xã Đạ Lây còn 56% (cuối năm 2016 là 72%). Tỷ lệ này tương đối cao so với các địa phương khác trong huyện, nhưng so với tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì còn khá thấp (phải đạt 85%). Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch UBND xã Đạ Lây cho biết: UBND xã cùng với các ban, ngành, đoàn thể của xã đang ra sức vận động người dân tham gia BHYT. Cách làm của Hội phụ nữ cũng là một giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện trên địa bàn. Ngoài ra, hai năm qua, UBND xã cũng đã vận động được các mạnh thường quân với số tiền hơn 30 triệu đồng để hỗ trợ mua bảo hiểm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tùy theo hoàn cảnh mà mức hỗ trợ có thể là 30% - 50% hoặc 100%.
ĐÔNG ANH