Đơn thân nuôi con

09:07, 05/07/2017

Mỗi năm ở thành phố hoa Đà Lạt có khoảng 650 cặp đôi ly hôn, phần lớn trong số đó trách nhiệm nuôi con dồn trên vai phụ nữ. Là những bà mẹ đơn thân nuôi con, những lúc khó khăn họ không biết trông đợi vào ai!

Mỗi năm ở thành phố hoa Đà Lạt có khoảng 650 cặp đôi ly hôn, phần lớn trong số đó trách nhiệm nuôi con dồn trên vai phụ nữ. Là những bà mẹ đơn thân nuôi con, những lúc khó khăn họ không biết trông đợi vào ai!
 
Phận góa con côi
 
Xếp lại đống vải áo lạnh vừa mới cắt xếp thành từng lớp trên chiếc bàn rộng trong một căn phòng trọ chật hẹp ở Phường 6 - Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Bình, 45 tuổi, vội vã đến bếp chuẩn bị cơm cho cả nhà gồm chị, mẹ chị và đứa con trai đang đi học thêm trong hè đang về. “Cả tháng nay mới có được đợt hàng này, mấy bữa trước đi làm vườn trong Đa Thiện (Phường 8) rồi đóng hoa, ai thuê gì làm nấy” - chị Bình vừa nhặt rau vừa nói.
 
Năm 25 tuổi, cô gái người Tân Văn - Lâm Hà lên Đà Lạt làm công nhân may kết hôn với  chàng trai Đà Lạt cùng làm trong xưởng may. Quen nhau một thời gian khá lâu họ mới quyết định đến với nhau. Sau đám cưới, cô giã từ căn phòng trọ đơn sơ về nhà chồng. Đó là một căn phòng nhỏ trong một ngôi nhà đông người, gồm cha mẹ chồng, các anh chị chồng dù lập gia đình vẫn sống chung ở đây. Dù nhà chật hẹp, đông người nhưng đây là nơi chị tìm thấy hạnh phúc của đời mình và cho đến bây giờ đó vẫn là quãng đời làm chị vui nhất.  
 
Rồi đứa con ra đời, con trai, chị nghỉ may một thời gian để ở nhà chăm sóc con, chồng chị cũng nghỉ làm ở đây luôn vì lương thấp để đi học lái xe. Anh học lái xe bằng chính số tiền chị dành dụm được trong những năm làm công nhân. Lấy bằng lái xe xong anh đi phụ xe thời gian ngắn rồi thành lái xe tải đường dài, chạy xe chở rau từ Đà Lạt đi TP Hồ Chí Minh, lương cũng ổn; còn chị đi may trở lại. 
 
Khi con lên 3 tuổi chị phát hiện ra chồng chị đang có bồ, bồ là một cô gái đi buôn rau mà anh thường chở hàng. Anh đi về thất thường, có ngày không chạy xe nhưng vẫn  vắng nhà, gia đình bắt đầu lục đục. Chị cố chịu đựng, dù gia đình chồng đứng về phía chị nhưng cũng chẳng xoay xở được gì. Sợi dây căng hoài đến một lúc phải đứt, đó là lúc chị bế con ra phòng trọ trở lại, khi con chị vào lớp 1 và sống cuộc đời một mình nuôi con từ đó. Phải 3 năm sau đó khi con chị lên lớp 3 cả 2 mới dứt khoát ra tòa, chồng chị cưới vợ mới ngay sau đó, vợ mới chính là cô bồ lâu nay. Cho đến nay con chị đã bắt đầu vào lớp 10. 
 
Trong 10 năm đó, chị chuyển nhà trọ không biết bao lần. Tay nghề giỏi, chị bám vào chỗ làm, làm tăng ca, thu nhập vẫn ổn để nuôi con. Nhưng rồi công việc tại xí nghiệp ít dần, công ty dãn thợ, thu nhập mọi người cũng dần teo tóp lại. Chị nghỉ ra ngoài nhận may hàng gia công, nhưng vài năm nay Đà Lạt hàng hóa ngày càng thưa dần. Thế là chị đi làm vườn, làm rau, làm hoa, làm bất cứ thứ gì người ta thuê để xoay xở cho 2 mẹ con. 
 
Vài năm đầu người chồng thỉnh thoảng còn đứng ở cổng trường đón con mình ra cho một ít tiền để gọi là, những năm gần đây coi như biệt tăm. Có người anh chồng thương cháu thỉnh thoảng có ghé nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều. “Bố nó vẫn ở đó, ở trong nhà ông bà nội, đã có 2 con rồi, thỉnh thoảng vẫn gặp mặt nhưng chẳng thấy nói gì” - chị Bình kể. 
 
Hàng ít quá, mưu sinh khó khăn, tiền nhà trọ hằng tháng lại đến, hai năm gần đây, chị Bình bị sỏi thận, có thể là do ngồi nhiều  trên ghế may suốt bao nhiêu năm; người chị cứ gầy mòn dần, đau yếu nên có tháng chị chẳng đủ tiền xoay xở. Lần này chị nhờ mẹ chị lên đây ở với mình trông cháu để chị xuống TP Hồ Chí Minh may cùng các bạn trước cùng xí nghiệp xuống làm dưới đó. Dẫu biết xa nhà con trên này không ai chăm sóc sợ con học lơ là nhưng vì miếng cơm manh áo “Con mình mình nuôi, trông mong vào ai được đâu, phải cố gắng thôi chứ biết làm sao” - chị buồn rầu. 
 
Khó đòi tiền cấp dưỡng
 
Theo bà Đoàn thị Tuyết Nga, Phó Chánh án Tòa án Đà Lạt, mỗi năm Tòa Đà Lạt thụ lý trên dưới 1.000 đơn ly hôn. “Đủ mọi lứa tuổi, lớn có trẻ có, nhưng gần đây xu hướng lớp trẻ ly hôn ngày càng nhiều”.
 
Trong hàng nghìn lá đơn được thụ lý này, Tòa hòa giải thành công khoảng 350 đơn, còn lại khoảng 650 trường hợp ly hôn, một con số không hề nhỏ chút nào với những hệ lụy rất lớn đằng sau nó. 
 
Theo phán xử của Tòa, hai vợ chồng sẽ thỏa thuận chuyện nuôi con, trong trường hợp con được giao cho một người nuôi (phần lớn là mẹ) thì người còn lại có trách nhiệm lo chuyện cấp dưỡng, nghĩa là hằng tháng, hằng năm phải hỗ trợ người nuôi con một số tiền nhất định để nuôi nấng, ăn học của con cho đến tuổi trưởng thành. 
 
Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều trường hợp ly hôn rơi vào cảnh ngộ giống như chị Bình, nghĩa là trách nhiệm nuôi con dồn hết lên vai người phụ nữ, ông chồng lơ… đẹp dù hàng ngày vẫn sống sờ sờ ra đấy. 
 
 Ông Nguyễn Sỹ Cần, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Đà Lạt - đơn vị chuyên thi hành các bản án dân sự có hiệu lực của Tòa án Đà Lạt cho biết: “Căn cứ vào bản án đã tuyên của Tòa, người không nuôi con cái phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho người nhận nuôi con và cơ quan sẽ cử chấp hành viên đôn đốc cho việc chi trả cấp dưỡng này”.
 
 Tuy nhiên, theo ông Cần, trong thực tế rất khó đòi được tiền cấp dưỡng. Theo ông, với những trường hợp ly hôn là cán bộ công chức viên chức hay công nhân viên có công việc và thu nhập ổn định thì tương đối dễ vì cơ quan chức năng có thể liên hệ với đơn vị chủ quản để trích từ thu nhập của người này cho việc chi trả cấp dưỡng. Còn với những trường hợp có công việc và thu nhập không ổn định thì rất khó. Nhiều trường hợp qua điều tra thấy họ chẳng có thu nhập gì, công việc bấp bênh, tài sản đứng tên người khác nên phải xếp vào mục “chưa có điều kiện thi hành”. 
 
“Người đại diện cho đứa con, trong trường hợp là người mẹ nuôi con, phải làm đơn gửi lên chúng tôi, dù khó thì chúng tôi vẫn làm” - ông Cần khẳng định.
 
Với chị Bình, chị chỉ có một ước mong trong những ngày tháng khó khăn này được chồng cũ hỗ trợ một tay cùng nuôi con. “Tôi đã một mình nuôi nó từ lớp 1 đến nay, nay nó vào lớp 10, học hành rất ngoan, tôi chỉ mong nó được tiếp tục ăn học để sau này có một công việc ổn định sinh sống, nếu không sẽ khổ lắm”. 
 
GIA KHÁNH