Lâm Đồng là một trong những tỉnh có quy hoạch chăn nuôi giết mổ sớm trong cả nước. Từ tháng 6/2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1406/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành căn cứ thực hiện.
Lâm Đồng là một trong những tỉnh có quy hoạch chăn nuôi giết mổ sớm trong cả nước. Từ tháng 6/2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1406/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành căn cứ thực hiện.
Bên cạnh đó, năm 2013, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 01/2013/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống dịch bệnh, nêu rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý giết mổ.
Theo ông Hoàng Sỹ Bích - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, tổng đàn gia súc toàn tỉnh có 561.288 con, trong đó đàn trâu 15.932 con, đàn bò 91.591 con, đàn heo 443.255 con; gia cầm, thủy cầm có 5,2 triệu con. Chăn nuôi bò sữa theo hướng tập trung quy mô công nghiệp đạt 20%, còn lại tại các nông hộ, có 1 nhà máy chế biến sữa công suất 40 tấn/ngày. Hiện nay, đã có 1 trang trại bò sữa với quy mô 1.600 con được chứng nhận GlobalGAP; 1 trang trại chăn nuôi được chứng nhận an toàn theo công nghệ Organic với 500 con bò sữa; có 977 hộ chăn nuôi đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Từ kết quả cấp giấy chứng nhận VietGAP đã chứng tỏ hộ chăn nuôi thay đổi tư duy, nhận thức đến hành động về đảm bảo ATTP, là cơ sở để duy trì mở rộng cho hộ chăn nuôi áp dụng quy trình GAHP (thực hành sản xuất chăn nuôi tốt) nhằm giảm rủi ro và tăng hiệu quả chăn nuôi, bảo vệ môi trường bền vững.
Từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai việc ký cam kết chăn nuôi an toàn, không kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.772 cơ sở gồm: 1.337 cơ sở chăn nuôi, 264 cơ sở giết mổ, 171 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tham gia phong trào ký cam kết chăn nuôi an toàn, không kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Do khó khăn kinh phí nên việc xây dựng cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 6 cơ sở giết mổ tập trung và 435 điểm giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình.
Mạng lưới kinh doanh thịt có 72 chợ và 1.096 quầy bán thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 39/72 chợ có kiểm soát thú y (chiếm 54,2%) và 723/1.096 quầy có kiểm soát thú y (chiếm 66%).
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm tra thường xuyên 6 cơ sở giết mổ tập trung và 80% các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đầu tư nâng cấp 3 cơ sở giết mổ tập trung, 25 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Nhờ đó, hiện trạng cơ sở hạ tầng các khu, điểm giết mổ khi được nâng cấp đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo ATTP, có kiểm dịch viên thú y kiểm soát giết mổ và lăn dấu trước khi đưa sản phẩm thịt ra thị trường tiêu thụ.
Việc giám sát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ được tăng cường, thường xuyên. Từ năm 2011 đến nay, ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu giám sát 758 mẫu sản phẩm (gồm 138 mẫu thức ăn chăn nuôi, 454 mẫu thịt và sản phẩm từ thịt, 166 mẫu nước tiểu heo) để phân tích các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu về ATTP. Kết quả phân tích có 701/758 mẫu đạt (chiếm 92%), còn 57 mẫu không đạt (chiếm 8%). Trong số 57 mẫu không đạt an toàn bao gồm: 40 mẫu thịt và sản phẩm từ thịt có chứa vi sinh vật, chất phụ gia, hàn the; 17 mẫu nước tiểu heo dương tính với chất cấm Salbutamol. Các mẫu vi phạm đã bị Sở chỉ đạo thực hiện tiêu hủy và xử phạt theo quy định của pháp luật. Qua kiểm tra, giám sát chặt chẽ, từ tháng 4/2016 đến nay, ngành chức năng không phát hiện cơ sở vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn lại 5 năm qua, công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y mặc dù đã được các địa phương, các ngành hết sức quan tâm chỉ đạo thực hiện, từng bước chấn chỉnh những vi phạm trong lĩnh vực này, tuy nhiên vẫn chưa kiểm soát được tốt do số lượng động vật đưa vào lò giết mổ tập trung còn ít so với thực tế. Lực lượng thú y các huyện, thành phố chỉ kiểm soát được tại các cơ sở giết mổ tập trung, còn các điểm giết mổ nhỏ lẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa thực hiện được, toàn tỉnh mạng lưới thú y chỉ mới kiểm tra được 198/435 điểm giết mổ (chiếm 45,6%). Đa phần các địa phương chỉ mới kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ, quầy buôn bán thịt gia súc, gia cầm. Do đó, hoạt động quản lý các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều khó khăn do địa bàn rộng, chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán, sản phẩm cung cấp cho cơ sở giết mổ tập trung chưa ổn định. Số lượng điểm giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát thú y theo quy định còn chiếm đến 54,4% sẽ là nguy cơ rất lớn đối với việc đảm bảo ATTP và phòng chống dịch bệnh cho người và động vật.
Một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 là thực hiện có hiệu quả quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi tỉnh đến năm 2020 (theo QĐ 1406/QĐ-UBND tỉnh); đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất theo VietGAP; xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ với các tỉnh, thành phố; xây dựng và nhân rộng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh ATTP.
AN NHIÊN