Những mái nhà tạm trên bè dập dềnh theo chiều lên xuống của con nước, lúc yên ả, khi giông gió trồi dập. Những con người từ Bắc vào Nam, nay dừng chân tại lòng hồ Thủy điện Ðồng Nai 2 (khu vực nối hai huyện Lâm Hà và Di Linh) mưu sinh trên mặt nước.
Những mái nhà tạm trên bè dập dềnh theo chiều lên xuống của con nước, lúc yên ả, khi giông gió trồi dập. Những con người từ Bắc vào Nam, nay dừng chân tại lòng hồ Thủy điện Ðồng Nai 2 (khu vực nối hai huyện Lâm Hà và Di Linh) mưu sinh trên mặt nước.
|
Những mái nhà trong xóm chài. Ảnh: H.Thắm - N.Ngà |
Cứ đâu có cá, có tôm là sống được…
Trên chiếc xuồng máy của Tráng - cậu thanh niên trú tại thôn Hà Lâm, xã Liên Hà (huyện Lâm Hà), chúng tôi có cơ hội tham quan một vòng các “xóm chài” trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2. Khu vực này có khoảng 3 xóm chài sinh sống. Mỗi xóm có từ 10 - 15 hộ.
Không ai đặt tên nhưng người dân nơi đây vẫn gọi những ngôi nhà trên mặt hồ là xóm chài, xóm bè. Ghé xóm chài gần nhất, khang trang nhất trên mặt hồ này, bởi chỉ nơi đây người dân mới có thể kéo điện lưới từ trên bờ xuống để phục vụ sinh hoạt, chúng tôi bước lên bè hay nói đúng hơn là nhà của đại gia đình ông Trần Văn Tự, người gốc Bến Tre. Sự hiếu khách vồn vã của người miền Tây vẫn theo gia đình ông lên tận nơi này. Ông đãi chúng tôi món tôm khô - loại tôm nhỏ kéo được dưới hồ đem phơi nắng. “Các cô chú đi miền Tây bao giờ chưa, tôm khô ở đây ngọt hơn dưới miền Tây cô hén”, ông Tự nói.
“Hơn hai năm về trước, nghe người ta bảo ở vùng này có Nàng (cá thác lác vằn) nên tôi đưa vợ con đến đây. Rảnh thì đi cất vó lấy tôm tép đi bán, nếu có cá nhỏ thì đem về làm mồi cho lứa cá Nàng này. Mới đó mà đã mấy năm rồi, lẹ dữ hen”, ông Tự hồi tưởng lại.
Bà Năm, vợ ông Tự cho biết, so với những ngày bươn chải trên sông La Ngà ở Đồng Nai gần 20 năm trước đó thì cuộc sống ở đây đầy đủ hơn. Từ ngày có điện lưới, trên chiếc bè nhỏ lần lượt xuất hiện thêm ti vi, tủ lạnh, dàn karaoke hiện đại. Dẫu chẳng thể so sánh với trên bờ nhưng đây là cuộc sống trong mơ của bà. Chẳng thế mà chiều chiều, đây trở thành nơi tụ họp của các bè còn lại trong “xóm”, rôm rả chuyện trò bằng tiếng miền Tây chân chất.
Bè nhà ông Tự nối liền với bè của anh Nguyễn Văn Điền (34 tuổi) bởi anh Điền là con rể ông. “Con bồ câu trước mà bay đi đâu được no bụng thì cả đàn sẽ bay về hướng đó”, anh Điền nói với chúng tôi như vậy về nguyên do theo chân bố mẹ vợ lên mưu sinh ở hồ Thủy điện Đồng Nai 2 bằng cách này. Hầu như tất cả những hộ ở xóm chài đều đăng ký tạm trú dài hạn ở thôn Gia Bắc 2 (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh). Bởi thế, những đứa trẻ xóm bè như thằng cu Tuấn (5 tuổi) con anh Điền vẫn được tới trường đầy đủ.
Không lựa chọn sinh sống trên mặt hồ như ông Tự, anh Điền nhưng ông Trần Văn Triệu (50 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng ngày ngày đan lợp để bắt tôm, cá kiếm sống qua ngày. Từng nhiều năm hái cà phê thuê cho người dân ở thôn Hà Lâm, xã Liên Hà nên ông Triệu biết hồ thủy điện này có nhiều tôm, cá. “Người miền Tây mình cứ đâu có cá, có tôm là sống được à”, ông Triệu cười nói khi tay vẫn thoăn thoắt đan từng chiếc lợp. Với kinh nghiệm dày dặn, ông Triệu nói: “Cứ ngày 5, 14 và 23 âm lịch hàng tháng, trúng ngày hạ bạc nên tôm tép sẽ “kéo” về, ắt sẽ bội thu. Mỗi ngày thu 5, 6 kg tôm tép là bình thường”.
|
Ngoài bỏ mối cho các tiểu thương thì người dân cũng bán cá cho khách ghé thăm. Ảnh: H.T - N.N |
Sông nước là nhà
Đêm xuống, những ánh đèn như sao đêm soi rọi trên mặt hồ. Đèn được giăng để dụ cá vào lưới. Ngày nào cũng thế, nắng cũng như mưa, cuộc sống của người dân ở các xóm chài trên mặt hồ này thường bắt đầu lúc tinh mơ. Mới hơn 3h sáng, mặt hồ đã bị khuấy động bởi những mái chèo khua nước. Nhà nào cũng tranh thủ dậy sớm kéo vó, kéo lưới thu hoạch mẻ tôm, mẻ cá cho kịp chợ sớm và lấy các loại cá vụn về làm “mồi” ở các lồng nuôi.
Những người hàng chục năm lênh đênh trên các dòng nước như ông Tự, anh Điền đã có những lúc muốn vào bờ, để vợ con ổn định cuộc sống. Ấy vậy mà hai người bảo như cái nghiệp đã vận vào thân, đã từng lên bờ sống nhưng không chịu nổi rồi cũng quay trở lại kiếp “lênh đênh”.
Nhìn thằng cu Tuấn vô tư tung tăng chạy từ bè này sang bè khác, chúng tôi hốt hoảng sợ thằng nhỏ rơi xuống nước. Nước hồ sâu lắm. Nhưng đôi chân nhỏ ấy chạy thật “chuyên nghiệp”. Nó nhanh và nhẹ nhàng đến mức dường như chẳng thể thấy bàn chân đặt trên mặt sàn. Tuấn vô tư cười nói “Con đi hoài à, hông sao hết trơn”.
Chị Huệ - vợ anh Điền nói: “Có sống trên mặt hồ mới biết cũng lênh đênh, nổi trôi dữ lắm. Bình thường thì thế này đấy, nhưng mọi người thử nghĩ xem, mùa mưa bão, giông gió trên bờ đã đáng sợ, thì ở đây còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần! Những ngày gió giật cả bè chao đảo, có khi sóng đánh vào mạn bè, nước lại bắn tung tóe ướt cả sàn nhà. Nhưng phải mưu sinh thôi, riết rồi cũng quen hà!”.
Những gia đình ở xóm chài đều phải gửi xe máy ở nhà người quen trên bờ để khi có việc cần như đưa đón con đi học, đi khám chữa bệnh cho tiện. Có khi chủ nhà đi vắng phải đậu xe ở vườn cà phê. “Xe thì không quý giá gì với nhiều người nhưng với gia đình mình thì đó là gia sản. Có bữa lên bờ đưa con đi học chẳng thấy xe đâu làm cháu trễ học. Biết là vậy nhưng làm sao đưa xe xuống bè được nên đành mặc cho may rủi thôi”, chị Huệ trầm tư.
Dẫu có “thắng, thua”
“Dẫu có thắng, thua gì thì mình cũng phải cố gắng chịu đựng mà vượt qua. Cái nghề bao lâu nay, đâu thể vì một hai mẻ cá mà từ bỏ được”, anh Võ Tấn Lực (An Giang) nói thế khi kể về câu chuyện nuôi cá lồng của anh.
Cách đây ít lâu, bè nuôi cá rô phi của anh mất trắng mà không rõ nguyên nhân. “Nhìn cá nổi trắng bè, có những con trọng lượng cả 1 kg, thử hỏi có ai không xót xa? Mình nuôi theo kinh nghiệm bao năm lăn lộn từ khắp các tỉnh miền Tây, không ngờ lên đây lại gặp phải “trái đắng” như vậy”, anh Lực ngậm ngùi. Trong vô vàn những gian khó của nghề nuôi cá, anh Lực kể rằng vào mùa mưa, khi người ta xịt thuốc cho cà phê trên đồi vừa xong lại gặp mưa nên thuốc trôi hết xuống hồ làm chết cá. “Ở trên bờ còn nói tìm cách chặn được, nhưng dưới nước này đành chịu chứ biết tránh vào đâu”.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi bị thu hút bởi tiếng chó sủa và tiếng gà gáy. Biết có “khách” tới nhà, ông Nguyễn Văn Tiến (quê Thái Bình) dừng công việc ném cỏ cho bè cá trắm để vẫy tay qua xuồng mời chúng tôi vào nhà và đãi khách bằng món đặc sản trà bắc - thứ trà quê hương được ông gói ghém cẩn thận.
Ở người đàn ông này dường như có sự “thèm người” đến kinh khủng. Mà cũng đúng thôi bởi cuộc sống của ông là một cha một con lênh đênh trên chiếc bè rộng vài mét vuông. Bởi thế, ông trở nên nhạy cảm với mọi tiếng động, mọi sự việc xảy ra.
Nhấp ngụm trà “đặc đứng tăm”, ông nói: “Nuôi cá trên hồ này gian truân lắm chứ chả đùa. Ít khi người ta tìm đến mình lắm, chủ yếu là mình tự đi giới thiệu, rồi người này chỉ người kia. Mình nuôi chủ yếu là cá trắm và rô phi. Lứa cá đầu mình tự đưa đi bán tận các chợ ngoài Tân Hà, Di Linh… Cứ một giờ sáng hai cha con dậy đóng cá. Đến 3, 4 giờ gì đó chạy ra các chợ bán. Có hôm bán mãi đến chiều mới chạy về nhà. Nhưng cá mình tự nuôi, lại tươi nên người ta đồn thổi nhau về chất lượng. Bây giờ mình chỉ bỏ sỉ cho các chợ thôi. Vậy mà cũng có khi cá không đủ bán đấy”.
Tùy theo giá thị trường nhưng ông Tiến vẫn tiêu thụ được cá đều đặn, giá cả dao động khoảng 35-40 ngàn/kg. Trừ chi phí đầu tư, rủi ro thì hằng năm đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Lúc chúng tôi rời đi, ông nói trong tiếc nuối: “Ở lại ăn cơm với mình bữa đi, có cơm cá này”. Nhưng rồi vẫn phải chia tay ông mà cảm giác cứ nao nao. Dẫu có “thắng, thua” thì những con người từ nhiều quê hương đã chọn mặt hồ Thủy điện Đồng Nai 2 làm nhà. Có người làm nghề đặt lợp ven hồ, cũng có người thả lưới, người lại làm lồng bè… Mỗi người mỗi nghề nhưng họ quy tụ nơi đây và làm “hàng xóm” của nhau. Đêm đêm, trong ánh sáng từ nguồn năng lượng mặt trời, người miền Tây vẫn say sưa ca câu vọng cổ, người miền Trung cần mẫn đan lưới đêm khuya, người miền Bắc nhâm nhi ly trà, phê pha điếu thuốc. Khi đất trời chìm vào màn đêm thì trên mặt hồ vẫn sáng, cá tôm vẫn vào lưới, vào lợp để rồi ngày mai người xóm chài lại tất bật mưu sinh.
H.THẮM - N.NGÀ